TAI NẠN TĂNG CAO
Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống được nâng cao, kéo theo nhu cầu hưởng thụ cũng tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu đó, các loại hình dịch vụ như: nhà hàng, quán nhậu... đua nhau mọc lên. Có thể thấy hiện nay, tình trạng uống rượu bia đã trở nên phổ biến như một phần tất yếu của cuộc sống. Bất cứ ai cũng có thể tham gia, từ cán bộ công chức nhà nước, những người nông dân chân lấm tay bùn đến học sinh, sinh viên...
CSGT kiểm tra nồng độ cồn |
Chỉ tính từ ngày 1-12-2009 đến ngày 31-10-2010, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 443 vụ va chạm giao thông, tăng 98 vụ, làm bị thương 509 người, tăng 92 người so với cùng kỳ năm 2009. Riêng tai nạn giao thông xảy ra 175 vụ, tăng 13 vụ, làm chết 188 người, tăng 16 người, bị thương 125 người, tăng 20 người so với năm 2009. Nguyên nhân chính là do say rượu bia, tránh vượt sai quy định, lấn trái đường và không chú ý quan sát dẫn đến tai nạn. Như vậy có thể thấy, say rượu bia nằm trong số các nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn và va chạm giao thông.
KHÓ CŨNG PHẢI XỬ LÝ NGHIÊM
Trong 11 tháng của năm 2010, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trong tỉnh đã phát hiện 87.732 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tăng trên 13.000 trường hợp so với cùng kỳ năm 2009. Và trong số trên 27.000 trường hợp bị phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như: lỗi tốc độ, chở quá tải và nồng độ cồn thì chỉ có 783 trường hợp uống rượu, bia quá quy định bị phát hiện, xử lý. Lý do nào khiến cho số trường hợp lỗi vi phạm nồng độ cồn bị phát hiện ít như vậy?
Thực tế, việc phát hiện các trường hợp sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông không hề dễ. Bởi lẽ, việc phát hiện người vi phạm chỉ xác định được thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như máy đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, khi cảnh sát giao thông (CSGT) nghi ngờ người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia, yêu cầu dừng lại cho kiểm tra nồng độ cồn thì gặp nhiều trở ngại.
Thiếu tá Lâm Văn Long, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: “Sẵn có hơi men, người điều khiển phương tiện giao thông thường thiếu bình tĩnh, thiếu văn hóa khi bị CSGT kiểm tra. Đa phần là thái độ chấp hành nửa chừng, họ viện lý do ngậm vào ống thổi mất vệ sinh để từ chối. Thực tế, mỗi trường hợp kiểm tra nồng độ cồn đều được thay ống mới, không dùng lần hai. Có khi họ chống đối, bất hợp tác, văng tục, chửi thề... Tuy nhiên không phải vì thế mà CSGT nương tay, chúng tôi chỉ đạo cho lực lượng tuần tra kiên quyết xử lý nghiêm”.
LUẬT PHẠT NẶNG NHƯNG...
Quy định tại Điều 8, Nghị định 34 của Chính phủ, đối với phương tiện xe ôtô vi phạm lỗi nồng độ cồn, có 3 mức phạt tiền. Mức phạt từ 600 đến 800 ngàn đồng với hành vi người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa tới 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa đến 0,25 miligam/1 lít khí thở. Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng nếu trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn trên 50 đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc từ trên 0,25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Mức phạt cao nhất từ 4 đến 6 triệu đồng nếu trong máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đối với xe môtô có hai mức phạt, thấp nhất là 400 ngàn và cao nhất là 1 triệu đồng. Qua tuần tra trên địa bàn thị xã Đồng Xoài, CSGT kiểm tra nhiều trường hợp điều khiển xe ôtô, môtô sau khi đã uống rượu, bia nồng độ cồn đều vượt quá quy định. Điều đó cho thấy, người tham gia giao thông vẫn còn xem thường pháp luật về an toàn giao thông, cho dù mức xử phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn không hề nhỏ.
Đối với CSGT, không chỉ trong Tháng an toàn giao thông mà tất cả thời điểm khác trong năm, họ vẫn duy trì công tác tuần tra, xử lý nghiêm tất cả các lỗi vi phạm chứ không riêng gì lỗi vi phạm nồng độ cồn. Thực tế, tai nạn giao thông vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp khi mà những nguyên nhân chính gây tai nạn chưa được giải quyết. Bởi lẽ, phần lớn những nguyên nhân này đều xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thiết nghĩ, mỗi người khi điều khiển xe lưu thông trên đường cần phải nêu cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Nhất là sau khi uống rượu, bia tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Có như vậy mới góp phần kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông bảo đảm an toàn cho chính mình và cộng đồng, nhất là trong dịp tết.
Đức Tuần - Trung Sinh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065