ĐIỂM SÁNG PA PẾCH
Pa Pếch cách trung tâm xã gần 20km, trước đây vào ấp chủ yếu là đường đất đỏ. Mấy năm trước khi chúng tôi đặt vấn đề vào ấp thì ông Mai Hà Thanh, Phó bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: “Muốn vào ấp phải chọn ngày nắng. Vì trời mưa đường lầy không thể đi được”. Hôm nay, khi chúng tôi có mặt tại Pa Pếch thì con đường đã được làm mới cấp phối, sỏi đỏ không lầy lội như trước nữa. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng ấp Pa Pếch cho biết, tuyến đường liên ấp có được nhờ nỗ lực rất lớn của chính quyền và sự đóng góp của người dân. Từ năm 2016 đến nay, người dân trong ấp đã đóng góp hàng trăm triệu đồng cùng hàng ngàn ngày công nâng cấp hơn 24km đường liên ấp, liên tổ bằng sỏi đỏ. “Ấp Pa Pếch gồm 276 hộ nhưng có đến 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số và 11 hộ nghèo. Cuộc sống người dân còn khó khăn, địa bàn rộng gây nhiều trở ngại trong vận động đóng góp kinh phí làm đường. Trước thực trạng đó, Ban điều hành ấp đã vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu; vận động những hộ dân có đất rẫy đóng 1 triệu đồng/ha. Hộ nghèo, không có vườn rẫy thì góp công lao động. Cách làm này đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân” - ông Nguyễn Văn Đức nói về việc làm đường của người dân Pa Pếch.
Lãnh đạo xã Tân Hưng phối hợp Liên đoàn Lao động huyện Đồng Phú trao tặng “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn
Con đường liên ấp giữa Cây Cày - Suối Nhung vào mùa mưa bị cô lập bởi nước lũ tràn qua đập Suối Nhung. Có thời điểm, nước ngập sâu cả cây sào. Năm 2017, UBND xã Tân Hưng vận động Huyện đoàn Đồng Phú hỗ trợ 50 triệu đồng cùng người dân đóng góp tiền, công lao động để nâng cấp đập tràn Suối Nhung. Công trình có kết cấu bê tông, cốt thép với chiều dài 15m, 2 cống chịu lực dài 4m, rộng 1,5m, làm hết 250 bao xi măng, 25 khối cát, 30 khối đá, 80 cây sắt phi 12 với tổng kinh phí 120 triệu đồng. Anh Trịnh Văn Hòa, trú ấp Cây Cày cho biết: “Đập tràn Suối Nhung là tuyến lưu thông của 50 hộ dân, với 250 người, trong đó có 20 học sinh. Đây còn là tuyến chính của hàng trăm người đi khai thác mủ cao su, chăm sóc vườn, rẫy. Khi đập tràn được nâng cấp thì ngày mưa người dân vẫn đi lại thuận lợi, trẻ em đến trường thường xuyên và không còn nguy hiểm như trước”.
Ông Vũ Văn Toán, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: “Phong trào làm đường giao thông lúc đầu chỉ diễn ra ở ấp Pa Pếch. Từ kinh nghiệm của Pa Pếch, UBND xã đã họp dân các ấp còn lại để học hỏi và nhờ đó, phong trào đã lan tỏa sang các ấp còn lại như ấp 5, Suối Nhung, Cây Cày. Trong năm 2017, nhân dân các ấp đã tự nguyện hiến đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công để mở rộng, tu sửa, cứng hóa hàng chục kilômét đường liên thôn. Phong trào đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, là tiền đề vững chắc để xã cán đích nông thôn mới đúng hẹn”.
NGƯỜI DÂN HƯỞNG lợi
Đặc thù ở Tân Hưng là đất rộng, người thưa, giao thông chủ yếu là đường đất đỏ, lắm dốc. Vào mùa mưa, lượng nước từ trên cao đổ xuống lớn nên nhiều công trình làm trước hỏng sau. Vì vậy, UBND xã đề ra chủ trương khắc phục theo hướng những đoạn dốc sẽ vận động doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn ủng hộ vật liệu. Ban điều hành ấp vận động người dân đóng góp thêm kinh phí để thâm nhập nhựa. Chủ trương của xã là nâng cao chất lượng công trình, không chạy theo thành tích; những công trình chưa đạt tiêu chuẩn về mặt bằng hay gặp thời tiết bất lợi sẽ tạm hoãn thi công.
Bên cạnh làm đường, công tác chăm lo đời sống người dân được chú trọng quan tâm, những hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Từ đầu năm 2017 đến nay có 34 hộ được hỗ trợ xây nhà tình thương; hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà cho 64 hộ định canh, định cư tại khu 33 với số tiền 640 triệu đồng; hỗ trợ 9 hộ khó khăn 140 triệu đồng để phát triển chăn nuôi; mở 1 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm bào ngư cho 28 học viên. Xã còn phối hợp các cấp, ngành chuyên môn tổ chức 12 lớp về chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi cho 701 lượt người. Hằng năm, hàng ngàn lượt người được hỗ trợ kịp thời các chế độ, chính sách theo đúng quy định của Nhà nước...
Phấn đấu VỀ ĐÍCH ĐÚNG HẸN
Hiện Tân Hưng đã hoàn thành 13/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, xã phấn đấu hoàn thành thêm 3 tiêu chí: nhà ở dân cư, thu nhập đầu người và hộ nghèo. Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Toán cho biết, qua rà soát, xã còn 17 hộ khó khăn về nhà ở. Trong 6 tháng đầu năm, xã đã vận động triển khai xây dựng được 12 căn, còn 5 căn dự kiến đến cuối năm sẽ vận động mọi nguồn lực để hỗ trợ các hộ. Về tiêu chí thu nhập, dự kiến cuối năm 2018 thu nhập bình quân ở Tân Hưng đạt khoảng 49 triệu đồng/người. Về tiêu chí hộ nghèo, 6 tháng đầu năm đã có 2/45 hộ thoát nghèo, chiếm 3,2%, dự kiến đến cuối năm xã sẽ giảm thêm 23 hộ nghèo.
Theo tính toán của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã, hiện Tân Hưng cần khoảng 46 tỷ đồng để hoàn thành 3 tiêu chí về giao thông, trường học và điện. Trong đó, giao thông cần khoảng 14 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa, cứng hóa 29 tuyến đường với chiều dài 64,6km; cần 17 tỷ đồng đầu tư 6 tuyến đường điện cho 408 hộ dân chưa được hưởng điện lưới quốc gia, trong đó 23,5km trung thế, 26,2km hạ thế, 25 trạm biến áp. Trên địa bàn xã có 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học & THCS nên chỉ cần khoảng 15 tỷ đồng để xây dựng thêm các hạng mục trong tiêu chí trường học. “Hy vọng, với cách làm hay, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và các cấp chính quyền, Tân Hưng sẽ về đích đúng hẹn trong năm 2019” - Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Toán nói.
X.Túc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065