* Thưa ông, đâu là nguyên nhân chính để Bình Phước đạt và vượt chỉ tiêu xuất - nhập khẩu trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như nhiệm kỳ 2015-2025?
Nhiệm kỳ 2015-2020, Bình Phước đã tạo được lực hút rất lớn trong đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI trong các lĩnh vực: chế biến nông sản xuất khẩu (đặc biệt chế biến hạt điều Bình Phước nổi tiếng cả nước và thế giới); chế biến gỗ và sản phẩm gỗ; chế biến cao su thiên nhiên và sản phẩm từ cao su; dệt may - da giày; điện - điện tử; cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo… Khoảng 90% sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất ra trên địa bàn tỉnh đều được xuất khẩu.
Lô hàng sản phẩm mủ SVR3L của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cao su Phú Thịnh xuất sang thị trường châu Âu - Ảnh: T.M
Thời tiết diễn biến thất thường, giá xuất khẩu hàng nông sản chưa ổn định, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến quá trình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, Bình Phước đã triển khai thực hiện đồng bộ, có nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. đặc biệt là sự năng động, nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, đã chủ động mở rộng thị trường, linh hoạt trong tìm nguồn cung ứng mới và nguồn nguyên liệu thay thế khác trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tận dụng được cơ hội từ Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nên kim ngạch xuất - nhập khẩu của tỉnh không chịu nhiều tác động của biến động thị trường, đại dịch Covid-19 (thuận lợi do nguyên liệu nhập khẩu cũng là sản phẩm để chế biến xuất khẩu chính: điều, dệt may, da giày…).
Trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất - nhập khẩu của tỉnh đều tăng trưởng trên 2 con số và vượt kế hoạch đã đề ra.
Tư nhân tích cực tham gia
* Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng cao. Kết quả này nói lên điều gì, thưa ông?
Điều này phản ánh gián tiếp “sức khỏe” tốt của nền kinh tế và mức sống của người dân địa phương được cải thiện rõ rệt. Nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng, phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, thu nhập khả dụng cao hơn với nhu cầu cải thiện đời sống,… đã làm tăng doanh số mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ ở địa phương. Cụ thể, tổng doanh số mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ (chiếm tới gần 90% tỷ trọng) tập trung vào lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và đồ dùng gia đình.
Tiếp đó là sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân tại địa phương đầu tư hạ tầng thương mại như: trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện dụng, chợ truyền thống... Đặc biệt là nền tảng cho phát triển vững chắc thương mại điện tử như Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước và các nền tảng kinh tế số khác tại địa phương.
Sự đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị gắn với phát triển hài hòa các loại hình thương mại hiện đại và truyền thống: các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống… tạo sự ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân từ thành thị đến nông thôn.
Sản phẩm ván ép xuất khẩu của Công ty CP chế biến gỗ Thuận An đóng trên địa bàn xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành - ảnh: T.M
Phát triển hạ tầng giao thông gắn với logistics
* Để thương mại, dịch vụ, xuất - nhập khẩu đạt mức tăng trưởng cao hơn trong nhiệm kỳ tới, ngoài nỗ lực của ngành, tỉnh cần có những cơ chế, chính sách gì để tạo đà cho sự phát triển của ngành thương mại, dịch vụ, đặc biệt là xuất - nhập khẩu, thưa ông?
Ngành công thương tới đây sẽ: Xây dựng chiến lược gắn kết thương mại với sản xuất, áp dụng các chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển của tỉnh, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, thiết lập hệ thống phân phối, bán lẻ phù hợp từng thị trường đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nhân dân, người tiêu dùng. Thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, tăng cường liên kết phát triển và các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa Bình Phước với các tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Định hướng phát triển rõ các cụm ngành gồm: Chế biến hạt điều và các sản phẩm từ hạt điều, chế biến cao su thiên nhiên và sản phẩm từ cao su, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may - da giày, điện - điện tử, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, nguyên liệu cho năng lượng sinh khối (viên nén gỗ) và sinh học (dầu vỏ hạt điều); năng lượng điện tái tạo…
Thúc đẩy hoàn thiện hạ tầng của các khu công nghiệp và 40 cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh để khai thác giá trị tăng thêm của ngành từ công nghiệp phụ trợ, chế biến sâu…
Xác định thị trường Liên minh châu Âu sẽ là trụ cột xuất khẩu chính làm trợ lực cho tỉnh trên đà phát triển; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư sẵn sàng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu về sản lượng sản xuất, đa dạng sản phẩm, mở rộng quy mô đầu tư, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thương hiệu quốc tế, chỉ dẫn địa lý... khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu; chủ động để tận dụng thời cơ mới của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Về phía tỉnh tập trung phát triển hoàn thiện các khu đô thị, thu hút đầu tư hình thành các khu trung tâm thương mại tập trung lớn gắn với phát triển các loại hình dịch vụ nhằm mở rộng liên kết trong mối quan hệ cung cầu giữa kinh doanh - tiêu dùng. Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả mô hình chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 5-7-2019 của HĐND tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Phước. Xem xét hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và cụm công nghiệp từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 đối với các cụm công nghiệp đã được quy hoạch nhằm thu hút đầu tư hạ tầng, đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến. Quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu phải gắn với nhu cầu thị trường và chế biến xuất khẩu; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn quốc tế chung của thị trường nhập khẩu nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Giải quyết các nút thắt về nguồn lực lao động có trình độ; thúc đẩy phát triển dịch vụ công lấy mục tiêu vì doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, để thương mại, xuất - nhập khẩu của tỉnh có điều kiện phát triển nhanh, tỉnh cần đồng bộ phát triển hạ tầng giao thông gắn với logistics kết nối với các tỉnh trong khu vực và cảng biển - sân bay sẽ tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn rút ngắn khoảng cách về không gian và thời gian, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, gia tăng kim ngạch xuất - nhập khẩu của tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065