Việt Nam và Nhật Bản hội đàm bên lề AMM thứ 44
12:00 AM - 23/07/2011
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki MatsumotoNgày 22-7, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM 44), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và các Hội nghị ASEAN với các nước đối tác tại đảo Bali của Indonesia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto. Hai bên đánh giá cao những bước phát triển mới trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trong thời gian qua; trao đổi về những biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác trong thời gian tới, việc chuẩn bị cho các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt là các dự án hợp tác lớn về hạ tầng cơ sở giữa hai nước.Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm một lần nữa bày tỏ sự chia sẻ và tình đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với những tổn thất nặng nề do thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11-3 vừa qua gây ra, khẳng định Việt Nam luôn ủng hộ và sẵn sàng làm tất cả trong khả năng của mình để hỗ trợ Nhật Bản khắc phục hậu quả thiên tai.Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeaki Matsumoto khẳng định Chính phủ Nhật Bản hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế; tiếp tục duy trì cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho những dự án hợp tác quan trọng.Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông, nhất trí cho rằng việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Phía Nhật Bản bày tỏ ủng hộ việc các nước liên quan thông qua đàm phán hòa bình giải quyết ổn thỏa các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982 và trên tinh thần tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Việt Nam tham dự Hội nghị đại hội đồng AICESIS
12:00 AM - 22/07/2011
Ngày 21-7, Hội nghị Đại hội đồng của Hiệp hội quốc tế Hội đồng kinh tế-xã hội và các tổ chức tương đương (AICESIS) năm 2011 đã khai mạc tại thủ đô Rome của Italy. Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghịĐoàn Việt Nam gồm 4 thành viên do ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu tham dự hội nghị, diễn ra từ ngày 21 đến 23-7.Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch AICESIS Antonio Marzano tổng kết các hoạt động của AICESIS trong nhiệm kỳ 2009-2011. Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề mang tính toàn cầu theo chủ đề "Vai trò của AICESIS với phương thức quản lý mới về môi trường, kinh tế và xã hội toàn cầu".Ông Vũ Trọng Kim đã gửi bài tham luận đến hội nghị, trong đó nêu rõ những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam và kết quả công tác xóa đói giảm nghèo - từ một nước thiếu lương thực đầu những năm 1990, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và an ninh lương thực luôn được giữ vững. Bài tham luận cũng nêu rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên, góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.Với vai trò, nhiệm vụ của mình, là một thành viên của AICESIS, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang góp phần cùng Nhà nước Việt Nam thực hiện có kết quả "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo" để đạt được Các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc.Trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế thế giới, Việt Nam vừa chú trọng chất lượng tăng trưởng, vừa hết sức chú trọng về an sinh xã hội.Ông Vũ Trọng Kim cho biết trong quá trình hợp tác với Việt Nam, Liên hợp quốc và các đối tác phát triển khác đã ghi nhận những kết quả ấn tượng trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo và nhiều khả năng Việt Nam sẽ hoàn thành các mục tiêu còn lại trước năm 2015.AICESIS được thành lập năm 1999 và đến nay đã có 64 quốc gia thành viên. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - đại diện cho Việt Nam, trở thành thành viên chính thức của AICESIS vào năm 2009./.
Việt Nam và Trung Quốc hội đàm bên lề AMM 44
12:00 AM - 21/07/2011
Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 (AMM 44) và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại Bali của Indonesia, sáng 21-7, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì.  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết TrìHai bộ trưởng đã trao đổi quan điểm và nhất trí về tầm quan trọng của Hội nghị quan chức cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các hội nghị quan chức cấp cao và hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN cùng các đối tác nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Đông Á và các hội nghị cấp cao liên quan; góp phần thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin với mục tiêu chung là hòa bình ổn định và phát triển.Hai bộ trưởng nhất trí đánh giá cao vai trò chủ đạo của ASEAN trong khu vực, cũng như thành công của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 44. Hai bên cũng trao đổi một cách cởi mở và thẳng thắn quan điểm về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; hợp tác vì sự thành công của các hội nghị quan trọng đang diễn ra tại Bali và đảm bảo hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực.Dự kiến chiều cùng ngày sẽ diễn ra các cuộc gặp song phương giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và các bộ trưởng ngoại giao của Australia và Malaysia.
Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao thành tựu của Việt Nam
12:00 AM - 21/07/2011
Ngày 20-7, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao các thành tựu về mọi mặt của Việt Nam, quan hệ đối tác ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Liên hợp quốc và bày tỏ ấn tượng sâu sắc về các nhà lãnh đạo, nhân dân Việt Nam. Đại sứ Lê Hoài Trung trình thư ủy nhiệm lên Tổng Thư ký Liên hợp quốcPhát biểu sau khi ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc trình Thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon cảm ơn sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với Liên hợp quốc. Sự ủng hộ này thể hiện qua hoạt động của Việt Nam trong nhiệm kỳ làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, tại các cơ quan khác nhau của Liên hợp quốc và đóng góp vào quá trình cải tổ Liên hợp quốc như triển khai Sáng kiến Một Liên hợp quốc tại Việt Nam.Cảm ơn những thiện cảm của Tổng Thư ký Ban Ki-moon, Đại sứ Lê Hoài Trung đồng thời giới thiệu về thành tựu của quá trình đổi mới toàn diện ở Việt Nam.Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với Liên hợp quốc theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.Việt Nam sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện sứ mệnh của Liên hợp quốc là gìn giữ hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển và đối phó với những thách thức mới đặt ra đối với cộng đồng quốc tế và cải tổ Liên hợp quốc.
Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 44
12:00 AM - 19/07/2011
Sáng 19-7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 (AMM 44) đã khai mạc tại Bali, Indonesia.Tham dự lễ khai mạc có Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, TổngThư ký ASEAN Surin Pitsuwan và Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN.  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.Phát biểu khai mạc, Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị AMM 44 đối với các Hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á dự kiến diễn ra vào cuối năm nay tại Indonesia.Tổng thống Yudhoyono cũng đánh giá cao sự nhất trí và quyết tâm của các nước thành viên hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 - một Cộng đồng vì nhân dân và dân chủ, thông qua nỗ lực tích cực thực hiện lộ trình cho Cộng đồng ASEAN, các quy định của Hiến chương ASEAN, củng cố và tăng cường đoàn kết và hợp tác ASEAN, nâng cao khả năng phục hồi và phát triển ASEAN với vai trò chủ đạo trong khu vực.Theo Tổng thống Yudhoyono, bối cảnh hội nhập đang diễn ra sôi động, phức tạp và nhanh chóng, đòi hỏi các nước ASEAN phải tăng cường đoàn kết, nhất trí, nâng cao năng lực để tận dụng các cơ hội, đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống, cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu.Những nỗ lực đó cần được tiến hành trên cơ sở một nền tảng chung, sự kiên định trong thực hiện những nội dung đã được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí tại Hội nghị cấp cao ASEAN 18.Tổng thống Yudhoyono khẳng định nỗ lực chung của các nước thành viên xây dựng một Cộng đồng ASEAN hướng ngoại, tiếp tục hợp tác với các đối tác để tạo ra môi trường chiến lược ở Đông Á, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hoà bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và toàn cầu thông qua các diễn đàn do ASEAN đóng vai trò định hướng.Về các vấn đề khu vực cùng quan tâm, Tổng thống Yudhoyono nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 1992, nên cần đẩy nhanh việc hoàn thiện các hướng dẫn thực thi DOC để hai bên bước sang giai đoạn mới, đó là xác định các nội dung cơ bản của Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).Bằng cách đó, ASEAN có thể khẳng định với thế giới rằng tương lai Biển Đông có thể dự báo, quản lý và giải quyết được. Tổng thống Yudhoyono cũng cho biết tình hình giữa Thái Lan và Campuchia đang từng bước cải thiện, song vẫn còn căng thẳng, đòi hỏi thiện chí của cả hai bên nhằm giải quyết xung đột một cách hòa bình thông qua đối thoại.Hội nghị AMM 44 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Marty Natalegawa của Indonesia - nước Chủ tịch ASEAN 2011 và Chủ tịch Hội nghị AMM 44.Với chủ đề “Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng toàn cầu của các quốc gia,” Hội nghị AMM 44 tập trung thảo luận lộ trình, biện pháp đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN trên ba trụ cột vào năm 2015; phát huy vai trò của ASEAN trong việc củng cố hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực