Theo đó, phổ điểm trung bình của các môn là từ 4,5 - 6 điểm (năm 2015 là từ 5 - 7 điểm). Riêng môn Ngoại ngữ chỉ đạt trung bình 3,3 điểm. Song song đó, số lượng thí sinh cả nước đăng ký dự thi giảm 118.000 thí sinh so với năm 2015 đã khiến cho nguồn tuyển đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2016 thật sự khó khăn so với nhu cầu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo trên cả nước.
Cầu vượt cung
Thực tế cho thấy, năm 2015 thi THPT quốc gia có hơn 1,004 triệu thí sinh dự thi, nhưng năm 2016 tổng thí sinh dự thi chỉ còn 887.400 thí sinh, giảm hơn 118.000 thí sinh (khoảng 12%). Trong đó, số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 286.129 thí sinh (chiếm 32%), thí sinh thi xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH-CĐ là 519.497 (chiếm 59%). Thí sinh tự do thi lấy kết quả xét ĐH-CĐ là 81.770 (chiếm 9%). Như vậy, tổng số thí sinh đăng ký xét ĐH-CĐ năm 2016 là 601.267 thí sinh (68%). Mặt khác, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2016 từ các trường gửi về Bộ GD-ĐT lại lên đến 647.000, trong khi tổng số thí sinh cả nước dự thi THPT quốc gia 2016 để xét tốt nghiệp và xét ĐH-CĐ chỉ có 601.267 thí sinh.
Do đó, nếu trừ đi khoảng 5% số thí sinh bỏ thi, thí sinh rớt tốt nghiệp cùng 19.000 thí sinh bị điểm liệt (năm 2016) thì số thí sinh còn lại đủ điều kiện tham gia xét tuyển ĐH-CĐ sẽ giảm rất nhiều.
Như vậy, nhu cầu thực tuyển của năm 2016 sẽ lớn hơn nguồn cung. Nhận định về điều này, một chuyên gia tuyển sinh của một trường ĐH tốp giữa cho biết: “Các trường tốp trên như nhóm trường y dược, kinh tế - ngân hàng và các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia sẽ không lo vì số thí sinh điểm cao sẽ dồn về đây. Tuy nhiên, nhóm trường tốp giữa, trường đa ngành có điểm chuẩn từ điểm sàn trở lên sẽ cạnh tranh rất gay gắt”. Cũng theo vị chuyên gia này phân tích: Nếu tính luôn cả thí sinh không đạt điểm sàn cùng với việc giảm 118.000 thí sinh đăng ký dự thi thì đã mất gần tới khoảng 150.000 chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường.
Cạnh tranh gay gắt
Từ bức tranh điểm thi THPT quốc gia 2016, nhiều trường ĐH, CĐ đang thật sự lo lắng cho việc xét tuyển sắp tới. Với phổ điểm tập trung ở mức 4,5 - 6 điểm thì rõ ràng nhóm trường tốp giữa sẽ cạnh tranh rất khốc liệt trong việc thu hút thí sinh. Đặc biệt, nếu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) năm nay bằng với năm 2015 (15 điểm) thì những trường xét tuyển các tổ hợp có môn tiếng Anh chắc chắn không đủ nguồn tuyển, vì điểm trung bình của môn tiếng Anh năm nay chỉ đạt 3,3 điểm.
Năm 2015 với kết quả điểm thi THTP quốc gia rất cao, điểm sàn 15 điểm, nguồn tuyển ở các tổ hợp dôi dư rất nhiều thì có 198 trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả THPT, chỉ duy nhất ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức thi riêng. Trong số 80 trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng, sau hai đợt xét tuyển, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển thông qua xét học bạ THPT đạt 54% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển này nhẹ nhàng, được các trường tốp dưới lựa chọn. Tuy nhiên, không có trường nào ở tốp trên và tốp giữa chọn phương thức này.
Mặt khác, thống kê kết quả tuyển sinh năm 2015 cho thấy khoảng 40 trường ĐH có tính cạnh tranh rất cao (điểm trúng tuyển trung bình từ 22,5 điểm trở lên, tổng số thí sinh trúng tuyển vào những trường này là 60.000 thí sinh). Nếu mở rộng hơn, những trường có sức thu hút thí sinh mạnh thì có khoảng 60 trường trong cả nước có điểm trung bình trúng tuyển từ 21 điểm trở lên (3 môn, trung bình mỗi môn từ 7 điểm trở lên) với số lượng trúng tuyển thực tế khoảng 100.000 thí sinh. Trong khi đó, những trường còn lại (trường tốp giữa, trường đại học địa phương) có rất nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, kể cả những trường có đề án tuyển sinh riêng (100% trường ĐH, CĐ ngoài công lập) bằng xét tuyển điểm học bạ THPT.
Như vậy nhu cầu thực tuyển năm nay sẽ lớn hơn nguồn cung vốn có và sẽ không dễ đối với những trường ĐH, CĐ chỉ dùng kết quả thí sinh dự thi ở các cụm thi ĐH. Điều này sẽ dẫn đến điểm sàn năm 2016 khó có thể giữ ở mức 15 điểm (tổng điểm 3 môn thi) như năm 2015.
Đại diện nhiều trường tốp giữa lo lắng: Chỉ tính riêng nguồn tuyển thì các trường tốp giữa trên cả nước sẽ rất khó khăn để tuyển đủ chỉ tiêu. Ngoài ra, với quy định xét tuyển ở đợt xét tuyển đầu tiên: mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển 2 trường, mỗi trường 2 ngành thì con số ảo là 50%. Nếu trường nào không có sức hút với thí sinh thì dù điểm trúng tuyển có bằng điểm sàn năm 2016 cũng không thoát khỏi nguy cơ tuyển không đủ chỉ tiêu.
Trong khi đó, với những trường ĐH tỉnh hay trường ĐH ngoài công lập cũng dự báo sẽ cực kỳ khó tuyển, vì nếu những trường tốp giữa điểm trúng tuyển bằng điểm sàn thì sẽ hút hết thí sinh. Đối với các trường CĐ dù được Bộ GD-ĐT cho “chiếc phao” tuyển sinh, điểm sàn là tốt nghiệp THPT, thì kết quả tuyển sinh cũng khó khởi sắc hơn năm 2015.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065