Ngày nay, trong xu thế hội nhập, giao lưu và phát triển kinh tế thì câu chuyện “vá chài” khi thấy người ăn cá đang có chiều hướng gia tăng. Thị xã Đồng Xoài là đô thị trung tâm của tỉnh nên tình trạng “vá chài” diễn ra rất rõ nét. Vài năm trước, ở Đồng Xoài xuất hiện nhiều cửa hàng kinh doanh hải sản. Họ nhập hải sản từ Vũng Tàu, Phan Thiết... về bán lại cho người tiêu dùng vào cuối chiều hằng ngày. Thấy những hộ này kinh doanh được, không ít người dốc vốn, hùn hạp, mua sắm phương tiện vận chuyển để làm theo. Thế nhưng, do kinh doanh không phù hợp, thiếu bạn hàng nên việc làm ăn của một số hộ bị thua lỗ dẫn đến sập tiệm. Trường hợp khác là mở quán nhậu, cà phê, ăn sáng... cũng cung vượt cầu và dẫn đến phá sản. Lại có một số gia đình cho thuê mặt bằng kinh doanh, khi thấy người thuê làm ăn được, tạo dựng uy tín với khách hàng thì họ tự ý hủy hợp đồng lấy lại mặt bằng để kinh doanh. Những trường hợp này chủ yếu là kinh doanh thức ăn sáng, tạp hóa, quán nhậu... Cách đây 10 năm, một gia đình người Huế mở quán ăn sáng và nổi tiếng ở Đồng Xoài. Quán này bán cháo bột gạo, một đặc sản của người Huế thu hút rất đông khách. Thấy gia đình này làm ăn được, nhiều hộ khác cũng bắt chước, mở quán cháo Huế. Kết quả, trong một đoạn ngắn đường Lê Quý Đôn, phường Tân Xuân có tới 10 quán cháo Huế...
Giá mủ giảm, nhiều nhà nông ở Bình Phước đã cưa hạ vườn cao su đang kỳ thu hoạch - Ảnh: B.L
Đó là về lĩnh vực kinh doanh thương mại, còn trong sản xuất nông nghiệp thì chuyện “ăn cá” và “vá chài” được thể hiện rõ nhất là điệp khúc trồng - chặt - trồng khiến hàng ngàn hộ dân trắng tay. Anh L.V.T ở xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài có 6 ha điều 5 năm. Năm 2011, thấy giá mủ cao su cao, nhiều hộ trồng cao su làm giàu nhanh chóng nên anh L.V.T cưa bỏ toàn bộ điều để trồng cao su. Sau 5 năm dốc vốn chăm sóc, đến thời kỳ thu hoạch thì giá mủ rớt thê thảm. Hiện anh L.V.T phải bỏ mặc vườn cây vì thu không đủ chi. Trường hợp các nhà vườn ở Bình Phước chạy đua trồng xoài, sầu riêng, bưởi, nhãn... trái vụ đã làm lượng hàng sản xuất ra cao gấp nhiều lần nhu cầu tiêu thụ. Hệ lụy là các mặt hàng nói trên không tiêu thụ được, giá giảm liên tục, người sản xuất lao đao. Mới đây là chuyện mở rộng diện tích vườn tiêu do giá tiêu tăng cao. Hệ lụy là mùa khô năm 2016, các huyện có diện tích cây tiêu lớn bị thiếu nước tưới nghiêm trọng. Ngoài ra, việc mở rộng diện tích hồ tiêu ồ ạt, không theo quy hoạch kéo theo nguy cơ mất rừng, luôn ảnh hưởng môi trường sinh thái, phá vỡ sự cân bằng về giá và năng lực sản xuất các loại nông sản chủ lực.
Được biết, từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn đã khảo sát và lập quy hoạch các loại cây trồng cho từng vùng đất trên địa bàn tỉnh. Ví như Bù Đăng thì phù hợp với cây cà phê, điều; Chơn Thành phù hợp với cây ăn trái... Thế nhưng, do chạy theo lợi nhuận, thời giá nên người dân đã phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng. Hệ lụy là không ít hộ dân rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, một số khác bị phá sản, nợ nần. Bài học về câu chuyện “Người ăn cá, kẻ vá chài” không bao giờ mất đi giá trị, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
T. Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065