Đảo Long Sơn có rừng nứa xanh biếc được ví như “con rồng xanh” của Vũng Tàu. Sở dĩ có tên Long Sơn là do hình dáng trông từ xa đảo giống như một con rồng xanh khổng lồ đang phơi mình trên sóng biển. Địa thế Long Sơn từ lâu là một vùng hải cảng quan trọng, cửa ngõ mở ra biển Đông. Nơi đây có vùng biển rộng và khá sâu, thủy triều lên hàng ngày, khí hậu ôn hòa và ít có bão.
Đảo Long Sơn còn nhiều công trình kiến trúc cổ, lưu giữ những phong tục tập quán xưa khá độc đáo. Di tích Nhà Lớn là một địa điểm đặc biệt trên đảo, năm 1991 đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Nhà Lớn Long Sơn còn gọi đền Ông Trần, là một quần thể kiến trúc cổ bề thế, uy nghi. Nhà Lớn là nơi tập trung sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân trên đảo. Khu nhà là một tập hợp nhiều công trình như dãy nhà phố, chợ, lầu dài, nhà máy đèn... “Đạo Ông Trần” ở Long Sơn mang biểu trưng của nhiều tôn giáo khác nhau: đạo Phật, đạo Nho, đạo thờ ông bà tổ tiên... Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu - người có công khai phá vùng đất hoang vu này. Lúc sinh thời, ông thường hay ở trần và đi chân đất nên người dân địa phương gọi thân mật là ông Trần. Đặc biệt, tín ngưỡng “đạo Ông Trần” không có kinh, chuông mõ, cũng không ăn chay hay kiêng kỵ, chỉ có lời dạy của ông Trần được truyền khẩu trong dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một chuyện khá thú vị của “đạo Ông Trần” là tục lệ tổ chức ma chay, cưới hỏi, lễ lạt rất đơn giản và tiết kiệm.
Xã đảo Long Sơn ngày nay - Ảnh internet
Đảo Long Sơn có hệ sinh thái rất đa dạng. Đỉnh núi chỗ rộng nhất khoảng 2km, có nhiều cột đá vươn lên trời và nhiều hòn đá hình thù kỳ lạ. Núi có 3 đỉnh: Đỉnh Bà Trao cao 138m, đỉnh Hố Rồng cao 120m và đỉnh Hố Vông cao 100m. Từ các đỉnh có thể nhìn thấy biển rộng mênh mông và thành phố Vũng Tàu xinh đẹp. Dưới chân núi là khu rừng sác đặc trưng của vùng đất ngập mặn với nhiều loài hải sản phong phú. Trên đảo còn có một hồ nước ngọt rộng lớn. Khu vực này vẫn còn những cây to, có tuổi thọ hàng trăm năm.
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, nhân dân Long Sơn bắt tay vào cải tạo và xây dựng lại quê hương. Đến nay, đời sống kinh tế - xã hội của Long Sơn đã có nhiều thay đổi vượt bậc. Dân số trên đảo hiện có khoảng hơn 10.000 người. Từ thôn 1 đến thôn 3 là khu dân cư phía Bắc đảo, đây là dân cư mà tổ tiên họ là những người đầu tiên tới lập nghiệp ở Long Sơn. Thôn 4 tới thôn 9 (khu Gò Găng) chủ yếu là người theo ông Trần. Trong quá trình lập nghiệp, khai khẩn đất đai người dân Long Sơn đã tạo được khoảng 400 ha đất nông nghiệp và trên 100 ha ruộng muối. Ngoài ra họ còn mở mang các ngành nghề kinh tế khác như đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc, nuôi trồng hải sản. Từ năm 1997 về trước, đảo hoàn toàn cách biệt với đất liền, bởi xung quanh bị bao bọc bằng một hệ thống đầm phá, nước mặn và sú vẹt. Dân đảo kể rằng, muốn vào đất liền hồi đó phải đi đò qua đầm mất nửa tiếng đồng, hàng ngày có gần 20 con đò chở người qua lại đảo. Ngày nay, đảo đã được nối với đất liền bằng một con đường nhựa hiện đại, một cây cầu vững chắc bắc qua đầm có hệ thống đèn chiếu sáng. Điện đã về cùng với đường và vài năm lại đây dân xã đảo Long Sơn đã được dùng nước máy.
Thế mạnh lớn nhất của Long Son là nghề nông - ngư nghiệp và diêm nghiệp. Những ngành nghề này được nhân dân Long Sơn phát huy để xây dựng cuộc sống ngày càng đi lên. Trong dự án phát triển kinh tế của thành phố Vũng Tàu, cụm đảo Long Sơn - Gò Găng sẽ được đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ cung ứng tàu biển, bảo đảm vành đai bảo vệ an toàn, thông suốt từ cảng biển Vũng Tàu - Long Sơn theo đường sông Lòng Tàu vào thành phố Hồ Chí Minh và đi các tuyến khác trong vùng Nam bộ.
Trung Lương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065