Trên thực tế, đa số học viên tham gia học tập đều nhận thức rõ tầm quan trọng của LLCT-HC, nên có thái độ học tập nghiêm túc, chấp hành nội quy, quy chế lớp học; đồng thời tích cực chủ động lĩnh hội tri thức ngay trên lớp, về nhà dành thời gian đọc tài liệu, tham khảo các giáo trình và vận dụng ngay vào trong công tác, cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, vẫn còn học viên tham gia khóa đào tạo với ý thức học tập chưa cao, bởi xác định học để “chuẩn hóa”, học vì chỉ tiêu thành tích của đơn vị... Từ đó, học viên này đến lớp với tâm trạng đối phó, nặng nề, tranh thủ làm việc riêng trong giờ học... Ý thức học tập xấu nêu trên được cổ súy bởi không ít đơn vị cử học viên đi học thiếu sự quán triệt về tinh thần học tập nghiêm túc, dễ thấy nhất là gọi điện thoại giao việc khi học viên đang trong tiết học hoặc giao những việc gấp rút, mà để hoàn thành công việc này buộc phải cắt xén thời gian học tập.
Đồng chí Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chủ trì cuộc họp giáo viên chủ nhiệm quý 1/2019
Mấy năm gần đây, Trường Chính trị tỉnh đổi mới công tác quản lý và tăng cường siết chặt nền nếp học tập nên tư duy ở cả người học và cơ quan cử đi học đã có chuyển biến tích cực rõ nét.
Thực hiện nguyên tắc học ra học, làm ra làm, không mang “hai vai” trong cùng một thời điểm. Trước đây, trong giờ học, học viên tập trung nghe giảng bài, nhưng với lý do giải quyết công việc cơ quan nên không ít học viên nghe - gọi điện thoại, ra - vào lớp thường xuyên, hoặc mang máy laptop đến lớp làm việc của cơ quan. Hiện nay, tình trạng này về cơ bản đã được khắc phục khá triệt để. Nguyên nhân chính tạo nên sự thay đổi đó là bên cạnh giáo viên chủ nhiệm quán triệt nội quy, quy chế của lớp học, thì nhân tố cơ bản chính là sự nghiêm khắc của giảng viên đứng lớp. Trước khi vào giảng bài, giảng viên nhấn mạnh nguyên tắc tắt chuông và không được sử dụng điện thoại trong giờ học, đợi đến giờ nghỉ giải lao thì mới nghe, gọi, giải quyết công việc. Vì thế, tinh thần học tập của lớp tập trung, không bị quấy nhiễu, chi phối bởi các hành vi “việc riêng” của một số thành viên trong lớp.
Tình trạng học viên đi trễ, về sớm, thậm chí nghỉ học được khắc phục. Tham gia quản lý lớp học không chỉ giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp mà còn có cả giảng viên đứng lớp. Việc các lớp lập sơ đồ, có tên danh sách học viên giúp giảng viên dễ dàng biết lớp học có đủ sĩ số hay không và vắng ai. Giảng viên được quyền điểm danh bất cứ thời gian nào và số lượng người vắng (tên cụ thể do ban cán sự lớp ghi) là một giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý lớp học. Cụ thể, tại thời điểm điểm danh, cho dù học viên vẫn đến lớp nhưng khi điểm danh vắng mặt thì coi như vắng học cả buổi, phải đi học lại chuyên đề của buổi đó là giải pháp siết chặt, góp phần duy trì nền nếp học tập. Điều này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần nghiêm túc học tập, tôn trọng giảng viên.
Quy định cả giảng viên và học viên phải có mặt từ 5-10 phút trước khi buổi học bắt đầu diễn ra là bước chuẩn bị quan trọng, tạo tâm thế sẵn sàng dạy - học cho cả giảng viên và học viên. Học viên có mặt trước còn giúp ổn định công tác tổ chức lớp học.
Học để đối phó, học cho có lệ bớt dần trong quan niệm của một số học viên. Qua học tập, nhiều giảng viên của Trường Chính trị tỉnh đã cuốn hút học viên tham gia học tập, từ thái độ học tập “sợ sệt”, “thờ ơ” chuyển dần sang “tích cực”, “chủ động”, “sáng tạo”.
Với cách siết chặt quản lý, cơ quan cử cán bộ đi học thay đổi tư duy, từ “tranh thủ” giao việc, sang tạo điều kiện về thời gian để học viên đến lớp. Ban đầu, không ít thủ trưởng đơn vị than trời, bởi “sao mà khó thế, gọi điện thoại không được” nhưng dần dần đều đồng tình với cách làm nêu trên, đợi đến giờ nghỉ giải lao mới gọi cho cán bộ, nhân viên để trao đổi. Hay tình trạng thủ trưởng đơn vị ký dưới đơn xác nhận đề nghị cho cán bộ, đảng viên nghỉ học vì công việc của cơ quan được khắc phục triệt để, trừ những khi thật cần thiết, bởi quy chế hiện nay là nghỉ học buổi nào thì đi học lại chuyên đề của buổi đó ở các lớp sau.
Tại cuộc họp giáo viên chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm quý 1/2019, đồng chí Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng, hoạt động của giáo viên chủ nhiệm và sự nghiêm khắc của giảng viên là những yếu tố cơ bản góp phần nâng cao ý thức học tập của học viên trong thời gian qua. Đồng chí Trần Tuyết Minh nhấn mạnh: “Nể nang, né tránh, dễ dãi với học viên thì có lợi cho mình nhưng lại ảnh hưởng đến cái chung”, tức dễ dãi thì học viên xin gì cho nấy nên được học viên mến, không bị ghét nhưng hậu quả để lại khôn lường, làm cho nhiệm vụ học tập bị vô kỷ luật, không nền nếp dẫn đến mục đích của công tác đào tạo bị phá vỡ.
Nhật Hạ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065