KHI LÒNG DÂN ĐỒNG THUẬN
Bắt tay xây dựng NTM năm 2011, An Khương có 400 hộ nghèo, thu nhập chưa đến 8 triệu đồng/người/năm, trong khi thu nhập bình quân của huyện Hớn Quản 14 triệu đồng/người/năm. Kinh tế của người dân trong xã thời điểm đó chỉ phụ thuộc vào cây lúa với năng suất 2 tấn/ha. Trước tình hình này, xã xác định công tác tuyên truyền là mấu chốt, đồng thời nhân rộng nhiều cách làm hay để nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập, phát huy nội lực, cùng Nhà nước đóng góp xây dựng NTM.
Niềm vui của nhân dân tổ 3, ấp 8, xã An Khương trên con đường mới hoàn thành
Tháng 6-2016, nhân dân tổ 3, ấp 8 đổ bê tông đường theo cơ chế đặc thù “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đường dài 800m, trong đó tỉnh hỗ trợ xi măng, đá, huyện hỗ trợ 20% kinh phí, còn lại gần 100 triệu đồng do người dân trong tổ đóng góp (8-10 triệu đồng/hộ). Niềm tự hào của nhân dân tổ 3 là tự thi công con đường, chỉ thuê kỹ sư giám sát công trình.
Thấy đường tổ 3, ấp 8 hoàn thành giúp người dân lưu thông thuận tiện, nhân dân ấp 1 họp dân và thống nhất thuê xe múc, xe ben san lấp đường chuẩn bị đổ bê tông. Ấp 1 có 3 tổ, nhân dân đồng thuận đổ bê tông con đường tổ 1 đầu tiên. Với 40 hộ, Ban điều hành ấp đã vận động được 78 triệu đồng. Ông Hà Văn Thiền, Trưởng ấp 1 cho biết: Trước mắt, chúng tôi vận động người dân đóng tiền thuê xe san lấp mặt bằng. Cùng sự hỗ trợ xi măng và đá của Nhà nước, chúng tôi thi công đoạn đường ở tổ 1 trước. Chỉ cần làm cho dân thấy được hiệu quả, lợi ích thì chuyện gì cũng được dân ủng hộ. Tới đây, chúng tôi tiếp tục vận động người dân làm các con đường ở tổ 2 và 3.
PHẤN ĐẤU ĐẠT VÀ GIỮ VỮNG CÁC TIÊU CHÍ “ĐỘNG”
Xã An Khương đang tiếp tục xây dựng NTM giai đoạn 2015-2018. Ngoài khó khăn ở các tiêu chí cần vốn lớn như giao thông, điện, trường học thì An Khương luôn phải “chạy” theo các tiêu chí “động” như thu nhập, nhà ở dân cư, hộ nghèo, văn hóa và quyết tâm giữ vững những tiêu chí đã đạt được.
Ông Dương Công Hằng, Chủ tịch UBND xã An Khương cho biết: Trong 8 tiêu chí chưa hoàn thành, chúng tôi lo nhất tiêu chí văn hóa. Tuy tiêu chí này không cần nhiều vốn nhưng đòi hỏi nội lực mạnh. Toàn xã hiện chỉ có 3/8 ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa. Năm 2016, chúng tôi phấn đấu đạt 5/8 ấp. Ngoài ra, các tiêu chí cơ sở vật chất, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Làm sao để đạt và ổn định các tiêu chí này đang là bài toán khó của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong xã. Các tiêu chí còn lại, ngoài vận động nhân dân rất cần sự hỗ trợ vốn từ Nhà nước để An Khương về đích NTM đúng thời hạn.
Giai đoạn 2011-2015, xã An Khương luôn nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Cụ thể, từ hỗ trợ của Chương trình 167 cùng sự đóng góp của gia đình, xã hội, An Khương đã xóa được 100/150 nhà tạm. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Xây dựng về nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn NTM (không còn nhà tạm, dột nát và 80% nhà đạt diện tích nhà ở bình quân 14m2/người, kết cấu nhà phải bảo đảm “3 cứng”, gồm cứng mái, cứng khung, cứng nền và có niên hạn sử dụng 20 năm trở lên... thì toàn bộ 100 căn nhà xây dựng theo Chương trình 167 không đạt chuẩn. Vì vậy, xã tiếp tục huy động các tổ chức hội, đoàn thể, nhà hảo tâm, nông trang đóng góp để hỗ trợ nhà ở cho người dân. Đến đầu năm 2016, xã chỉ còn 29 nhà tạm, nhà dột nát.
Theo phương pháp tiếp cận đa chiều, An Khương tăng từ 57 lên 296 hộ nghèo. Để giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, ngay cuối năm 2013, từ nguồn vốn Chương trình 135, xã đã xây dựng mô hình chăn nuôi dê, bò, mua cây - con giống hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống. Đồng thời, kết hợp các tổ ủy thác cho vay tiền hỗ trợ sản xuất, vệ sinh môi trường để phát triển. Nhờ các chương trình này, thu nhập bình quân của người dân trong xã đã đạt 27 triệu đồng/năm. “Chúng tôi luôn tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các nguồn vốn, đổi mới tư duy vươn lên phát triển kinh tế. Với các tiêu chí nghiêng về vốn, tỉnh và huyện luôn quan tâm, hỗ trợ để An Khương về đích NTM vào năm 2018” - ông Dương Công Hằng nhấn mạnh.
Theo đề án, kinh phí đầu tư để đạt chuẩn NTM của xã An Khương là 219 tỷ đồng. Tuy nhiên, xã mới được phân bổ 40 tỷ đồng. Trong khi đó, An Khương có 95% người dân làm nông nghiệp, 60% đồng bào dân tộc thiểu số, 17,85% hộ nghèo nên người dân chỉ có thể đóng góp bằng cách hiến đất và tài sản trên đất. Do đó, xã mong được phân bổ vốn ổn định để chủ động lựa chọn đầu tư các tiêu chí phù hợp.
Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065