Bài 2: PHẢI BẮT ĐẦU TỪ VÙNG NGUYÊN LIỆU
>> Bài 1: Giữ Vững Diện Tích Điều Trong Vùng Đồng Bào Dân Tộc Thiểu Số
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về diện tích trồng điều. Mặc dù đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân từ năm 2006, nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập gần 60% sản lượng điều thô từ châu Phi, Campuchia, Indonesia... Phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài, Việt Nam không thể xây dựng thương hiệu hạt điều để phát triển bền vững, mà chỉ làm gia công và luôn bị ép giá.
Nắng mưa là việc của trời...
Trung tuần tháng 3, chúng tôi đến thăm trang trại của “vua trồng điều” - cựu chiến binh Võ Hùng Chiến ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) khi vợ chồng ông đang phân công phụ trách khu vực cân điều do công nhân lượm buổi sáng. Dọc đường ĐT741 từ Thác Mơ đến Phú Nghĩa, Đắk Ơ và cả xã Bù Gia Mập, nông dân than thở vì điều mất mùa, thì ở trang trại của ông Chiến dự kiến mùa điều này năng suất gần bằng mùa điều trước, khoảng 2,2-2,3 tấn/ha. Năm 1996, ông Chiến rời Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Phước làm kinh tế. Trang trại ông mua gần 130 ha, trong đó 115 ha điều ông vẫn giữ nguyên, chỉ thay những cây điều năng suất thấp.
Thu hoạch điều ở trang trại Võ Hùng Chiến
Ông Chiến cho rằng “nắng mưa là việc của trời” và mất mùa không phải do trời, mà đều tại con người. Khí hậu luôn biến đổi và ngày càng khắc nghiệt. Nông dân phải nhận biết được để chủ động trước sự thay đổi của khí hậu.
Hơn 3 thập kỷ gắn bó với cây điều đã giúp người dân Bình Phước, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cơ cấu cây trồng từ bắp, lúa rẫy sang cây công nghiệp dễ tính nhất. Cây điều giúp nhiều nông dân trở nên giàu có. Hơn nữa, vườn điều vừa giữ được đất, lại cân bằng môi trường sinh thái khi rừng tự nhiên đang ngày càng thu hẹp.
Giá mủ cao su và hồ tiêu cao nên nhiều nông dân bỗng chốc trở thành tỷ phú là nhờ họ đã có sẵn vườn cây cho thu hoạch đúng thời điểm. Nếu chặt điều để trồng cao su thì 6 năm sau mới được khai thác và 4-5 năm tiếp theo mới thu hồi vốn đầu tư. Với cây điều, chỉ cần nông dân bỏ ra bằng 1/3 số tiền đầu tư cho cây cao su, thì mỗi năm thu được hơn 2,3-3 tấn nếu thời tiết thuận lợi. Với giá điều khoảng 23-25 triệu đồng/tấn, mỗi năm cũng lãi từ 25-30 triệu đồng/ha mà nông dân không phải đối phó với nhiều dịch bệnh hoành hành trên cao su hay dịch bệnh chết nhanh, chết chậm ở cây tiêu.
Nghịch lý ở nước ta
Theo số liệu khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay khoảng 40% diện tích điều có nguồn gốc từ giống điều ghép. Hơn một thập niên qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều chương trình khuyến nông để cải tạo vườn điều, trong đó giống điều ghép đã về với nông dân bằng khuyến cáo hoặc các chính sách hỗ trợ giống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, cũng chưa có tổng kết nào về hiệu quả điều ghép từ thực tiễn và nông dân đang quay lại với giống điều hạt.
17 năm gắn bó với cây điều, ông Chiến đã minh chứng bằng thực tiễn cây điều cho năng suất trên 3,5 tấn/ha đều được chọn từ những cây cho hạt to, chắc. Từ tình yêu với cây điều, ông Chiến là nông dân đầu tiên đưa mẫu đất đi kiểm nghiệm vi chất và qua đó tìm hiểu để bón thêm loại phân gì cho phù hợp với cây điều ở từng thời điểm.
