Thời điểm này, các vườn điều đã bắt đầu thay lá, đâm chồi và chuẩn bị ra bông. Thế nhưng, tại huyện Bù Đăng đang xuất hiện dịch sâu róm đỏ gây hại cây điều trên diện rộng.
Kỹ sư Trần Minh Hiểu, Phó trưởng trạm trồng trọt, bảo vệ thực vật huyện Bù Đăng cho biết: Hiện diện tích sâu róm đỏ gây hại chưa thống kê chính xác, tuy nhiên qua báo cáo của cơ sở thì sâu róm đỏ đã xuất hiện ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. Cán bộ trạm đã khảo sát vườn điều của nông dân xã Đoàn Kết, Thọ Sơn và thị trấn Đức Phong, cho thấy sâu róm đỏ xuất hiện ở rất nhiều vườn điều với mật độ gây hại khác nhau. Bị nặng nhất là những vườn điều đang ra lá non, lá bánh tẻ. Sâu róm đỏ ăn trụi lá, đóng kén từng chùm khiến cây không thể quang hợp; nhiều cây đã bị khô ngọn, khô cành.
Ông Đại Quốc Dũng, ở tổ dân phố Đức Thiện, thị trấn Đức Phong cho biết: Sâu róm đỏ xuất hiện từ cuối tháng 9 đến nay, gây hại gần 1 ha điều của gia đình. Khi phát hiện, ông đã chủ động xử lý bằng cách đốt lửa và xịt thuốc sâu.
Nhiều xã do nông dân không phát hiện và phòng trị sớm nên sâu róm phát triển thành dịch gây hại trên diện rộng. Trước thực tế trên, Trạm trồng trọt, bảo vệ thực vật huyện đã chỉ đạo cán bộ phụ trách bảo vệ thực vật các xã, thị trấn thông báo rộng rãi đến nông dân về tình hình bệnh dịch và phương pháp phòng trừ, nhằm khống chế lây lan, tránh ảnh hưởng xấu tới năng suất và chất lượng trong vụ thu hoạch tới.
Kỹ sư Trần Minh Hiểu cho biết: Sâu róm đỏ ăn lá và chồi non của cây, nhất là lá non và lá bánh tẻ; sâu ăn lá chỉ chừa lại gân lá. Do ăn khỏe và sinh sản mạnh nên mật độ sâu tăng lên rất nhanh. Trong thời gian ngắn, sâu róm đỏ có thể ăn trụi hết lá của cây điều.
Để phòng trừ sâu róm đỏ, hàng năm sau khi thu hoạch, nông dân cần tạo tán, tỉa cành thông thoáng để hạn chế sâu đẻ trứng. Thường xuyên thăm vườn, kiểm tra và phát hiện sâu kịp thời. Vệ sinh vườn sạch sẽ, nếu có điều kiện thả kiến vống vàng, ong mắt đỏ cùng các loại thiên địch ăn sâu. Nông dân nên xông khói, dùng lửa đốt lông sâu róm, sâu rụng xuống đất sau đó thu gom và đốt; thu gom cành lá có ổ trứng và sâu non mới nở đem tiêu hủy; đồng thời dùng bẫy đèn thu hút sâu trưởng thành để tiêu diệt. Vì sâu róm đỏ rất dễ ngộ độc nên sử dụng các loại thuốc có tính xông hơi, vị độc. Nông dân cần phòng trừ sâu róm đỏ trước khi cây điều ra bông, vì nếu phun thuốc vào thời kỳ ra bông sẽ ảnh hưởng đến hoa, hoặc phun vào lúc trời nắng khi sâu róm chui xuống gốc - kỹ sư Trần Minh HIểu khuyến cáo.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065