Bài 1: GIỮ VỮNG DIỆN TÍCH ĐIỀU TRONG VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Giữa tháng 3 - đỉnh điểm mùa khô và cuối mùa điều ngắn ngủi, chúng tôi đi trong cái nắng nóng ăn vào da thịt cùng mùi cay xè của bụi đỏ khi qua những vườn điều cháy khô, không trái ở xã biên giới Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. “3 năm liên tiếp điều mất mùa, nhưng chưa có năm nào thiệt hại nặng như năm nay. Mất mùa điều và nỗi lo lớn nhất là vốn vay ngân hàng đã đến kỳ đáo hạn nhưng với đặc thù của vùng biên giới, người dân trong xã không thể bỏ cây điều để trồng cây khác”, anh Điểu Chương, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Bù Gia Mập lo lắng.
"Trắng" mùa điều
Từ trung tâm xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, chúng tôi theo anh Điểu Ngọc, Chủ tịch Hội nông dân xã đi một vòng gần hết 8 thôn trên địa bàn, thấy những vườn điều đều chung cảnh không trái. Giữa mùa điều nhưng không khí thu hoạch vẫn im ắng. Ở trung tâm các khu dân cư của xã biên giới Bù Gia Mập, không còn cảnh nhộn nhịp mua bán như những mùa điều trước. Khi hỏi giá điều thô trong ngày, một chủ đại lý ở thôn Bù Dốt nói: Giá tăng được 25 ngàn đồng/kg đã hơn 1 tuần nay, nhưng mỗi ngày chỉ mua được vài tạ, gom góp cả tuần mới đủ chuyến xe cho bạn hàng.
Dù mất mùa nhưng người dân xã Bù Gia Mập không thể bỏ cây điều để trồng các loại cây khác - Ảnh: Hải Anh
Vượt gần 3km đường đá lởm chởm, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được vợ chồng ông Điểu Thắng và bà Thị Thúy ở đội 1, thôn Bù Dốt, đang thu gom cành lá điều khô để đốt. Anh Điểu Ngọc lý giải: Chuẩn bị thu hoạch, trước đó nông dân phải dọn sạch vườn để lượm khi điều chín rộ nhưng năm nay cây không đậu trái, chán nản nên đến giờ vợ chồng bà Thúy mới dọn vườn cho sạch sẽ, thông thoáng để chống cháy và phòng trừ nấm bệnh trong mùa mưa sắp đến.
Nhìn những cành cây trơ trụi trái, bà Thúy ngậm ngùi: “Nhà tôi có 3 ha điều. Những năm trước, giá chỉ 8.000 đồng/kg nhưng vẫn có thu để bán mua gạo ăn. Mùa điều năm nay, không có tiền mua phân bón và xịt thuốc, lại gặp sương muối nên không thu được hạt nào. Nếu thời điểm này, cây ra hoa thì có thể chờ đợi vào đợt thu lần 2, lần 3, nhưng giờ thì hết hy vọng. Số nợ ngân hàng 100 triệu đồng để chữa bệnh viêm tủy cho con, đến kỳ trả nợ mà chưa biết xoay xở ra sao. Cả nhà với 8 miệng ăn lại đói thôi. Bà Thúy cho biết, thu hoạch vụ điều năm trước, bà đã trả được món nợ 12 triệu đồng cho ngân hàng, số còn lại dùng để trang trải sinh hoạt hằng ngày.
Anh Điểu Ngọc cho biết, mùa điều năm nay ở Bù Gia Mập, hộ người Mơnông, Xêtiêng nào may mắn thì thu được vài tạ/ha. Như hộ ông Điểu Krinh ở thôn Bù Rên có gần 3 ha điều mới chỉ thu được 100kg hạt. Hiện trong vườn chỉ còn vài ba cây còn lác đác trái nên ông cũng không mong đợi gì.
