Hà Văn Giảng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Ninh
BP - Chiến thắng Lộc Ninh (7-4-1972) gắn liền với Chiến dịch Nguyễn Huệ nổi tiếng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần mở rộng vùng giải phóng, hoàn thiện căn cứ Bộ chỉ huy Miền tại Tà Thiết, đồng thời có tác động to lớn buộc Mỹ - ngụy phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh Việt Nam vào ngày 27-1-1973. Đã 45 năm đi qua nhưng lịch sử vẫn còn in đậm những trang sử vàng về chiến dịch này trên vùng đất Đông Nam bộ nói chung và Bình Phước nói riêng.
Sau thất bại mùa khô năm 1971, quân ngụy buộc phải rời bỏ phòng tuyến ngoại biên, xây dựng Lộc Ninh thành trọng điểm của phòng tuyến vòng ngoài Sài Gòn. Ở Lộc Ninh, lực lượng địch gồm chiến đoàn bộ binh, thiết đoàn kỵ binh, trung đoàn thiết giáp, tiểu đoàn biệt động quân biên phòng, tiểu đoàn pháo binh, 6 đại đội biệt kích và địa phương quân cùng hàng trăm cảnh sát vũ trang. Sư đoàn 9 quân ngụy đóng ở ngay thị trấn, còn trung đoàn thiết giáp án ngữ ở Lộc Hòa và Hoa Lư. Tại những khu vực quan trọng này, địch bố trí 3 trận địa pháo, gồm 20 khẩu pháo 105 ly và 155 ly, chưa kể hàng trăm khẩu cối 60, 80, 106, 107 ly đặt ở khắp nơi. Ở tuyến lộ 13 và 14 thường xuyên có 40 xe tăng M41 và xe thiết giáp hoạt động.
Thời gian này, địch tăng cường càn quét vào sâu vùng căn cứ, dùng cả máy bay B52 thả bom tấn, bom hẹn giờ đánh phá thường xuyên các khu rừng dọc biên giới, kể cả vùng rừng cao su. Cường độ chiến sự ở Lộc Ninh được địch đẩy lên cao, rất ác liệt làm hoạt động của bộ đội địa phương và du kích xã, ấp gặp phải những khó khăn mới. Trên trục lộ 13 và 14 đầy các cụm cứ điểm, trung bình vài kilômét lại có 1 cụm đóng quân. Xung quanh các yếu khu, như: Lộc Ninh, Anpha, Lộc Hòa địch bố trí các cụm đóng quân dã ngoại của lực lượng biệt kích, bảo an và địa phương quân với bán kính từ 8-10km... Thời điểm địch ráo riết xây dựng hệ thống phòng thủ ở Lộc Ninh cũng là lúc Bộ chỉ huy Miền quyết định chọn Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành là hướng chủ yếu cho Chiến dịch Nguyễn Huệ. Tháng 3-1972, Bộ chỉ huy chiến dịch đã về Tà Thiết (Lộc Thành, Lộc Ninh) để chỉ đạo tác chiến.
Nhân dân Lộc Ninh chào đón quân giải phóng tiến vào Lộc Ninh, ngày 7-4-1972
Đầu tháng 3-1972, hành lang chiến lược Bắc - Nam đã mở tới tây bắc Lộc Ninh. Con đường bí mật cắt rừng đưa xe tăng từ Đông Bắc Campuchia về Lộc Ninh đã hoàn tất; lương thực, vũ khí, quân trang, quân dụng phục vụ chiến dịch đã bí mật tập kết vào vùng giải phóng Lộc Ninh. Ngày 31-3-1972, ở hướng nghi binh quân ta đánh địch trên quốc lộ 22 Xa Mát, Thiện Ngôn, tạo thuận lợi cho trận then chốt ở Lộc Ninh. Ngày 2-4-1972, ta phục đánh đoàn xe cơ giới địch ở Lộc Tấn diệt gần 100 xe và nhiều binh lính địch. 15 giờ 30 phút ngày 5-4-1972, pháo binh quân giải phóng dội bão lửa vào các căn cứ quân địch ở Lộc Ninh, Hoa Lư, Lộc Tấn. Đêm 5-4-1972, bộ binh ta tiến đánh chi khu quân sự, Bộ chỉ huy Sư đoàn 9, trại biệt kích ở thị trấn Lộc Ninh. Ngày 7-4-1972, trước sức tiến công như vũ bão của quân ta, địch đã giở thủ đoạn đê hèn là lùa dân ra đường cản đường tiến quân của xe tăng và bộ đội ta. Không để mất thời cơ, bộ binh ta vượt lên trước xe tăng dọn đường và tiêu diệt những tên ác ôn đang lùa dân vào mũi xe tăng. Địch hoảng hốt bỏ chạy, hàng ngàn đồng bào được cứu thoát, bộ đội, xe tăng truy kích địch tận hang ổ cuối cùng. Ngày 7-4-1972, ta làm chủ hoàn toàn Lộc Ninh.