cũng như trên thế giới; tăng cường khả năng phục hồi kinh tế khu vực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính và sự nổi lên của các nền kinh tế châu Á với tư cách là một động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế toàn cầu.Bộ trưởng Natalegawa cho biết tại Hội nghị lần này, Indonesia sẽ dành ưu tiên thảo luận cho các nội dung liên quan đến triển vọng an ninh ASEAN, Diễn đàn hàng hải ASEAN lần thứ hai và các vấn đề về cấu trúc khu vực, các quan hệ đối ngoại của ASEAN và Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng toàn cầu của các quốc gia.Trên cơ sở nhất trí đề xuất của các quan chức cấp cao, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng thảo luận việc thực hiện DOC; công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 19 và các hội nghị liên quan; thành lập Viện Hòa bình và Hòa giải ASEAN; xem xét vấn đề thị thực chung ASEAN.Dự kiến, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ ra thông cáo chung của Hội nghị AMM 44, Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị ARF, Tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác (ASEAN +3, ASEAN +1, EAS), Tuyên bố kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại Nga -ASEAN.
Bộ trưởng Quốc phòng tiếp đại sứ Lào và Malaysia
12:00 AM - 14/07/2011
Chiều 13-7, Tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã lần lượt tiếp Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sounthne Sayachak, Đại sứ Malaysia Dato, Lim Kim Eng đến chào từ biệt, nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Tiếp Đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sounthne Sayachak, Bộ trưởng Quốc Phùng Quang Thanh cám ơn những đóng góp quý báu của Đại sứ trong việc phát triển việc mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào. Bộ trưởng nêu rõ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây, hai dân tộc Việt-Lào và quân đội hai nước đã cùng nhau sát cánh chống kẻ thù chung, hy sinh nhiều xương máu mới dành được thành quả cách mạng. Do vậy, các thế hệ hôm nay và mai sau của hai nước cần trân trọng, vun đắp, gìn giữ phát triển mối quan hệ đặc biệt mà các thế hệ đi trước đã xây dựng nên. Những năm qua, quan hệ quốc phòng giữa hai nước tiếp tục được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực, Bộ Quốc phòng Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận các học viên của quân đội Lào sang học tập, đào tạo tại Việt Nam. Mong muốn trên cương vị công tác mới, Đại sứ Sounthne Sayachak tiếp tục có nhiều đóng góp, cống hiến cho quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào phát triển lên tầm cao mới. Đại sứ Sounthne Sayachak chúc mừng Việt Nam tiếp tục thu được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng, Nhà nước và nhân dân các bộ tộc Lào luôn ghi nhớ công lao, sự giúp đỡ vô tư, hiệu quả của Đảng, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam đã dành cho đất nước Lào anh em trong sự đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong hoà bình xây dựng ngày nay. Tin tưởng rằng, thời gian tới mối quan hệ khăng khít đặc biệt thủy chung giữa hai nước Việt-Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Tại buổi tiếp Đại sứ Malaysia, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đánh giá cao những đóng góp của Đại sứ Dato, Lim Kim Eng trong việc thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng. Những năm gần đây, quân đội hai nước Việt Nam-Malaysia đã tăng cường các chuyến thăm, trao đổi đoàn cấp cao, ký văn bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương và triển khai hợp tác trong lĩnh đào tạo.Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị thời gian tới, quân đội hai nước tiếp tục thúc đẩy hơn nữa về hợp tác hải quân, tổ chức tuần tra chung trên Biển Đông, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình trong khu vực và tạo điều kiện để ngư dân hai nước cùng nhau khai thác nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của mỗi nước.
35 năm lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Philippines
12:00 AM - 12/07/2011
Ngày 11-7, tại Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức míttinh kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Philippines (12-7-1976 - 12-7-2011). Đại sứ Philippines Jerril G. Santos phát biểu tại lễ kỷ niệmChủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng và Đại sứ Philippines Jerril G. Santos đã điểm lại mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Philippines kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau; thảo luận những phương hướng và biện pháp nhằm khai thác tốt tiềm năng sẵn có, cũng như mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.