Hơn 1/4 thế kỷ, ngành điều Việt Nam phát triển mạnh mẽ và vươn lên số 1 về xuất khẩu điều nhân. Sự ra đời của công nghiệp chế biến điều đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nông thôn và đem ngoại tệ về cho đất nước hơn 1 tỷ USD /năm.
Tuy nhiên, theo số liệu tổng hợp của Bộ NN&PTNT, diện tích và năng suất cây điều bị giảm trong gần 5 năm qua. Đây cũng là nghịch lý của ngành điều Việt Nam được vinh danh xuất khẩu nhân điều số 1 thế giới, trong khi cây điều đang giảm về diện tích, năng suất và sản lượng. Nông dân ngày càng quay lưng với cây điều vì cho rằng thu nhập thấp hơn các cây trồng khác. Vấn đề này cho thấy ngành điều đã bộc lộ sự bất ổn trong chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thiếu bền vững. Cụ thể, diện tích điều cả nước năm 2009 là 400 ngàn ha, năng suất 8,6 tạ/ha; năm 2012 chỉ còn gần 350 ngàn ha, năng suất 8,4 tạ/ha. Đây chỉ là số liệu thống kê từ báo cáo tổng hợp của các địa phương, trong thực tế diện tích điều còn thấp hơn. Việt Nam hiện đứng thứ 3 về diện tích điều, sau Ấn Độ và Nigeria. Bình Phước là thủ phủ của cây điều, mỗi năm mất hơn 10 ngàn ha chuyển đổi sang trồng cao su hoặc các loại cây khác.
Xây dựng 200 ngàn ha điều mẫu năng suất cao
Sản lượng giảm thấp, không đủ cung cấp nguyên liệu cho chế biến nên doanh nghiệp (DN) ngày càng phụ thuộc
“Vua trồng điều” Võ Hùng Chiến cho rằng, muốn cho năng suất cao, cây điều phải có tán xòe như chiếc dù và mật độ giảm theo từng năm. Cụ thể, điều 10 tuổi 100-120 cây/ha, 15 tuổi 70-80 cây/ha và 20 tuổi ổn định 40 cây/ha, giảm chi phí chăm sóc. Như vậy, người trồng điều hàng năm không chỉ dọn cành khô, già, xấu mà phải chặt cây điều hạt xấu, nhỏ, năng suất thấp để bảo đảm cho cây quang hợp ra hoa, kết trái. |
vào điều thô nhập từ Campuchia, Indonesia và nhiều nhất là từ châu Phi. Năm 2012, các DN “vét cạn” trong nước cũng chỉ thu mua được khoảng 265 ngàn tấn và phải nhập khẩu 300 ngàn tấn điều thô. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho rằng, do phải nhập nguyên liệu nên DN dễ gặp rủi ro như chất lượng không đồng đều, tỷ lệ nhân thấp và tỷ lệ lẫn tạp chất cao. Khó khăn nhất với DN nhập khẩu là tỷ giá USD luôn tăng so với đồng Việt Nam. Do hạn chế về vốn, trình độ, nên nhiều DN điều khó thu mua hoặc nhập khẩu trực tiếp điều thô.
Trước thực trạng diện tích và năng suất điều bị giảm, Bộ NN&PTNT vừa yêu cầu Vinacas phải quy hoạch vùng nguyên liệu với 200 ngàn ha điều mẫu có năng suất 2 tấn/ha trở lên, để làm hạt nhân thâm canh, trong đó Bình Phước 150 ngàn ha và tỉnh Đồng Nai 50 ngàn ha. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, DN điều phải tạo được sự cộng hưởng với nông dân mới phát triển bền vững. Bộ NN&PTNT yêu cầu Vinacas phải chủ động xây dựng một số dự án đầu tư phát triển ngành điều theo hướng bền vững ở cấp trung ương và địa phương; hỗ trợ người trồng điều giai đoạn kiến thiết cơ bản để ổn định diện tích ở những khu vực đặc biệt khó khăn; phát triển vùng nguyên liệu trong nước và mở rộng diện tích ở Lào, Campuchia.
Từ thực tiễn ở Bình Phước và nhận định của Bộ NN&PTNT cho thấy, để ngành điều phát triển bền vững trước tiên phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu.
Phương Hà - Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065