Điều không có trái, vợ chồng anh Điểu Thắng dọn vườn chống cháy mùa khô
Không chỉ vườn điều của các hộ đồng bào mất trắng do ít phân bón mà vườn của nhiều hộ cán bộ xã cũng thất thu. Anh Điểu Ngọc cho biết thêm: “Nhà tôi có 3 ha điều, năm 2012 mất mùa nhưng cũng thu được 3 tấn. Năm nay, đã giữa tháng 3 nhưng gom mãi mới được 10 bao, không đủ trả tiền phân bón, thuốc xịt. Chị Trần Thị Yến, cán bộ xã nghỉ hưu cũng cho biết: “Gia đình tôi có 5 ha điều đang trong thời kỳ sung sức nhưng đến giữa tháng 3 mới thu được gần 3 tấn, chưa bằng 30% của những mùa điều trước”.
Người Mơnông, Xêtiêng vẫn gắn bó với vườn điều
Xã Bù Gia Mập có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 33.949 ha nhưng chỉ có 3.500 ha đất nông nghiệp, còn lại là đất rừng. Xã có 14 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 75,1% số dân, chủ yếu là người Mơnông, Xêtiêng, còn lại là dân di cư tự do. Anh Điểu Ngọc nói: Người Mơnông, Xêtiêng gắn bó với cây điều đã gần 30 năm. Hiện toàn xã có 2.615 ha điều trong tổng số 3.126,5 ha cây trồng lâu năm, là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Với đặc thù của vùng đất có đá bàn, nước tưới khó khăn và đời sống kinh tế còn nghèo, nên dù mất mùa nhưng điều vẫn là cây trồng chính ở Bù Gia Mập.
Anh Điểu Chương, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Bù Gia Mập lo lắng: Nhà nào cũng có 3-4 ha điều, nă
Nhiều nông dân ở xã Bù Gia Mập cho biết, mùa điều năm nay hoa nở rất đẹp nhưng chỉ một thời gian đã bị cháy đen, có lẽ do ảnh hưởng của sương muối. Mùa điều ngắn ngủi một phần vì suốt hơn 3 tháng không có mưa nên vườn điều cháy khô bông. Tuy nhiên, trong thực tế điều của đồng bào dân tộc thiểu số trồng quá dày, qua nhiều năm cắt tỉa, điều không có nhiều cành, nhánh để quang hợp và ra hoa, đậu trái.
|
m nay mất mùa, xã chồng chất thêm khó khăn. Hết năm 2012, Bù Gia Mập còn 124 hộ nghèo, chiếm 8,6% số hộ toàn xã. Ở Bù Gia Mập có 3 vụ điều liên tiếp mất mùa và năm nay coi như mất trắng nên khả năng tái nghèo sẽ tăng cao. Trước thực trạng mùa điều năm nay, Đảng bộ, chính quyền và người dân rất mong ngân hàng sẽ gia hạn nợ vay, kể cả vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội để nông dân giữ được vườn điều, vượt qua khó khăn chờ mùa điều tới...
Hiện chỉ riêng vốn vay ngân hàng chính sách xã hội do Hội nông dân xã quản lý là 1,3 tỷ đồng. Nhờ chương trình bán phân trả chậm, vụ điều này, các công ty phân bón bán cho nông dân 100 tấn, theo hình thức trả trước 50% còn lại thanh toán sau khi thu hoạch điều. Thế nhưng nông dân trong xã thu về không đủ trả tiền phân bón. Bên cạnh đó, hiện người dân ở 3 thôn Bù Nga, Bù Rên và Cầu Sắt chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đất) theo quyết định chia tách 3 loại rừng. Nếu có sổ đất, người dân có điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng để đầu tư, chăm sóc vườn điều, giảm tình trạng vay mượn bên ngoài với lãi suất cao và giảm nguy cơ mất vườn rẫy vì không có khả năng trả nợ.
Phương Hà - Hải Châu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065