Điểm lại những nỗ lực chung của cả hai bên, Chủ tịch Vũ Xuân Hồng cho rằng quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Philippines đã gặt hái được những thành quả hết sức phấn khởi. Kim ngạch thương mại hai chiều ngày càng tăng, đã vượt mức 2 tỷ USD mà hai nước đề ra cho năm 2010 ngay từ năm 2008. Hợp tác hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, giáo dục... cũng thu được những kết quả hết sức khả quan.Bên cạnh đó, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Đông Nam Á nói chung và nhân dân Philippines nói riêng cũng được tăng cường.Cùng chúc quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Philippines và các nước ASEAN không ngừng được củng cố, phát triển, Chủ tịch Vũ Xuân Hồng và Đại sứ Jerril G. Santos cùng bày tỏ tin tưởng, trong những năm tới, quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Philippines sẽ tiếp tục thu được những thành tựu mới to lớn hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.Nhân dịp này, triển lãm ảnh 35 năm quan hệ Việt Nam-Philippines và Chương trình văn nghệ mô tả lễ hội Santacruzan (còn gọi là lễ hội hoa tháng Năm), một lễ hội truyền thống đặc sắc ở Philippines cũng đã diễn ra.
Tham khảo chính trị định kỳ với ba nước châu Âu
12:00 AM - 09/07/2011
Nhận lời mời của Bộ Ngoại giao Slovakia, Ba Lan và Hungary, từ ngày 2 đến 9-7, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm và tiến hành tham khảo chính trị định kỳ với Bộ Ngoại giao ba nước này.  Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh SơnTrong khuôn khổ chuyến thăm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã hội đàm với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Slovakia Milan Jezovica, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Beata Stelmach và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hungary Nemeth Zsolt.Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đã có các cuộc chào xã giao và trao đổi thân tình với Phó Thủ tướng Cộng hòa Slovakia Jozef Mihal, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Janos Martonyi, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Ba Lan Leon Kieres, Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Hungary-Việt Nam Ola Janos.Trong các cuộc làm việc và tiếp xúc, các bên đều đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với Slovakia, Ba Lan và Hungary với bề dày hơn 60 năm lịch sử; nhất trí triển khai những biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy một cách toàn diện quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế-thương mại-đầu tư bằng những dự án hợp tác thiết thực và hiệu quả, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường hợp tác trong thời gian tới.Các bên cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có việc giải quyết vấn đề biển Đông bằng những biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và Tuyên bố ứng xử (DOC).Phía Slovakia, Ba Lan và Hungary đều khẳng định ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU), trong đó có việc sớm ký chính thức Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) và tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA), sớm công nhận quy chế Kinh tế thị trường cho Việt Nam đồng thời mong muốn Việt Nam hỗ trợ trong việc thúc đẩy quan hệ EU-ASEAN.Nhân dịp này, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã cùng với Phó Thủ tướng Cộng hòa Slovakia Jozef Mihal chính thức khai trương Đại sứ quán Việt Nam tại Bratislava. Ngoài ra, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cùng với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Beata Stelmach đã ký Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao giữa hai nước.
Chú trọng công tác về cộng đồng người Việt ở Mỹ
12:00 AM - 08/07/2011
Ngày 7-7, phát biểu với các phóng viên Việt Nam tại Mỹ sau lễ trình thư ủy nhiệm lên Tổng thống Mỹ Barack Obama, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết một trong hai nhiệm vụ quan trọng nhất của ông trong nhiệm kỳ là công tác đối với cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chụp ngày 7-7 tại Washington,ngày sau khi trình thư ủy nhiệm,ngay sau khi trình thư ủy nhiệmĐại sứ khẳng định nhiệm vụ của ông cũng như đại sứ quán, bên cạnh việc duy trì đà phát triển trong quan hệ hai nước và đưa quan hệ hai nước lên một tầm phát triển mới, việc làm cầu nối đưa kiều bào ngày càng hướng về quê hương, đất nước là hết sức quan trọng.