Ngoài phối hợp với bộ đội chủ lực, tối 5 và 6-4-1972, bộ đội địa phương huyện và du kích đã tiêu diệt bọn lính bảo an, dân vệ ở các đồn Lộc Tấn, Làng 2, Lộc Thắng, Hoa Lư, Lộc Bình và vây chặn địch ở đồn Ngo Lơ. Tại đồn Ngo Lơ, do vướng phải mìn địch, 10 cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 31 anh hùng bị thương vong. Đại đội phó Lâm Xum bị thương vẫn dũng cảm chiến đấu bảo vệ thương binh, sau đó anh tự sát để không rơi vào tay địch. Đại đội phó Thành cũng hy sinh anh dũng. Cán bộ đại đội Điểu Suôn thực hiện đầy đủ lời dặn của Đại đội phó Lâm Xum trước lúc hy sinh, vừa cất giấu tử sĩ, bảo vệ thương binh vừa tìm cách báo cho đơn vị ứng cứu. Đại đội 31 một lần nữa phải tổn thất lớn nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng quê hương.
Trong chiến dịch lịch sử giải phóng Lộc Ninh, hơn 11 ngàn công nhân cao su và hàng ngàn đồng bào dân tộc S’tiêng, Khơme đã nổi dậy phá kìm. Chỉ trong 2 đêm 5 và 6-4-1972, quần chúng cùng các anh em binh sĩ “phòng vệ dân sự” dưới sự hướng dẫn của cán bộ, đảng viên, du kích mật đã nổi dậy làm chủ hoàn toàn các làng xã. Bọn ngoan cố, kể cả ấp trưởng, bảo an, dân vệ, cảnh sát đều phải quẳng súng bỏ chạy lẩn trốn. Nhiều tên lẩn trốn trong dân đã bị bắt ngay sau đó, trong đó có tên cố vấn Mỹ phải cởi bỏ sắc phục trà trộn trong dân, nhưng cũng bị bắt ở Khánh Hưng. Hàng ngàn lính ngụy ở Lộc Ninh đã đầu hàng quân giải phóng.
Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng. Một thời kỳ mới bắt đầu, thời kỳ Lộc Ninh là “thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam bộ, căn cứ địa của Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.
Chiến thắng ngày 7-4-1972 là kết quả của đường lối chính trị và quân sự đúng đắn của Đảng ta, là thắng lợi của sự đoàn kết keo sơn gắn bó giữa các lực lượng vũ trang với nhân dân các dân tộc, tôn giáo trong quá trình chiến đấu, lao động và trưởng thành. Chiến thắng lịch sử 7-4-1972 đã đánh dấu một quá trình đấu tranh cực kỳ gian khổ hy sinh của nhân dân ta, phá tan bức tường thép kiên cố ở vùng biên giới, tạo điều kiện để Chính phủ cách mạng lâm thời xây dựng vùng căn cứ nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn, làm nơi đứng chân của Bộ chỉ huy Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và là bàn đạp cho các binh đoàn chủ lực xuất kích tấn công vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
Lộc Ninh là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, là bước ngoặt chiến lược cách mạng ở vùng biên giới, góp phần củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng đoàn thể quần chúng, góp phần làm suy yếu thế và lực của địch, cổ vũ thêm sức mạnh quân dân toàn miền, đưa đến giải phóng hoàn toàn miền Nam sau này. Đặc biệt hơn, Lộc Ninh vừa là nơi địch thất bại thảm hại, vừa là nơi địch phải trao trả những chiến sĩ cách mạng đã chiến thắng từ ngục tù Côn Đảo, Chí Hòa, Phú Quốc trở về.
H.V.G
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065