Ngày 6-11-1978, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đây vừa là niềm tự hào của nhân dân trong xã, đồng thời khẳng định những chiến công và thành tích lớn lao trong các cuộc kháng chiến của một vùng quê “địa đầu” huyện Lộc Ninh. Nói Lộc Tấn là điểm “địa đầu” bởi lẽ, đây là xã có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài gần 30km, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lộc Tấn là địa bàn cực kỳ quan trọng góp phần to lớn vào những trận đánh trong chiến dịch Nguyễn Huệ và giải phóng huyện Lộc Ninh vào ngày 7-4-1972.
Xe tăng M41 của Mỹ bị quân và dân Lộc Ninh tiêu diệt tháng 4-1972
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lộc Tấn gặp rất nhiều khó khăn do địch đàn áp dã man phong trào cách mạng. Tuy vậy, chi bộ đảng ở Lộc Tấn vẫn kiên cường bám trụ lãnh đạo nhân dân tiếp tục vừa đấu tranh bí mật vừa công khai. Đến giữa năm 1959, chi bộ đã lãnh đạo công nhân làng 4, làng 9 xây dựng cơ sở mật và thành lập đội vũ trang tuyên truyền của xã đặt tại làng 5. Trận đầu tiên, đội vũ trang tuyên truyền của Lộc Tấn đã phục kích đánh địch. Ngày 30-5-1960, đội vũ trang cùng với thanh niên du kích xã, có sự hỗ trợ của huyện đã đột nhập cơ sở đồn cao su, tiêu diệt ác ôn, thu vũ khí, gây tiếng vang trong toàn huyện. Những năm từ 1961-1965, lực lượng vũ trang Lộc Tấn từng bước phát triển mạnh, phối hợp đồng bộ với các đơn vị trong và ngoài huyện đánh địch trên diện rộng và thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, nhân dân Lộc Tấn đã giúp đỡ bộ đội hàng chục tấn gạo, thuốc men. Trước đêm 30 tết, năm Mậu Thân, Lộc Tấn phối hợp với lực lượng chủ lực đánh Sư đoàn 5 của địch trên đường hành quân, bắn cháy nhiều xe tăng... Những năm 1969-1971, du kích xã Lộc Tấn phát triển ngày càng đông và mạnh. Trong những năm này nhiều trận đánh và thắng lớn của quân ta có sự đóng góp hiệu quả của du kích Lộc Tấn. Tiêu biểu là vào ngày 21-1-1970, dân quân du kích Lộc Tấn cùng bộ đội chủ lực bất ngờ tập kích vào căn cứ Trung đoàn thiết giáp số 9 của Mỹ đóng ở ngã ba Lộc Tấn, diệt 65 xe tăng, phá hủy 5 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu 330 tên địch. Ngày 16-12-1970, lực lượng vũ trang Lộc Tấn phối hợp với Đại đội 31 (Lộc Ninh) tấn công địch trên đường 13, phá hủy 2 xe quân sự, diệt 15 tên địch... Trong chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng Lộc Ninh, quân và dân Lộc Tấn đã cùng với Sư đoàn 3, Sư đoàn 9 thực hiện vận động tiến công chốt chặn, tiêu diệt Trung đoàn thiết giáp số 1, Tiểu đoàn 74 biệt động và Tiểu đoàn 2. Trong trận chiến đấu này quân và dân Lộc Tấn góp phần tiêu diệt và bắt sống 950 tên địch, tịch thu 36 xe. Đêm ngày 4 rạng sáng ngày 5-4-1972, trong khi bộ đội Miền lần lượt hạ các đồn bót địch ở Lộc Thành, Hoa Lư, làng 2 thì du kích xã Lộc Tấn phối hợp với bộ đội chủ lực đánh chiếm các ấp chiến lược, thu 84 súng các loại, cùng nhiều quân trang quân dụng (*). Ngay trong ngày 5-4-1972, xã Lộc Tấn được giải phóng. Nhân dân và lực lượng vũ trang của xã tiến hành công tác thu gom vũ khí, chiến lợi phẩm, làm công tác binh vận kêu gọi quân ngụy ra đầu hàng. Trong những ngày tháng 4 lịch sử của năm 1972, với sự tấn công mạnh mẽ của bộ đội chủ lực và sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng vũ trang huyện Lộc Ninh, đến chiều ngày 7-4-1972, các cứ điểm quân sự của địch ở huyện Lộc Ninh bao gồm cả chi khu Lộc Ninh đã được hoàn toàn giải phóng. Thắng lợi to lớn của quân và dân Lộc Ninh có sự góp phần đắc lực, hiệu quả của quân và dân xã Lộc Tấn anh hùng.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang Lộc Tấn đã diệt ác, phá ấp chiến lược 10 lần, xây dựng trên 30 cơ sở cách mạng, tham gia 112 trận đánh, tiêu diệt 800 tên Mỹ, gần 3.000 tên ngụy, thu 40 xe các loại, phá hủy 300 xe, bắn rơi 2 máy bay, kêu gọi đầu hàng và bắt sống 617 tên ngụy. Toàn xã có 50 liệt sĩ, 47 thương binh, 7 bệnh binh và 5 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Những năm sau ngày giải phóng, đảng, chính quyền, quân và dân Lộc Tấn lại tiếp tục kề vai sát cánh xây dựng và bảo vệ vùng hậu phương tại chỗ, làm điểm tựa cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Ngày nay, về lại Lộc Tấn vẫn còn đó nhiều dấu tích của chiến công năm xưa. Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND xã, cho rằng: Hiện tại Lộc Tấn tuy còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống anh hùng của một xã vùng đất “địa đầu”, đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang từng bước khắc phục để vượt qua, quyết tâm xây dựng Lộc Tấn thành một xã giàu đẹp của huyện Lộc Ninh, xứng đáng với biết bao máu xương của các thế hệ tại địa phương đã đổ xuống trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Q.V
(*) Bài viết có tham khảo “Lịch sử xã Lộc Tấn”, nxb tp.HCM, 2008 và “Bình Phước những tập thể, cá nhân anh hùng”, 2003.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065