Đại sứ cho biết sắp tới ông có kế hoạch đi thăm và làm việc tại nhiều bang khác nhau của Mỹ và trong chương trình luôn có phần làm việc, gặp gỡ với cộng đồng người Việt. Đại sứ nói rằng ông muốn lắng nghe tâm tư, tình cảm của bà con, đồng thời đây cũng là dịp để giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam với bà con.Về quan hệ Việt-Mỹ, Đại sứ cho biết trong lễ trình thư ủy nhiệm của Chủ tịch nước tới Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay trước đó, Tổng thống Obama đánh giá quan hệ giữa hai nước hiện nay đã có bước tiến đáng kể và sự hợp tác giữa hai nước đã và đang được tăng cường trên nhiều lĩnh vực, gồm kinh tế, thương mại, an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân, y tế, môi trường, khoa học-kỹ thuật và giáo dục. Theo Tổng thống, hai nước cần tiếp tục đà phát triển này để đưa quan hệ song phương lên tầm đối tác và hợp tác mới. Tổng thống cho rằng Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ lợi ích trong việc duy trì ổn định và thịnh vượng ở châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống cũng hứa sẽ tích cực hỗ trợ Đại sứ và các cơ quan của Việt Nam tại Mỹ.Tại buổi lễ, Đại sứ đã chuyển lời thăm hỏi của Chủ tịch nước và lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Tổng thống Obama và phu nhân, thông báo lãnh đạo và nhân dân Việt Nam hoan nghênh Tổng thống Obama sớm có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam.Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đánh giá quan hệ Việt Nam-Mỹ đã có những bước phát triển vượt bậc trong 16 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Hai nước đã và đang tạo dựng nền tảng vững chắc và khuôn khổ quan hệ rõ ràng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị-an ninh-quốc phòng đến kinh tế- thương mại-đầu tư, giáo dục, y tế, khoa học-kỹ thuật, các vấn đề nhân đạo như tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (MIA) và giải quyết hậu quả chất độc da cam, cũng như việc hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí hậu, chống khủng bố và không phổ biến vũ khí hạt nhân.Đại sứ cũng khẳng định trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình là góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước lên một tầm cao mới hướng tới đối tác chiến lược vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.Tổng thống Obama đã chúc mừng Đại sứ đảm trách nhiệm vụ mới. Tổng thống gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch nước và lãnh đạo Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm sang thăm Việt Nam.Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết mục tiêu quan trọng nhất của ông trong nhiệm kỳ này là góp phần đưa quan hệ Việt-Mỹ trở thành đối tác chiến lược. Tuy nhiên, theo ông, hiện vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua để quan hệ hai nước phát triển sâu rộng, trong đó có những di sản của quá khứ, cũng như những khác biệt giữa hai nước trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo.Về những khác biệt này, đại sứ cho biết hai bên đã thiết lập được cơ chế đối thoại thường xuyên, trao đổi với nhau rất thẳng thắn để tăng cường hiểu biết về quan điểm, việc làm của mỗi bên về các điểm còn khác biệt này.
Việt-Đức bàn về cải cách chính quyền địa phương
12:00 AM - 07/07/2011
"Cải cách chính quyền địa phương, chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức" là nội dung chính cuộc Hội thảo khoa học do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Văn phòng Viện KAS tại Hà Nội tổ chức, chính thức khai mạc ngày 7-7 tại thành phố Đà Nẵng. Mục đích của hội thảo nhằm tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam và Đức; nhu cầu nghiên cứu và các bài học kinh nghiệm nhằm thúc đẩy cải cách chính quyền địa phương trong giai đoạn mới ở Việt Nam hiện nay. Hội thảo đã được nghe các nhà khoa học, các nhà quản lý Việt Nam và Đức báo cáo kinh nghiệm cải cách chính quyền địa phương tại Đức; tổng quan thực tiễn cải cách chính quyền địa phương ở Việt Nam trong những năm đổi mới - xu hướng và những vấn đề đặt ra trong cải cách chính quyền địa phương... Trong những năm gần đây, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào cộng đồng quốc tế đã cải thiện vị thế và hình ảnh của một Việt Nam mới - một nhà nước pháp quyền thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, yêu cầu của sự phát triển bền vững, ổn định của Nhà nước và xã hội đang tiếp tục đòi hỏi phải củng cố, phát triển và xây dựng các cơ sở pháp lý cơ bản đặt nền tảng cho việc tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị, cải cách bộ máy Nhà nước, phát huy dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trước thực tiễn trên, Viện Nhà nước và Pháp luật đã triển khai một hướng nghiên cứu về kinh nghiệm nước ngoài về cải cách chính quyền địa phương. Hội thảo lần này nằm trong khuôn khổ hướng nghiên cứu này. Hội thảo sẽ kết thúc ngày 8-7.

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước

Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019

Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này

Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm

Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên

Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo

Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long

Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực

Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ

Đường dây nóng: 0866.909.369

Email: [email protected]

Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020

Fax: 0271.3870720

Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065