Minh họa: S.h
Con người, nhất là nông dân, rất quan tâm đến nuôi lợn, khi đã chăn nuôi, ai cũng chăm sóc lợn chu đáo để thu lãi cao. Từ nuôi lợn, bà con có câu:
Chăn nuôi vừa khó, vừa không
Quanh năm gà, lợn xuất chuồng, thu cao.
Thực tế, nhiều gia đình nuôi lợn thu được lãi nhưng cũng có năm thất thu. Gia đình gặp cảnh này, tuy buồn nhưng vẫn hài hước để phấn đấu nuôi vụ khác thành công, như câu:
Ba bà đi bán lợn con
Bán đi chẳng được, lon ton chạy về
Ba bà đi bán lợn sề
Bán đi chẳng được, chạy về lon ton.
Xã hội nào cũng vậy, có người giàu, người nghèo. Thơ ca lấy hình tượng con lợn làm biểu tượng sự giàu có, sung túc, qua lễ hội, đình đám, thách cưới:
Anh là con trai nhà nghèo
Nàng mà thách thế, anh liều, anh lo
Cưới em, anh nghĩ cũng lo
Con lợn, chẳng có, con bò thì không
Tiền giao chẳng có một đồng
Thiên hạ hàng xứ cũng không đỡ đần
Sớm mai sang hiệu cầm khăn
Cầm được đồng bạc để dành cưới em!
Khi người ta muốn ám chỉ người giàu có mà không lương thiện, bị người đời khinh bỉ, dù có làm đám lớn, bày cỗ to, có thịt lợn chăng nữa vẫn bị người đời mỉa mai:
Cồng cộc bắt cá dưới bàu
Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo!
Trong xã hội, nhiều người nhà nghèo muốn con gái lấy được nhà giàu nên cứ ép duyên, gây ra sự không hay. Trong thơ ca, những sự tình này cũng có sự xuất hiện của con lợn:
Mẹ em tham thúng xôi dền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ lườm, mẹ nguýt, mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp, vợ cao
Như đôi đũa lệch, so sao cho bằng!
Thay vì nói rõ ý mình muốn gì, thì thơ ca người ta đã mượn hình ảnh con lợn để diễn tả điều thầm kín:
Trông mặt mà bắt hình dong
Con lợn có béo thì lòng mới ngon!
Cũng nhiều khi, người ta lấy hình ảnh con lợn so sánh sự bất công, thiên vị:
Mèo tha miếng thịt, ồn ào
Cọp tha con lợn, thì nào thấy chi?
Trước khi cưới nhau, người ta thường làm quen, tỏ tình, rồi tìm hiểu. Tỏ tình khéo cũng là một nghệ thuật. Nghệ thuật này, người ta cũng mượn hình tượng con lợn làm phương tiện hữu hiệu khi bày tỏ:
Cô kia đi chợ Hà Đông
Để anh kết ngãi vợ chồng cùng đi
Anh đi chưa biết mua gì
Hay mua con lợn phòng khi cheo làng!
Thơ ca còn là phương tiện để những chàng trai tự tình với người yêu thương một cách kín đáo, khéo léo và cũng không thể không có hình tượng con lợn trong giao duyên:
Tình cờ bắt gặp nàng đây
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
May xong, anh trả tiền công
Bao giờ lấy chồng, anh đỡ vốn cho
Anh giúp một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Anh giúp đôi chiếu... em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Anh giúp quan tám tiền cheo
Giúp em con lợn ăn bèo lớn nhanh.
Có trường hợp than thân trách phận khi không cưới được người yêu thương. Và hình tượng con lợn lại được nhắc đến:
Yêu nhau, không lấy được nhau
Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già
Bao giờ sum họp một nhà
Con lợn lại béo, cau già lại non!
Người phụ nữ Việt Nam có đức tính chịu thương, chịu khó, nhẫn nại, hy sinh cho gia đình, chồng con. Thơ ca đã nói đến điều này, với thi tứ có con lợn:
Bởi vì con heo, nên phải đèo khúc chuối
Bởi vì con muỗi, nên phải thả màn loan
Bởi vì chàng, nên thiếp phải chịu đòn oan
Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười...
Trong thơ ca bình dân, con heo được nhắc đến trong câu hò, bài hát, ở nơi này, nơi kia, dưới ánh trăng tươi đẹp, có bóng lũy tre làng xanh mát, có con đường nhỏ, khi việc vui diễn ra:
Em về thưa với mẹ cha
Bắt heo đi cưới, bắt gà đi theo
Đầu heo lớn hơn đầu mèo
Làng ăn không hết, làng treo đầu đình
Ông Xã đánh trống thình thình
Quan viên níu áo ra đình ăn cheo!
Dưới chế độ phong kiến, nhiều đàn ông năm thê, bảy thiếp, gây ra cảnh buồn phiền cho bao nhiêu bà vợ dẫn đến hờn ghen, buồn chán:
Một vợ, nằm giường lèo
Hai vợ, nằm chèo queo
Ba vợ, ra chuồng heo mà nằm!
Thời nào cũng vậy, các gia đình có việc vui đều làm cỗ bàn, có đông bà con, bạn bè tới dự. Nhiều gia đình nghèo, khi làm cỗ, khi dẫn cưới, không có con lợn, không có đầu heo, họ đã khuyên nhau vui vẻ, miễn là ta có tình thật, ý hợp, để tâm đầu trăm năm hạnh phúc lứa đôi:
Người ta giàu đầu heo, mâm thịt
Hoàn cảnh mình nghèo, thì cặp vịt, đôi bông
Hay là, đơn giản thế này, vẫn vui, vẫn hạnh phúc:
Người ta thách lợn, thách gà
Nhà em thách cưới, một nhà khoai lang!
Qua các dẫn nêu trên có thể thấy, hình tượng con lợn trong thơ ca biểu hiện rất phong phú, đa dạng ở mọi thời kỳ, trong đời sống xã hội ở nhiều phương diện, vùng miền trên đất nước Việt Nam.
Nguyễn Tiến Bình
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065