BP - Những năm gần đây, tình trạng tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam diễn ra khá phức tạp, gây lo ngại cho các lực lượng chức năng và ngư dân. Biển nước ta có 4 ngư trường truyền thống chính, đó là: Ngư trường Cà Mau - Kiên Giang (ngư trường vịnh Thái Lan); ngư trường Ninh Thuận - Bình Thuận - Bà Rịa - Vũng Tàu; ngư trường Hải Phòng - Quảng Ninh (ngư trường vịnh Bắc bộ) và ngư trường quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.
Tàu cá của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra khơi hoạt động trên ngư trường quần đảo Hoàng Sa - Ảnh tư liệu
Tại cuộc họp báo quý 2/2018 do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức ngày 3-7 vừa qua, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã thông tin về kết quả 20 năm xây dựng và phát triển. Theo đó, kể từ khi thành lập đến nay, các đơn vị của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã yêu cầu gần 7.500 tàu, 24 lượt giàn khoan, tàu khảo sát nước ngoài rời khỏi vùng biển Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết, những năm vừa qua, ngoài cảnh sát biển, kiểm ngư, lực lượng hải quân đã phát hiện nhiều tàu cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền biển đảo nước ta. Lực lượng hải quân đã kịp thời đấu tranh, ngăn cản không để những tàu này xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Mục tiêu của hải quân là khôn khéo, tránh xảy ra xung đột, giữ vững chủ quyền, vừa giữ môi trường hòa bình trên biển, nhằm tạo điều kiện để phát triển đất nước, vừa giữ vững tình đoàn kết giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Trong 10 năm qua (2008-2018), chỉ riêng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố Đà Nẵng cũng đã tổ chức xua đuổi hàng ngàn lượt tàu nước ngoài, bắt và xử lý 120 tàu cá với gần 1.600 ngư dân nước ngoài vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Trong đó, có sự vận động tham gia phối hợp của hàng trăm lượt tàu cá và ngư dân trong nước cùng trực tiếp đấu tranh chống hoạt động khai thác hải sản trái phép của tàu thuyền nước ngoài.
Theo Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2018 đến nay, tàu cá nước ngoài, mà nhiều nhất là của Trung Quốc, tiếp tục tăng cường sự hiện diện và khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ta. Thế nhưng, họ lại có nhiều hoạt động kiểm soát, ngăn cản trái phép tàu cá của Việt Nam hoạt động trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Chỉ trong quý 1/2018, tình hình tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam diễn biến phức tạp, trong đó chủ yếu là tàu Trung Quốc. Các tàu vi phạm hoạt động khắp từ vùng biển vịnh Bắc bộ xuống Trường Sa, các nhà giàn DK1 và cả biển phía Nam. Đáng lưu ý, tàu cá Trung Quốc ngăn cản, đập phá, tịch thu tài sản, đâm va tàu cá Việt Nam tại ngư trường thuộc quần đảo Hoàng Sa tiếp tục gia tăng. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 19 vụ, tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Hội nghề cá Việt Nam, việc số lượng tàu cá nước ngoài gia tăng vi phạm trên vùng biển nước ta đã ảnh hưởng rất lớn đến ngư trường truyền thống, tính an toàn của ngư dân Việt Nam. Trong khi tàu cá Việt Nam nếu vi phạm ở các nước khác sẽ bị bắt giữ, tịch thu, xử phạt, thậm chí bị bắn chìm tàu. Còn đối với tất cả tàu cá của ngư dân nước ngoài khi vi phạm vùng lãnh hải Việt Nam đều được xử lý theo pháp luật Việt Nam, với tinh thần nhân đạo. Cơ quan thi hành pháp luật của chúng ta tuyên truyền về Luật Biển cho họ hiểu, cảnh báo và xua đuổi họ ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam. Điều đó cho thấy, mặc dù tình hình trên biển có nhiều vấn đề phức tạp nhưng trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước và quân đội ta vẫn quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo với tinh thần mềm dẻo, hòa hiếu, kiên trì, kiên quyết để giữ môi trường hòa bình ổn định. Nhờ đó, vị thế quan hệ quốc tế của Việt Nam với các nước đang ngày càng phát triển rất tốt. Quan hệ đối ngoại quốc phòng liên quan đến hoạt động biển đảo cũng được tăng cường. Hải quân, cảnh sát biển Việt Nam đã có nhiều cuộc tuần tra, tập trận chung, giao lưu với các nước trong khu vực. Hiện các vị trí quân, dân trên các vùng biển đảo được củng cố, kinh tế và thế trận quốc phòng trên biển Đông cũng ngày càng vững chắc hơn. Điều đó khẳng định mặc dù khu vực phức tạp nhưng biển đảo của đất nước ta vẫn giữ được hòa bình ổn định.(*)
Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo nguồn canhsatbien.vn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065