BP - “Những con trâu còn khả năng sinh sản cần giữ lại và tiếp tục đầu tư, tạo lập “Ngân hàng trâu” để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống” - Đó là kiến nghị của một vị lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đối với kế hoạch phải thanh lý dự án hỗ trợ phát triển đàn trâu 27 con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp sau 10 năm triển khai cho hiệu quả cao.
Tại xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã đưa đoàn công tác của UBMTTQVN tỉnh đi thực tế khảo sát tình hình hộ nghèo trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, đã dẫn đến một gia đình có 3 nhân khẩu, trong đó người con trai đang làm công nhân cạo mủ cho nông trường cao su trên địa bàn với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng, gia đình hiện có trên 300 nọc tiêu đang thu hoạch, nuôi 12 con dê bách thảo...
Đó là hai trong số nhiều câu chuyện phản ánh tình trạng xa rời giữa thực tiễn với “báo cáo” trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Trong câu chuyện thứ nhất, cơ quan lập dự án đã quá chủ quan khi cho rằng con trâu cái chỉ có thể sinh sản được trong 10 năm. Những cán bộ lập dự án không nghĩ rằng 27 con trâu ban đầu, chết 9 con, còn 18 con, nay sinh sản lên thành đàn 173 con và những con trâu cái đầu tiên ấy nay vẫn còn khả năng sinh sản. Bây giờ sổ sách, giấy tờ đã đóng mộc và phát hành, nên “người ta” cần thực thi bằng cách đem đấu giá chỉ rẻ bằng một nửa so với thực tế, trong khi người dân mong mỏi được giữ lại những con vật bị xem là “hết date” ấy! Trong câu chuyện thứ hai, cán bộ xóa đói giảm nghèo của xã - là người trực tiếp tiếp xúc, giải quyết, triển khai chính sách đối với người nghèo cũng chỉ biết hộ nghèo “trên giấy” thì còn ai thật sự có thể biết hộ nghèo, ai có thể biết vì sao họ nghèo, họ cần gì để thoát nghèo...?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ quan liêu là “những người và cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới, không sát công việc thực tế... không theo dõi và gần gũi cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn... thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấy thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra cán bộ quan liêu là những người “không đi sâu đi sát phong trào, không nắm được tình hình cụ thể của ngành hoặc của Chính phủ, không gần gũi quần chúng và học hỏi kinh nghiệm của quần chúng, thích ngồi bàn giấy hơn là đi cơ sở để hiểu đúng thực tế, kiểm tra việc thi hành chính sách, lắng nghe ý kiến của nhân dân...”.
Những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhiều thập kỷ trước, đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự, vẫn là những bức xúc trong đời sống xã hội cần giải quyết. Cán bộ “có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấy thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững” thì có lợi hay có hại cho dân chắc ai cũng rõ. Hy vọng rằng, những trường hợp như vậy sẽ dần bị loại bỏ.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065