“Gian khổ thuộc về phần anh”
Từ thành phố Đồng Xoài, chúng tôi vượt hơn 100km đến thăm cán bộ, chiến sĩ ở các đồn biên phòng đang bảo vệ tuyến biên giới thuộc địa bàn huyện Bù Đốp. Cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Quýt (nay là Đồn biên phòng Phước Thiện) tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc, chúng tôi thêm hiểu nỗi gian lao, vất vả mà người lính biên phòng trải qua. Thượng úy Điểu Bưa, Đội trưởng Đội vũ trang - người có nhiều năm gắn bó với biên giới, cho biết: “Đồn đang bảo vệ tuyến biên giới dài 18,315km với 23 cột mốc, trong đó có 3 cột mốc chính. Từ đồn đến cột mốc gần nhất cũng khoảng 8km, địa hình hiểm trở nên công tác tuần tra gặp nhiều khó khăn. Mùa này, chúng tôi bớt vất vả, chứ mùa mưa phải bám thật chắc vào những sợi dây, cây rừng, nếu không may bị trượt chân ngã rất nguy hiểm”. Chiến sĩ trẻ Đội vũ trang Đồn Đắc Quýt Lê Công Hải vừa bước đi thoăn thoắt dưới tuyến đường rừng vừa nói: “Nhà em ở xã Bình Thắng (Bù Gia Mập). Lúc mới nhập ngũ, em nghĩ vất vả lắm cũng chỉ như làm rẫy ở nhà, nay phải thường xuyên đi tuần tra, em thấy thực tế khác xa tưởng tượng. Được tôi luyện trong môi trường quân đội, với người lính thì khó khăn, gian khổ mấy cũng phải vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắc Quýt (nay là Đồn biên phòng Phước Thiện) tuần tra, bảo vệ cột mốc biên giới
Thời điểm cuối năm cũng là dịp các đối tượng xấu lợi dụng buôn bán, vận chuyển hàng lậu và xâm nhập biên giới trái phép. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ các đồn càng phải nắm chắc địa bàn phụ trách, cùng vui xuân với bà con để nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý khi có vụ việc xảy ra. Trung úy Nguyễn Văn Ngọc, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm Đồn biên phòng Bù Đốp cho hay: “Tuyến biên giới do đơn vị quản lý là đoạn đường sông dài 18,5km với rất nhiều ngầm. Cư dân biên giới có mối quan hệ thân tộc với người dân nước bạn Campuchia nên thường xuyên qua lại. Bà con chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp nên dễ bị kẻ gian lợi dụng, lôi kéo vận chuyển hàng lậu. Đội phải chủ động nắm âm mưu, phương thức, thủ đoạn để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm và phối hợp chính quyền cơ sở tuyên truyền, giáo dục giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quy chế biên giới”.
Cùng Thiếu tá Nguyễn Văn Trung, cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Đắc Quýt về địa bàn thăm các mô hình giảm nghèo do đơn vị hỗ trợ những hộ khó khăn, anh cho biết: “Địa bàn đơn vị phụ trách (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp - PV) rất khó khăn do có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để kịp thời nắm tình hình và tiếp nhận những nguồn tin có giá trị, nhất là dịp cuối năm, người lính biên phòng cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc thiểu số vừa tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế biên giới, vừa giúp đỡ nhân dân. Từ đó, nhân dân tin yêu, quý mến và chung tay cùng bộ đội bảo vệ biên giới”. Do địa bàn phụ trách cách xa đồn gần 20km, để rút ngắn quãng đường về vì trời gần tối, anh Trung đi tắt qua những con đường nhỏ trong rừng bị hư hỏng nặng do mưa lớn, chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể bị ngã. “Cũng may đã sang mùa khô, chứ vào mùa mưa thì đường này rất lầy lội, trơn trượt, không thể về đơn vị trong đêm” - anh Trung nói. Nhờ thân thuộc địa bàn, địa hình, lại có “tay lái lụa” nên anh Trung điều khiển “con ngựa sắt” đưa chúng tôi về đồn an toàn.
