BP - 2018 là năm ngành cao su đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá mủ cao su liên tục sụt giảm, nhưng Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng vẫn nỗ lực phát triển theo hướng bền vững, ổn định về diện tích, gia tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Trong đó, năng suất vườn cây của doanh nghiệp luôn duy trì ở mức cao và là niềm tự hào của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nhiều năm qua. Thành công này có phần đóng góp không nhỏ của tập thể cán bộ, công nhân viên - người lao động (CBCNV-NLĐ) Nông trường Minh Hưng (Bù Đăng).
Xuân Kỷ Hợi 2019 cận kề nhưng đối với CBCNV-NLĐ Nông trường Minh Hưng thì xuân này đến từ rất sớm. Bởi năm 2018, đơn vị khai thác được gần 1.450 tấn, đạt 105% kế hoạch pháp lệnh, về trước kế hoạch 11 ngày với năng suất vườn cây 2.540kg/ha, thu nhập bình quân trên 9 triệu đồng/người/tháng, thu từ kinh tế hộ đạt 50 triệu đồng/gia đình và giữ vững danh hiệu xuất sắc toàn diện.
DUY TRÌ SẢN XUẤT BỀN VỮNG
Trên đường đưa chúng tôi đến thăm vườn cây đang khai thác của tổ 4, ông Lê Tiến Hồng, Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn nông trường cho biết: Thời gian qua, thị trường cao su luôn ở tình trạng cung vượt cầu khiến giá mủ giảm sâu. Các dự báo đều cho thấy, tình trạng này sẽ còn kéo dài nên doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc giá cao su ở mức thấp. Do vậy, nông trường luôn coi việc duy trì sản lượng khai thác, bảo đảm ổn định vườn cây và chăm lo tốt đời sống người lao động là những giải pháp tiên quyết để phát triển bền vững.
Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 4 Dương Thanh Súy cho hay: Tổ có rất nhiều cái nhất, đó là vườn cây ở xa nhất, số công nhân nhiều nhất (50 CBCNV-NLĐ), diện tích lớn nhất (134,13 ha)... và cũng là tổ duy nhất chưa có điện lưới quốc gia. Toàn bộ vườn cây được giao thuộc nhóm 3 (cận thanh lý) nên việc khai thác gặp rất nhiều khó khăn do cạo úp trên cao, ngoài tầm kiểm soát, phải thiết kế, trang bị cây cạo, dây dẫn mủ dài... Hầu hết công nhân đều phải huy động thêm lao động phụ. Để phát triển sản xuất bền vững, ngoài chăm sóc vườn cây đúng quy định, chúng tôi còn xây dựng đội ngũ công nhân có tay nghề cao; bảo quản, giữ gìn vật tư tốt, tận thu mủ tạp và phát huy tinh thần sáng tạo của công nhân. Đồng thời công khai, minh bạch các khoản thu, chi, chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, giúp người lao động yên tâm, tin tưởng, tạo sự đồng thuận cao trong sản xuất - kinh doanh. Nhờ đó, năm 2018, tổ khai thác đạt 105% kế hoạch, 13 năm liên tiếp đạt năng suất trên 2 tấn/ha; thu nhập bình quân khoảng 11,5 triệu đồng/người/tháng (cả thưởng).
Ông Dương Thanh Súy, Tổ trưởng tổ 4, Nông trường Minh Hưng hướng dẫn công nhân tìm tạp chất trong mủ chén tận thu
Lợi thế hơn tổ 4, tổ 8 có diện tích 105 ha, gần nông trường, giao thông đi lại thuận tiện. Ông Nguyễn Văn Thuận, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 4 cho biết: Tổ đang khai thác 88,9 ha (còn lại mới tái canh) vườn cây nhóm I, giống RRIV4 trồng năm 2004. Để phát huy hiệu quả vườn cây, tổ chủ động chăm sóc, dọn dẹp vườn luôn thông thoáng, bón phân đúng quy định, phun thuốc hạn chế tình trạng cây rụng lá nhiều lần để đưa vào khai thác sớm, bảo đảm sản lượng. Đầu mỗi mùa khai thác, tổ đều tổ chức đào tạo lại tay nghề cho công nhân trước khi giao việc do cây nhóm I đòi hỏi người lao động tay nghề cao, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng dẫn đến hư hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây. Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, năm 2018, tổ khai thác được 285 tấn, đạt 107%, về trước kế hoạch 10 ngày, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha, duy trì năm thứ 8 đạt trên 2 tấn và năm thứ 3 đạt trên 3 tấn/ha; thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng, chưa tính thưởng.
