ĐIỂN HÌNH TRONG BÊ TÔNG HÓA GIAO THÔNG NÔNG THÔN
Giao thông là tiêu chí khó nhất trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới Lộc Ninh. “Trong cái khó ló cái khôn”, giữa năm 2014, Lộc Ninh xây dựng Đề án 03/ĐA-UBND, làm đường theo phương thức “Nhân dân thực hiện công trình - Nhà nước hỗ trợ vật tư” đã tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. 2 xã Lộc Thuận và Lộc Thái được chọn làm điểm thực hiện Đề án 03.
Làm đường bê tông ở ấp 3B, xã Lộc Thuận (Lộc Ninh)
Chủ tịch UBND xã Hoàng Thế Nam cho biết, Lộc Thuận là xã có diện tích lớn thứ 2 ở huyện Lộc Ninh (sau Lộc Tấn). Những năm 1980 theo chủ trương của Đảng, các làng cao su thời Pháp thuộc đã tiếp đón cư dân ở Trị - Thiên vào làm công nhân Công ty cao su Lộc Ninh. Với địa bàn rộng, đồi dốc, hiểm trở, Lộc Thuận có 20 trục chính giao thông với tổng chiều dài 170km, nhưng đầu năm 2012 mới có 35km được nhựa hóa, chủ yếu nhờ Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh đầu tư, còn lại là đường cấp phối sỏi đỏ. Nhiều tuyến đã xuống cấp nghiêm trọng, gây trở ngại cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản bị tư thương ép giá. Xã có 48km đường thôn, ấp nhưng do địa hình dốc nên trước đây chỉ sau mùa mưa là công lao sửa chữa đường của người dân đều bị nước xói mòn, cuốn trôi. Làm đường theo Đề án 03 và Nghị định số 161 của Chính phủ (năm 2017), nhân dân phấn khởi hiến đất, mở rộng đường.
Theo đó, UBND xã Lộc Thuận đã tuyên truyền, phổ biến chính sách đầu tư của huyện; tổ chức họp dân, công bố mức hỗ trợ của Nhà nước và mức đóng góp của nhân dân. Căn cứ chỉ tiêu được phân bổ, UBND xã giao chủ đầu tư là ban phát triển ấp tổ chức lập dự toán thi công theo thiết kế mẫu của Bộ Kế hoạch - đầu tư và có thẩm định của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện. Ngoài xi măng tỉnh hỗ trợ theo phương thức trả chậm, UBND huyện Lộc Ninh hỗ trợ đá, cát hoặc sỏi đỏ. Nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền, ngày công, thuê nhà thầu thực hiện công trình theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Từ năm 2015 đến nay, nhân dân Lộc Thuận đã đóng góp gần 3 tỷ đồng, làm hơn 35km đường bê tông (80% hệ thống giao thông ấp), 35% khu dân cư có đèn đường thắp sáng.
Chủ tịch UBND xã Lộc Thuận Hoàng Thế Nam cho biết thêm, làm đường theo phương thức “Nhà nước hỗ trợ vật tư - nhân dân làm công trình” đã tiết kiệm 40% kinh phí nhưng chất lượng công trình tốt hơn nhờ giám sát chặt chẽ của hộ dân và ban ấp. Quy chế dân chủ đi vào thực tiễn, tạo sức sáng tạo của nhân dân nên nhiều tuyến đường bê tông ở các ấp 3A, 3B, 4, xã Lộc Thuận đã trở thành điểm cho nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện làm theo.
XÃ ANH HÙNG HÔM NAY
Khi mới thành lập, Lộc Thuận là một trong những xã nghèo của huyện, kinh tế nông nghiệp chiếm khoảng 98%, thương mại - dịch vụ 2%; cơ sở hạ tầng thấp kém; thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/năm. Năm 2012, Lộc Thuận thoát khỏi xã nghèo đặc biệt khó khăn. Năm 2017, thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tăng dần sang tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 36%, nông nghiệp chiếm 64%. Trong những năm đầu thành lập, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 35%, đến nay còn 101 hộ, chiếm 4,7% theo tiêu chí đa chiều. Hằng năm, xã có trên 80% khu dân cư đạt văn hóa; 10/12 ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm truyền thanh được đầu tư hệ thống không dây phủ sóng đến 12/12 ấp; 99% hộ dân có phương tiện nghe, nhìn; 98% hộ có điện thoại và xe máy; bảo hiểm y tế đạt 60,2%...
Chào mừng 20 năm thành lập xã và 46 năm giải phóng Lộc Ninh, 43 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xã Lộc Thuận đã vận động và bàn giao 1 căn nhà đồng đội trị giá 70 triệu đồng (trong đó cán bộ và nhân dân kết hợp với Hội Cựu chiến binh ủng hộ 40 triệu đồng); làm 3km đường bê tông, nhân dân đầu tư làm hệ thống đèn đường 1km...
Chủ tịch UBND xã Lộc Thuận Hoàng Thế Nam cho biết thêm, theo lộ trình, năm 2019, Lộc Thuận về đích nông thôn mới. Ngoài các tiêu chí giáo dục, cơ sở hạ tầng giao thông cần vốn đầu tư lớn, nâng cao thu nhập rất khó khăn do trước đây người dân chủ yếu làm công nhân cao su nên nhiều hộ về mất sức lao động chỉ có mảnh vườn nhỏ, không nương rẫy. Để nâng cao thu nhập và xóa hộ nghèo, xã linh động mượn đất của Công ty cao su Lộc Ninh cho người dân trồng xen cây ngắn ngày trong vườn cây tái canh năm đầu tiên. Nhiều thập niên qua, Lộc Thuận là điển hình phong trào khuyến học - khuyến tài với hàng trăm hộ nuôi con ăn học thành tài đi làm ở các tỉnh, thành phố lớn đưa nguồn thu về cho gia đình. Ngoài xây dựng hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, Lộc Thuận đang tìm đầu ra xây dựng tổ hợp tác trồng rau an toàn...
Phương Hà
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065