Liêng Rót ở thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng
THÁC VOI CÓ TỪ ĐÂU?
Ông KGiang sinh năm 1941 ở xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. 20 tuổi, ông thoát ly gia đình để tham gia cách mạng, đột nhập các ấp chiến lược dọc sông Đồng Nai thuộc huyện Bù Đăng nên đổi tên thành Lê Thanh Giang. Những năm tháng hoạt động trong lòng địch, ông đã gần gũi, ăn ở với người S’tiêng thuộc xã Đồng Nai từ năm 1961 đến nay. Từng lối mòn, cây rừng, con suối cho đến mọi nếp sống, sinh hoạt của người S’tiêng ở xã Đồng Nai ông thuộc như lòng bàn tay. Vì thế cái tên Liêng Rót được ông cắt nghĩa theo tiếng của người S’tiêng một cách ngắn gọn: Liêng nghĩa là thác, rót nghĩa là tiếng vọng, tiếng ồn, âm thanh. Liêng Rót là âm thanh của thác nước. Lâu nay, du khách nhầm tưởng Liêng Rót là thác Voi.
Đồng bào S’tiêng vẫn ngày ngày tìm hái rau rừng bên ngọn Liêng Rót
Bao đời nay, thác Voi gắn với trảng cỏ Bù Lạch như một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng của thiên nhiên ban tặng không chỉ riêng cho huyện Bù Đăng mà cả tỉnh Bình Phước. Từng giọt nước trong rừng tích hợp, hội tụ rồi đổ từ trên ngọn đá cao xuống tạo thành dòng thác trắng xóa giữa đại ngàn thuộc thôn 5, xã Đồng Nai. Nó hình thành ngay bên thềm của trảng cỏ xanh thẳm mà thiên nhiên đã ưu ái dành tặng riêng đồng bào S’tiêng ở xã Đồng Nai. Do vậy, thác Voi đã trở thành cái tên quen thuộc mỗi khi nhắc đến miền du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch. Thế nhưng, đồng bào bản địa nơi đây lại không đón nhận cái tên thác Voi mà gọi thác nước ấy là Liêng Rót. Tại sao?
Già làng Điểu Ha Ral, sinh năm 1927 ở thôn 5 cho biết, thác Voi bắt nguồn từ khi có 2 con voi rừng rượt đuổi nhau. Một trong hai số đó rớt từ trên đỉnh thác xuống. Bà con trong sóc phát hiện tìm được xác con voi nhưng chỉ lấy được 7 ống lồ ô thịt. Điều đó cũng có nghĩa là thác rất cao nên một con voi rừng to lớn đến thế mà rớt từ trên đỉnh thác xuống chỉ còn 7 ống lồ ô thịt. Từ đó mới có tên thác Voi. Già làng Lê Thanh Giang, Điểu Sroi (người dân xã Đồng Nai chuyên hát dân ca S’tiêng) cho đến Trưởng thôn 5 Điểu Thân và người S’tiêng ở xã Đồng Nai ai cũng hiểu thác Voi theo ý nghĩa của câu chuyện này.
SAO KHÔNG LÀ LIÊNG RÓT?
Không chỉ người dân, ngay cả Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Nguyễn Thái Hà; bà Thị Diệu Hiền, Nguyễn Thị Lan, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Nai cũng gọi thác Voi là Liêng Rót. Theo lãnh đạo UBND xã Đồng Nai, đây là ngôn ngữ, tên gọi của đồng bào bản xứ nên phải tôn trọng. Còn Trưởng thôn 5 Điểu Thân cho rằng, Liêng Rót là tên tuổi rõ ràng của một thác nước. Lâu nay chúng ta cứ gọi Liêng Rót thành thác Voi là không đúng. Không đúng theo suy nghĩ, ý nghĩa mà người S’tiêng đã đặt tên cho ngọn thác này. Văn hóa tín ngưỡng của người S’tiêng là vạn vật hữu linh nên mọi cây cỏ, chim muông trong trời đất đều có tên gọi riêng. Chữ Liêng theo nghĩa đồng bào S’tiêng là thác. Còn chữ Rót không chỉ là âm thanh, tiếng vọng mà còn là tên của thần linh cai quản ngọn thác này. Do vậy, chữ Rót còn có nghĩa là thần linh. Thần linh trông coi thác, giúp dân làng trồng cây lúa cho có hạt, có dòng nước để uống, tắm mát; giúp dân biết chọn nơi ở để không bị đau bệnh; biết vào rừng để săn bắn muông thú... Do vậy, Liêng Rót không chỉ là thác nước bình thường mà còn mang theo những kỳ vọng, những ủy thác của đồng bào S’tiêng vào ngọn thác này. Ngọn thác đã gắn liền với thôn sóc của người S’tiêng từ xa xưa đến nay. Liêng Rót đã trở thành văn hóa, thành mạch nguồn tâm linh nuôi dưỡng tinh thần của người S’tiêng ở xã Đồng Nai bao đời nay. Qua các nhạc cụ đàn bầu, kèn lá, dil dút của người S’tiêng rất dễ bắt gặp những khúc dân ca mang đậm tính giáo dục nhưng cũng hết sức trữ tình, sâu lắng nói về dòng thác này.
VÀ NHỮNG DỊ BẢN VỀ LIÊNG RÓT
Có một truyền thuyết khá lãng mạn gắn liền với ngọn thác này. Chuyện kể rằng: Ngày xưa, có một cô gái không đến được với người mình yêu nên nhảy xuống thác tự vẫn. Sau khi chết, âm thanh của dòng thác bỗng vang vọng khắp buôn làng. Đặc biệt vào ban đêm, âm thanh ấy rất thảm thiết khiến già làng không tài nào ngủ được. Sau đó, già làng thấy một con cá sấu vào trong nia (vật dụng để phơi lúa) ăn lúa, báo hiệu điềm không lành. Sau đó một tuần, dân làng cả sóc từ lớn đến bé, từ già đến trẻ đều bị dịch bệnh chết gần hết. Thấy tình cảnh trong làng không hay, già làng mới dời sóc từ Liêng Rót về trảng cỏ Bù Lạch ngày nay.
Vẻ đẹp của Liêng Rót
Ngoài ra, Liêng Rót cũng còn một dị bản khác. Đó là cô gái S’tiêng trong sóc không chồng nhưng lại có con. Giấu tình yêu không thành nên sau khi đẻ, cô gái ném con xuống thác. Thần linh bắt tội nên cả sóc bị dịch bệnh chết gần hết. Để cứu bà con, già làng chuyển sóc từ Liêng Rót về trảng cỏ Bù Lạch sinh sống.
Trảng cỏ Bù Lạch đã và đang quy hoạch thành phim trường và khu du lịch sinh thái. Nhiều hạng mục của dự án vẫn dùng từ thác Voi khiến du khách không hiểu hết giá trị văn hóa tâm linh của người S’tiêng dành cho Liêng Rót. Do vậy, việc chỉnh sửa tên gọi thác Voi trở về với tên thật Liêng Rót rất cần thiết. Bởi lẽ, du lịch sinh thái phải gắn với đời sống văn hóa, tâm linh của người bản địa mới phát huy hết giá trị vốn có của nó.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065