Chiến lược bóng đá 10 năm vẫn như cũ
10:30 AM - 24/02/2012
Không có nhiều ý kiến nặng về phê phán VFF, cuộc hội thảo góp ý chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam tại TP.HCM hôm qua xoáy vào nhiều vấn đề trọng tâm hơn. Nhiều đại biểu dự hội thảo rất tâm đắc khi nguyên Phó chủ tịch LĐBĐ VN Trần Văn Mui đưa ra bản góp ý dự thảo chiến lược phát triển bóng đá VN đầu tiên giai đoạn 2001-2010 và so sánh với bản chiến lược hiện nay khi về cơ bản không có nhiều điểm mới, nếu không muốn nói có những vấn đề còn thiếu thực tế, chưa có tính khả thi. Hơn 10 năm trước, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bản góp ý dự thảo gửi ngày 6-10-2000 đã chỉ ra nhiều vấn đề sát sườn, trong đó có quan điểm làm bóng đá của ngành TDTT là phải đẩy mạnh xã hội hóa và phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của người dân. Ông Trần Văn Mui đưa dự thảo chiến lược được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt góp ý từ năm 2000, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện Muốn làm được vậy, phải khẩn trương hình thành nền bóng đá chuyên nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng tốt cơ sở vật chất dành cho bóng đá và phải chú trọng đến công tác đào tạo trẻ, đồng thời nhấn mạnh nhà nước không nên bao cấp từ con người cho đến tài lực của bóng đá VN. Khi đó, bản dự thảo này cũng đã được gửi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) và đã nhận được sự góp ý 11 điểm của tổ chức này, trong đó có cả chuyện bản quyền truyền hình. Nghĩa là bản chiến lược của hơn 10 năm trước đã định hướng tường tận lộ trình cho bóng đá VN, nhưng tất cả đã không được ngành TDTT và LĐBĐ VN triển khai thực hiện, nên bây giờ lại viết lại, lấy ý kiến tiếp rồi nhiều người tự hỏi không biết sau cuộc hội thảo này khi Chính phủ đã phê duyệt, ngành TDTT và LĐBĐ VN sẽ thực hiện đến đâu, hay lại rơi vào tình trạng 10 năm sau lại đem ra bàn tiếp. Chính vì thế, các phát biểu đa phần đều nhấn mạnh đến việc phải có chính sách quốc gia đi kèm với chiến lược này để cụ thể hóa phương hướng từng năm. Liên quan đến đào tạo trẻ, hầu hết đều bức xúc với hệ thống tổ chức bóng đá trẻ hiện nay còn nhiều bất cập. Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Duy Long cho rằng lịch thi đấu bóng đá trẻ hiện chưa khoa học, chưa tạo điều kiện cho VĐV tích lũy, công tác đào tạo chưa có quy trình thống nhất và cũng chưa được chuẩn hóa, nên sự phát triển không đồng bộ, hệ thống chân rết thiếu ổn định, nên các CLB chuyên nghiệp luôn đau đầu về lực lượng. Ủy viên Ban Trọng tài Bùi Như Đức bức xúc cái gốc của mọi nền bóng đá chính là bóng đá trẻ nhưng thời gian qua làm theo kiểu đối phó, còn thiếu khoa học, không có những bộ phận tuyển trạch theo dõi chuyên sâu sự phát triển của các cầu thủ trẻ để có sự tuyển lựa chính xác. Ông Đức cũng nhấn mạnh đến việc vì sao trọng tài ngoại trình độ không hơn trọng tài VN nhưng luôn làm tốt giải VĐQG mà trọng tài VN bị kêu ca, bởi ở VN có quá nhiều chi phối dễ khiến trọng tài mất phương hướng. Nói cách khác, một số lãnh đạo trong BTC và điều hành trọng tài chưa làm gương nên ảnh hưởng nhiều đến công tác điều hành trọng tài. (Theo TNO)
Giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên 2012 mở rộng lên 8 đội
08:52 AM - 23/02/2012
Hôm qua, nhà báo Nguyễn Công Khế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, Trưởng BTC giải U.21 cho biết kể từ năm 2012, giải bóng đá U.21 quốc tế sẽ được nâng lên tầm cao mới về số lượng lẫn chất lượng. Về số lượng, dự kiến giải sẽ mở rộng lên 8 đội quốc tế thay vì 6 đội như mọi năm và sẽ thi đấu dài ngày hơn. Về chất lượng, ngoài các đội ở khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, BTC sẽ đề nghị LĐBĐ VN mời các đội mạnh hàng đầu của châu Á như Hàn Quốc, Iran, Qatar và một đội U.21 của châu Âu. Phía VN ngoài đội tuyển chọn U.21 có thể sẽ tạo điều kiện cho đội U.19 cùng tham gia nhằm chuẩn bị cho vòng chung kết U.19 châu Á khởi tranh vào đầu tháng 11 tại UAE. Dự kiến giải U.21 quốc tế sẽ diễn ra từ 11 đến 21-10 tại Pleiku, còn vòng chung kết giải U.21 quốc gia tại Ninh Thuận từ 20 đến 30-9.                                                                            (Theo TNO)
Bóng chuyền VN bị kìm hãm phát triển
03:24 PM - 15/02/2012