Là công nhân dẫn đầu tổ 8 về sản lượng, năm 2018, chị Đỗ Thị Hợi khai thác được 9,3 tấn, đạt 113% kế hoạch, thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/tháng chưa tính thưởng, duy trì năm thứ 8 đạt trên 2 tấn/ha. Chị Hợi nói: Vào làm công nhân cạo mủ khi mới 17 tuổi và đã có 18 năm gắn bó với nghề, tôi luôn ý thức tích cực rèn luyện tay nghề, trau dồi kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ và đã nhiều lần đạt giải cao tại các hội thi “Bàn tay vàng” cấp nông trường và công ty, được các cấp, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Bản thân đã chứng kiến những bước thăng trầm của ngành cao su nên dù thế nào, tôi cũng luôn yêu và gắn bó với nghề, chỉ mong giá mủ sẽ cải thiện để đời sống công nhân cao su khởi sắc hơn.
XỨNG ĐÁNG LÀ CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN
Ông Phan Minh Đức, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc nông trường cho biết: Thành lập năm 1984, những ngày đầu nơi đây chỉ là núi rừng hoang vu, dân cư thưa thớt, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn trăm bề nên đời sống của công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, nông trường đã trồng và quản lý 1.116 ha, có trụ sở làm việc khang trang, 9 tổ sản xuất đều có nhà làm việc và lán trú mưa cho công nhân ở từng lô. Đặc biệt, các tuyến đường nhựa có tổng chiều dài 20km và hàng chục kilômét đường cấp phối nối liền từ nông trường đến các thôn, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của đơn vị và phát triển đời sống, kinh tế địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Công nhân Nông trường Minh Hưng trên đường chở mủ về đơn vị
“Nông trường bắt đầu khai thác mủ từ năm 1991, qua 27 năm khai thác, sản lượng đạt 37.556/35.198 tấn, vượt 6,7% kế hoạch. Nông trường cũng là đơn vị đầu tiên có năng suất vườn cây đạt trên 2 tấn/ha, luôn trong top đầu của công ty với 13 năm liên tục đạt năng suất trên 2 tấn/ha. Bình quân mủ tận thu đạt 15%, mủ nước loại I đạt 92%, kỹ thuật khai thác đạt loại giỏi, điểm trừ bình quân từ 1,2-2,12. Trong sản xuất, quản lý tổ chức gác mủ qua đêm để tận thu mủ tạp, nhờ đó tỷ lệ mủ tạp của đơn vị đạt bình quân 31,2%/tổng sản lượng, đạt cao nhất công ty” - ông Phan Minh Đức nói.
Trải qua 34 năm xây dựng và phát triển, song song với nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của CBCNV-NLĐ luôn được cấp ủy đảng, hội đoàn thể quan tâm. Các chế độ, chính sách của người lao động được công khai, minh bạch, dân chủ và bảo đảm, như tiền lương, tiền thưởng, bồi dưỡng độc hại, nghỉ dưỡng tại chỗ, bảo hiểm.... Nông trường còn chăm lo tốt đời sống cho 320 lao động với tiền lương bình quân tăng từ gần 5 triệu đồng/tháng năm 2005 lên hơn 9 triệu đồng năm 2018. Từ đó tạo động lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung và kinh tế hộ công nhân nói riêng.
Đến nay, 100% số tổ, cơ quan, đơn vị và 98% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Số tổ lao động sản xuất giỏi chiếm 55%, tổ lao động xuất sắc đạt 45%. Các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh đều đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Ngoài ra, toàn nông trường còn có 641 ha vườn rẫy kinh tế hộ với các loại cây trồng chủ lực, như điều, cao su, cà phê..., thu nhập bình quân 54 triệu đồng/hộ/năm. Đời sống CBCNV-NLĐ ngày càng phát triển ổn định; số hộ khá, giàu trên 90% và từ năm 1999 đến nay, nông trường không còn hộ ở nhà tranh tre vách nứa hay hộ nghèo.
Những gì nông trường đạt được hôm nay là cả một quá trình liên tục kế thừa, phấn đấu vượt qua bao khó khăn của nhiều thế hệ CBCNV-NLĐ. Ghi nhận những thành quả đó, nông trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cùng nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và UBND tỉnh. Đây chính là động lực để nông trường tiếp tục chung vai, sát cánh hoàn thành nhiệm vụ của năm 2019, góp phần cùng công ty nói riêng và ngành cao su nói chung tiếp tục phát triển bền vững.
Lâm Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065