* Tại Khoản 3, Điều 11 trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai có nội dung như sau: 3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái các quy định về quản lý đất đai. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên vừa dài lại vừa thừa và thiếu chính xác, thậm chí ý nghĩa và nội dung của khoản này bị lặp lại. Ở đây tôi xin có hai ý kiến.
Thứ nhất là vì, đã là cán bộ, công chức được giao thực thi công vụ Nhà nước thì phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thì làm gì có chuyện vượt quá quyền hạn. Hơn nữa, nếu ai vượt quá quyền hạn mà gây hậu quả hoặc hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, xã hội và công dân khác thì hành vi này đã bị điều chỉnh bởi Luật Hình sự, Luật Tố tụng dân sự. Hơn nữa, hành vi vượt quá quyền hạn cũng là lợi dụng quyền hạn để lạm quyền. Thứ hai là ở khoản này có sử dụng cụm từ “thiếu trách nhiệm”, nhưng cụm từ này có khái niệm không rõ ràng, rất chung chung, không thể định lượng. Do đó, tôi đề xuất ở Khoản 3, Điều 11 cần lược bỏ cụm từ “vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền”. Đồng thời viết lại như sau: 3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái các quy định của Luật đất đai và các quy định của luật khác liên quan đến quản lý đất đai.
* Khoản 3, Điều 37 trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai có quy định như sau: 3. Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, bao gồm: a) Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; b) Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm (05) năm và hàng năm của cả nước; c) Nhu cầu sử dụng đất năm (05) năm của các ngành, lĩnh vực; d) Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất năm (05) năm kỳ trước; đ) Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất. Đối với việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì khoảng thời gian 5 năm là phù hợp và cũng đủ để thẩm định một chính sách có hợp lý hoặc cần phải sửa đổi bổ sung vấn đề gì còn chưa phù hợp. Nhưng với việc quy hoạch và xây dựng kế hoạch sử dụng đất thì với khoảng thời gian 5 năm là ngắn.
Hơn nữa, để khắc phục tình trạng tư duy theo nhiệm kỳ, kiến nghị Nhà nước thống nhất định kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm, tầm nhìn 20 năm. Tuy nhiên, định kỳ kế hoạch 5 năm có rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở điều tra, đánh giá các nhân tố tác động một cách khách quan, khoa học, đặc biệt phải tổ chức tham vấn các tổ chức khoa học, ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc và của nhân dân và chỉ được điều chỉnh khi đạt được sự đồng thuận. Riêng đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh (công trình phục vụ chiến đấu và huấn luyện của quân đội, căn cứ hậu cần), các dự án kinh tế do Quốc hội hay Chính phủ quyết định đầu tư thì nên có quy định riêng.
* Tại Khoản 4, Điều 47 trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi có quy định như sau: 4. Trong trường hợp đến thời điểm kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết thì vẫn được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được phê duyệt. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là việc tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch và nhà đầu tư trong trường hợp chưa sử dụng hết quỹ đất được giao theo quy hoạch. Tuy nhiên, chính điều này đã và đang làm phát sinh nhiều bất cập, nhất là tình trạng quy hoạch treo. Trong khi đó thì người dân đang thiếu đất sản xuất, nhưng có không ít dự án để đất bỏ không. Vì vậy, tôi đề xuất là quy định này chỉ dành cho những trường hợp đặc biệt sau khi đã điều tra, rà soát đúng với thực tế là dự án đã được thực hiện nhưng đang còn dang dở. Vì nếu không kiểm tra mà cứ duyệt kỳ tiếp theo là đồng nghĩa tiếp tục cho dự án được treo. Hơn nữa, các chủ dự án sẽ đối phó bằng cách, còn 1 năm cuối của kỳ quy hoạch mới cho tiến hành tạm thời, rồi sau khi được duyệt tiếp kỳ quy hoạch sau thì lại án binh bất động, đâu lại treo đấy.
* Điều 41 trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai là những quy định về trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó ở Khoản 4 có nội dung như sau: 4. Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện cơ quan có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân theo quy định của Chính phủ. Tôi hoàn toàn đồng ý với quy định này. Tuy nhiên, để việc quy hoạch đạt hiệu quả cao, chính xác và mang đậm tính dân chủ, tôi đề xuất cần bổ sung nội dung quy định về việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm sự tham vấn của Mặt trận Tổ quốc trong suốt quá trình xây dựng quy hoạch, đồng thời trưng cầu dân ý về quy hoạch sử dụng đất, về các dự án đầu tư dự kiến triển khai có trong quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc xây dựng quy hoạch phải bảo đảm công khai, công bằng, minh bạch và tránh sự lạm dụng quyền lực của các chính quyền địa phương để lấy đất của dân.
Văn Minh (Đồng Phú)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065