Nghị quyết đưa ra mục tiêu xây dựng ngành điều Bình Phước phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển ngành điều Bình Phước có thương hiệu, uy tín.
Đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 1 tỷ USD/năm
Trong giai đoạn 2020-2025, về canh tác, mục tiêu cụ thể: Quy hoạch vùng trồng điều ổn định, phù hợp thổ nhưỡng làm căn cứ để xây dựng chính sách hỗ trợ vốn. Trong đó, ổn định diện tích điều hiện có; sử dụng các giống điều đã được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và địa phương công nhận trong trồng mới, tái canh vườn điều; từng bước cải tạo, tái canh bằng giống mới năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên. Triển khai nghiên cứu giống mới của tỉnh với mục tiêu đạt từ 4,5 tấn trở lên để từng bước đưa vào canh tác.
Công nhân Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại dịch vụ Thành Phát, phường Thác Mơ, thị xã Phước Long phân loại hạt điều - Ảnh: Ngân Hà
Có ít nhất 50% diện tích điều được sản xuất theo quy trình được chứng nhận; diện tích trồng xen, nuôi ghép dưới tán điều đạt ít nhất 10.000 ha theo hướng đa canh. Mỗi huyện có vùng chuyên canh điều phải xây dựng ít nhất 1 mô hình liên kết chuỗi giá trị. Tổng sản lượng điều đến năm 2025 đạt trên 316.000 tấn.
Về chế biến, nghị quyết đưa ra mục tiêu ổn định công suất thiết kế hiện nay 500.000 tấn/năm; hoàn thành việc xây dựng thương hiệu sản phẩm điều Bình Phước. Chế biến sâu nhân điều đạt 10.000 tấn/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 800 triệu USD.
Đến năm 2030, về canh tác: Ổn định vùng chuyên canh điều khoảng 180 ngàn ha; tiếp tục cải tạo, tái canh bằng giống mới năng suất đạt từ 2,5-4,5 tấn/ha trở lên. Phấn đấu 100% diện tích điều được sản xuất theo quy trình được chứng nhận; diện tích trồng xen, nuôi ghép dưới tán điều đạt ít nhất 50% theo hướng đa canh; có 100% cơ sở chế biến và hộ trồng điều tham gia mô hình liên kết chuỗi giá trị theo chuẩn quốc tế; tổng sản lượng điều đến năm 2030 đạt khoảng 500.000 tấn. Nâng cao tỷ lệ cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại, đảm bảo nghiêm ngặt an toàn vệ sinh thực phẩm; chế biến sâu nhân điều đạt khoảng 1/3 sản lượng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt bình quân 1 tỷ USD/năm.
Nghiên cứu giống điều mới đạt từ 2,5-4,5 tấn/ha
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Nghị quyết số 11 đưa ra các giải pháp cụ thể. Theo đó, về canh tác: Lập bản đồ vùng chuyên canh điều của tỉnh, giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian thực hiện xong trong năm 2020. Cấp sổ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng giao khoán (đối với diện tích đất thuộc lâm phần) cho các hộ trồng điều, thời gian thực hiện xong trong quý 1/2021.
Đối với giống điều, trước mắt tiếp tục bình tuyển các cây đầu dòng để cung ứng giống tại địa phương; chỉ đạo cơ quan chức năng hoặc hợp đồng với các tổ chức khoa học nghiên cứu giống điều mới với mục tiêu đạt từ 2,5-4,5 tấn/ha.
Về tổ chức sản xuất: Thúc đẩy hình thành các hình thức hợp tác kinh tế hoặc hợp tác xã, các câu lạc bộ... phù hợp, nhằm hỗ trợ, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường, giá cả; tiếp cận các chính sách của Nhà nước và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người trồng điều.
Hỗ trợ các doanh nghiệp điều xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành mạng lưới thu mua ổn định, trực tiếp đến tổ chức của nông dân, chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán, mua bán qua nhiều khâu trung gian ảnh hưởng đến chất lượng, giá cả.
Bình Phước hiện có trên 176 ngàn ha điều; 1.416 cơ sở chế biến hạt điều; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50.000 lao động; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 700 triệu USD/năm (chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đóng góp gần 25% trong tổng GDP của ngành nông nghiệp). |
Trong chế biến và xuất, nhập khẩu điều, nghị quyết nêu rõ: Sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến điều theo hướng quy mô lớn, thiết bị và công nghệ hiện đại, sản phẩm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tổ chức thực hiện tốt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, kiểm tra đánh giá về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến. Xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình quảng bá giới thiệu sản phẩm; xây dựng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP, đồng thời đăng ký xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa và kích thích phát triển chế biến các sản phẩm từ hạt, trái, vỏ hạt, thân cây điều. Đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường; quan tâm đến việc tạo dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm điều có tiềm năng phát triển.
Đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường; cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia khác (ngoài những thị trường truyền thống như: Mỹ, Trung Quốc, ASEAN, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,...) về thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm, chính sách bảo hộ, rào cản thương mại,...
2 năm/lần tổ chức tôn vinh người trồng, chế biến và xuất khẩu điều
Nghị quyết số 11 đưa ra các giải pháp về chính sách để phát triển ngành điều Bình Phước mang tính bền vững. Theo đó, xây dựng các chính sách phát triển ngành điều, giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, thời gian thực hiện xong trong tháng 7-2021 gồm:
Chính sách hỗ trợ tín dụng đối với người trồng điều (hỗ trợ tái canh vườn điều già cỗi, năng suất thấp bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, lồng ghép các chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới...); xây dựng dự án ODA để vay vốn Ngân hàng Thế giới hỗ trợ nông dân trồng điều và các doanh nghiệp điều phát triển; các chính sách hỗ trợ khác từ ngân sách nhà nước thông qua tổ chức hợp tác xã.
Chính sách liên kết và tiêu thụ sản phẩm điều, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều có đầu tư cho vùng nguyên liệu theo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Có chính sách cụ thể để thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu hạt điều, các doanh nghiệp chế biến sâu và rà soát, sắp xếp các cơ sở chế biến nhỏ lẻ bằng các giải pháp phù hợp theo quy định của Nhà nước.
Tổ chức tôn vinh người trồng điều, chế biến và xuất khẩu điều 2 năm 1 lần và tham gia hội nghị quốc tế chuyên đề điều.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065