Tách ra từ thị trấn Chơn Thành vào tháng 7-2005, đến nay xã Thành Tâm vẫn chưa có trường mầm non công lập. Hằng ngày, phụ huynh trên địa bàn phải gửi con em ở trường tư thục hay cơ sở tư nhân. Nhiều em phải “học ké” tại các trường ở xã lân cận, như: Minh Long, thị trấn Chơn Thành hoặc xã Trừ Văn Thố của huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. UBND huyện Chơn Thành đã hai lần quy hoạch đất xây dựng trường mầm non ở xã Thành Tâm nhưng đều không thành vì vướng dự án.
Thiếu phòng học, 2 lớp chồi, lá ở cơ sở mầm non tư thục Mỹ Hưng phải học gộp
Chị Nguyễn Thị Thiên, công nhân Khu công nghiệp Chơn Thành, tạm trú ấp 4, hiện đang loay hoay chưa biết tìm trường cho con gái 4 tuổi, vì cơ sở tư nhân không nhận cháu do hết “chỉ tiêu”. Chị Thiên than thở: Tìm trường cho con còn khó hơn tìm việc làm. Có thể tôi phải nghỉ việc ở nhà trông con. Như vậy, gánh nặng gia đình chồng tôi phải lo, cuộc sống lại thêm bấp bênh.
Theo thống kê năm 2013, xã Thành Tâm có khoảng 253 trẻ trong độ tuổi mầm non. Các cháu đang phải học rải rác ở nhiều xã lân cận, hay tại những cơ sở tư nhân. Nhiều cháu nhập học muộn, do không còn chỉ tiêu của trường nên phụ huynh phải gửi con học ở nơi xa hơn.
Ông Phan Xuân Quế, Phó chủ tịch UBND xã Thành Tâm cho biết: “Sau khi tách xã, UBND huyện Chơn Thành có chủ trương quy hoạch đất để xây dựng trường mầm non, với diện tích 5.088m2 tại ấp Mỹ Hưng, nhưng do phần đất này nằm trong dự án mở rộng đường Hồ Chí Minh nên chuyển sang khu đất khác. Cách đây hơn một tháng, khi triển khai bổ sung diện tích đất mới cho trường thì lại vướng vào vùng quy hoạch tuyến đường ray xe lửa đi cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Lộc Ninh). Vì thế, tạm thời chưa quy hoạch được đất để xây trường mầm non.
|
Mỗi cơ sở tư thục cũng chỉ xây dựng khoảng 3 phòng dành cho lớp mầm, chồi, lá, mỗi lớp từ 30-40 cháu. Tình trạng thiếu phòng học diễn ra thường xuyên, nhiều phụ huynh phải vất vả chạy vạy mới xin được cho con vào lớp đúng độ tuổi. Chị Trần Thị Thủy ở tổ 4, ấp 1 cho biết: “Tôi có con trai 5 tuổi, hai năm trước phải gửi cháu học ở cơ sở mầm non tư thục Sơn Ca tại thị trấn Chơn Thành, cách nhà hơn 2km. Chồng đi làm xa, tôi buôn bán nhỏ. Mỗi lần đưa đón con tôi phải đóng cửa quán. Năm nay, nhờ người quen xin được về trường Mầm non tư thục Mỹ Hưng cách nhà 500m nên việc đưa đón thuận lợi hơn nhiều”.
Trẻ mầm non đến lớp ngày càng đông nên trường Mầm non tư thục Mỹ Hưng ở xã Thành Tâm luôn quá tải. Bà Nguyễn Thị Hợp, chủ cơ sở cho biết: “Cơ sở được mở từ năm 2008, mượn đất của nhà thờ giáo xứ Mỹ Hưng. Do không có phòng nên mỗi năm cơ sở chỉ mở 3 lớp (từ 3-5 tuổi), mỗi lớp khoảng 40-50 cháu. Năm nay, cơ sở chỉ nhận thêm 40 cháu, tổng cộng hiện có 120 cháu, chủ yếu là con em trong giáo xứ và công nhân ở các khu công nghiệp”.
Ông Hoàng Như Thơ ở tổ 2, ấp Mỹ Hưng chia sẻ: “Tôi có cháu trai 4 tuổi, năm trước cũng “chật vật” tìm trường khi vào năm học mới. Các cơ sở tư thục gần nhà cũng chỉ nhận số lượng có hạn, nên phải gửi cháu học ở trường Mầm non Sơn Ca tại thị trấn Chơn Thành. Không riêng gia đình tôi mà người dân rất mong có trường mầm non công lập để trẻ em trong xã vào lớp đúng độ tuổi.
Bà Nguyễn Thị Hợp rất buồn mỗi khi từ chối các cháu đến học. Bà Hợp cho biết: “Dự kiến sang năm cơ sở sẽ xây thêm phòng, mua sắm trang thiết bị để nhận các cháu vào học”.
N.Hà - H.Châu