Việc Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vừa thông báo kể từ mùa giải 2013 sẽ không cho phép ngoại binh thi đấu giải vô địch quốc gia đã tạo nên làn sóng phản đối. Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Nguyễn Bá Nghị cho biết: “Sau 5 mùa giải cho phép các đội thuê ngoại binh thi đấu đã nảy sinh nhiều vấn đề. Các CLB giành giật, đẩy giá ngoại binh lên cao, gây mất cân bằng giữa các đội bóng, bỏ bê công tác đào tạo VĐV nội mà hậu quả là vài năm nay tuyển bóng chuyền nam, nữ Việt Nam không có được gương mặt mới nào, thành tích thi đấu quốc tế ì ạch. Do vậy Ban chấp hành liên đoàn bóng chuyền đi đến quyết định chỉ cho phép mỗi đội sử dụng 1 ngoại binh ở mùa giải 2012, sau đó bỏ hẳn khi sang mùa giải 2013”. Về việc này, HLV nhiều năm gắn bó với bóng chuyền Việt Nam Huỳnh Thúc Phong (CLB Sanest Khánh Hòa) có quan điểm khác. Ông nói: “Điểm tích cực đầu tiên khi cho phép các CLB sử dụng ngoại binh chính là việc giải đấu trở nên hấp dẫn, sôi động, thu hút đông đảo khán giả đến xem. Với việc không cho phép các CLB sử dụng ngoại binh, tôi e rằng bóng chuyền sẽ tái diễn cảnh cũ, ảnh hưởng nhà tài trợ và không có lợi cho sự phát triển của bóng chuyền VN”. Ngoại binh có chất lượng như Seni đã giúp VTV Bình Điền Long An chơi hay hơn Ông Phong phản biện: “Chúng ta không thể đánh đồng công tác đào tạo VĐV nội với việc cho phép sử dụng ngoại binh. Các giải đấu ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… đều cho phép sử dụng ngoại binh mà không ảnh hưởng gì, thậm chí trình độ của họ ngày càng tăng lên. Việc có ngoại binh thi đấu cho các CLB theo tôi là thước đo để các VĐV Việt Nam biết được năng lực của mình đang ở đâu so với bạn bè quốc tế. Đó cũng là động lực để họ phấn đấu. Vấn đề ở chỗ công tác quản lý, tổ chức các giải đấu từ liên đoàn, bộ môn đến ý thức của các CLB, VĐV ra sao. Không thể đi ngược lại xu hướng phát triển của bóng chuyền chuyên nghiệp khi xóa bỏ ngoại binh”. Cựu HLV đội tuyển QG Lương Khương Thượng (CLB VTV Bình Điền Long An) tham vấn: “Nếu liên đoàn xem giải vô địch quốc gia là nơi cọ xát, tuyển chọn VĐV nội thì nên có một giải đấu mang tính chuyên nghiệp để các CLB đang xã hội hóa tham gia. Giải đấu đó nên cho phép sử dụng ngoại binh nhằm tăng tính hấp dẫn”. Nhiều HLV khác cũng ủng hộ ý kiến trên khi cho biết bóng chuyền Việt Nam quá ít giải đấu, hệ thống thi đấu quá cũ. Do đó muốn phát triển phải thay đổi mạnh mẽ. Một số ý kiến cho rằng hạn chế chỉ còn 1 ngoại binh là phù hợp chứ không nên cấm hẳn. Như ở môn bóng đá, trong tương lai cũng sẽ rút xuống còn 3 cầu thủ và thực tế cho thấy giải đấu ngày càng hay khi việc sử dụng ngoại binh có chất lượng đã kích thích sự cố gắng của các VĐV nội. Mới đây, bóng rổ khi có giải đấu chuyên nghiệp với đông đảo ngoại binh đã diễn ra thật sôi động, thu hút sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ. Do vậy bóng chuyền cũng nên nghiên cứu cải tiến giải đấu để phát triển hơn. Bóng chuyền VN luôn tùy tiện và rất lộn xộn Điều này xuất hiện từ năm rồi khi chính Liên đoàn Bóng chuyền VN cho phép các VĐV thi đấu ở hạng cao (giải vô địch quốc gia) được quyền thi đấu thêm cho CLB khác ở hạng dưới. Điều đó dẫn đến tình trạng lộn xộn khi các CLB tìm cách rút ruột của nhau, các VĐV chạy tán loạn để tăng cường cho “mối quen” nhằm cải thiện đời sống, thậm chí vì sự quản lý lỏng lẻo này mà đã xuất hiện nghi vấn bán độ ở một số trận đấu giải hạng nhất và cả vô địch quốc gia mùa rồi. (Theo TNO)

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước

Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước

Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019

Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này

Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm

Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên

Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo

Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long

Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực

Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ

Đường dây nóng: 0866.909.369

Email: [email protected]

Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020

Fax: 0271.3870720

Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065