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”
Đang trao đổi với Thiếu tá Bùi Gia Lượng, Chính trị viên Đồn Đắc Quýt sau bữa cơm tối trong không gian tĩnh mịch, chúng tôi bỗng nghe giai điệu “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn như chồi non cỏ biếc, như rừng cây của lá, như tình yêu đôi ta...” trong bài hát “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung cất lên từ hội trường đơn vị. Lời ca trầm bổng của các chiến sĩ như phá tan màn đêm u tịch của ngày cuối năm. Anh Lượng cho biết: “Đoàn thanh niên đang chuẩn bị tiết mục văn nghệ để giao lưu cùng các đơn vị kết nghĩa đến thăm và chúc tết. Ở nơi núi rừng heo hút này, ngoài hoạt động thể thao, người lính phải tự nghĩ ra nhiều hình thức sinh hoạt văn nghệ để làm phong phú thêm đời sống chiến sĩ. Những buổi sinh hoạt không chỉ tạo mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ với chiến sĩ mà còn giúp chúng tôi nắm bắt tư tưởng của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ mới để kịp thời động viên, chia sẻ, giúp các em tự tin vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Thanh Hòa tích cực tăng gia cải thiện đời sống
Trong chuyến công tác, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Văn Hiếu, Chính trị viên Đồn biên phòng Bù Đốp và Thượng tá Trần Xuân Nhã, Chính trị viên Đồn biên phòng Thanh Hòa. Được biết, cán bộ các đồn phải thường xuyên luân chuyển công tác nên các anh thân thuộc hầu hết địa danh, sông, suối dọc tuyến biên giới do Bộ đội biên phòng Bình Phước quản lý, bảo vệ. Nghe các anh tâm sự, chúng tôi thấu hiểu những vui, buồn của người lính biên phòng sau những chuyến tuần tra, âm thầm mật phục truy bắt đối tượng buôn lậu qua biên giới dưới cơn mưa rừng dai dẳng cùng bộ đồ ướt sũng. Nhiều đêm, các anh phải nhịn đói, nằm co ro dưới cái lạnh thấu xương giữa rừng già và muỗi rừng vây kín; hay đối mặt với cái nắng rát dưới những tán cây trơ trụi vào đợt cao điểm mùa khô, phải cắn răng chịu đựng khi bị ve, vắt rừng cắn để mật phục, truy bắt thành công đối tượng phạm tội.
Chính trị viên phó Đồn Thanh Hòa Lương Sơn nói: “Sau mỗi chuyến tuần tra, người lính lại tranh thủ cầm dao, cầm cuốc phát cỏ, cuốc đất trồng rau; làm chuồng trại nuôi gà, heo; xuống suối giăng lưới bắt tôm, cá để cải thiện đời sống. Nói thật, chẳng ở đâu có nhiều rau, thịt, cá sạch như ở các đồn biên phòng bởi toàn là những thứ cây nhà lá vườn tự kiếm, tự làm”. Cuộc sống của người lính biên phòng thật đơn sơ, mộc mạc. Thậm chí, các anh không đòi hỏi thứ gì cho riêng mình, nhiều khi quên cả ánh đèn đường, sự tấp nập, rộn ràng nơi đô thị.
“Em rất tự hào vì là người lính biên phòng. Nhiệm vụ nào được giao em cũng cố gắng hoàn thành thật tốt, dù có khó khăn, gian khổ đến mấy. Mọi người được yên vui, quây quần trong ngày tết là niềm vui của chúng em” - binh nhất Đinh Tử Úy, chiến sĩ Đội vũ trang Đồn biên phòng Thanh Hòa chia sẻ. Mới về Đồn biên phòng Đắc Quýt nhận nhiệm vụ, chiến sĩ Đội tham mưu - hành chính Phạm Văn Đạt rất vui vì được góp một phần công sức để tuyến biên giới luôn bình yên. Đạt nói: “Tết này là tết đầu tiên em không sum vầy cùng gia đình. Được cùng đồng đội giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, thi gói bánh chưng, bánh tét... cùng các đơn vị kết nghĩa khi đón giao thừa là em thấy vui rồi. Với em, đời lính thật đáng yêu và nhiều kỷ niệm đáng nhớ”.
Đã là lính biên phòng, ai cũng xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, nhưng cứ độ tết đến, xuân về, trong lòng mỗi người không khỏi dâng lên cảm xúc bồi hồi khó tả. Tạm biệt những người lính đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc, chúng tôi tin tưởng, các anh luôn vững tin, chắc tay súng giữ mùa xuân yên bình cho mọi người, mọi nhà.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065