Tết năm nay thời tiết nóng bức hơn các năm trước, thấy con gái lên xe với váy hai dây khá mát mẻ, chị hỏi ngay con mặc thế này đi chùa à? Nó trả lời, ngồi xe mặc thế này cho khỏe, đến chùa con sẽ thay! Thế nhưng đến chùa, nó chỉ tròng thêm vào người đôi tất lưới màu đen. Ngứa mắt, chị bảo con đi thay đồ nhưng nó bảo con mang toàn váy, thay bộ nào cũng thế thôi. Chị bực quá bảo nó ngồi ngoài xe, không được vào chùa. Anh rể tôi phải lên tiếng can thiệp, chị đành nhăn nhó đồng ý nhưng yêu cầu con gái tuyệt đối không được chạy qua chạy lại tạo dáng chụp hình trong chùa.
Thực ra bộ đồ cô cháu gái tôi mặc còn kín đáo hơn so với những bộ đồ mà nhiều bạn trẻ diện đi đền, chùa rồi chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều cô nàng váy ngắn, áo hở ngực hở rốn hoặc xuyên thấu, thậm chí chỉ mặc sơ mi mà không mặc quần rồi mang tất liền, trang điểm lòe loẹt, nói chuyện ồn ào, tạo dáng rất khó coi ở chốn linh thiêng để chụp hình. Dù nhiều nơi nhà chùa có biển thông báo không mặc váy, trang phục phản cảm khi vào chùa vẫn không ngăn được một bộ phận người dân thiếu ý thức, mà đa phần là các bạn trẻ.
Đi lễ chùa nhưng ăn mặc phản cảm - Ảnh internet
Nhớ cách đây không lâu, chị bạn khoe bộ ảnh gia đình chụp ở chùa Vàng (Thái Lan). Thấy cả ba mẹ con mặc váy dài giống nhau và… hơi xấu, tôi tò mò hỏi thì chị trả lời đó là trang phục của nhà chùa. Ở Thái Lan, phụ nữ muốn vào chùa buộc phải mặc váy quá đầu gối. Mặc quần cũng không được vì quần bó khít vẫn lộ cơ thể, không tôn kính đối với đức Phật nên nhà chùa chuẩn bị sẵn những chiếc váy quây dài quá bắp chân cho du khách. Ai cũng muốn mặc đẹp, muốn thể hiện gu thời trang của mình ở những nơi công cộng. Nhưng khi đến chùa chiền lễ Phật, hãy tạm gác lại những sở thích trưng diện của bản thân để lựa chọn cho mình bộ đồ phù hợp, để không ảnh hưởng đến không gian linh thiêng và không gây “chướng mắt” những phật tử đi chùa. Theo quan niệm của đạo Phật thì ở nơi thờ tự linh thiêng, sự giản dị, tôn nghiêm luôn được đưa lên hàng đầu. Đến chùa nên chọn những bộ đồ màu sắc nhã nhặn hoặc có cùng tông màu với loại áo tràng các phật tử thường mặc đi lễ chùa là màu nâu hoặc lam.
Ngày xưa, cha ông ta khá cầu kỳ chuyện ăn mặc. Nhà giàu thì mớ ba mớ bảy, áo hồng áo tím, dân dã thì tứ thân nâu sồng. Có người phải gồng gánh nhiều khiến vai áo sờn rách thì chỉ mua thêm vuông vải để thay vai áo. Thế mà trở thành “mốt” áo tứ thân đổi vai mà ngày nay nhiều nghệ sĩ vẫn diện trên sân khấu. Lại có người chỉ có một chiếc áo sơ mi nhưng may thêm đến mấy chiếc cổ áo để dùng, trước là ấm cổ, sau là để thể hiện mình không chỉ có... một chiếc áo. Có người cho đó là trò sĩ diện, nhưng có người lại nói đó là danh dự của bản thân, của gia đình, dòng tộc.
Thế mới biết áo quần không chỉ là thứ che thân. Đó còn là văn hóa - văn hóa ăn mặc. Ông cha ta đã có câu “Y phục xứng kỳ đức”- nhìn cách ăn mặc đã biết văn hóa của một con người!
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065