BPO - Những ngày qua, không chỉ dư luận trong nước mà trên toàn thế giới đều cực lực lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc ra thông báo thành lập quận Tây Sa và Nam Sa để quản lý phi pháp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước động thái nêu trên của Trung Quốc, đã có những ý kiến quan ngại đối với chủ quyền biển, đảo của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam từ ngàn xưa. Không một thế lực hay kẻ thù nào có thể uy hiếp và xâm phạm được chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc dù chỉ là một tấc gang, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Từng có dịp đến một số hòn đảo thân yêu của Tổ quốc tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi - những người làm báo ở Bình Phước càng thêm cảm nhận sâu sắc sức mạnh, ý chí và tinh thần của người lính biển trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc biển, đảo quê hương.
Bộ đội hành quân lên tàu ra Trường Sa làm nhiệm vụ
Trong cuộc hải trình kéo dài 20 ngày, chúng tôi được nghe và chứng kiến sức sống mãnh liệt của quân và dân ta trên quần đảo Trường Sa. Giữa biển trời bao la, xa cách đất liền nhưng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa vẫn ngày đêm vững vàng tay súng, vượt qua mọi khó khăn bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hiên ngang đảo chìm
Là những người đến từ vùng đất đỏ miền Đông với núi đồi trùng điệp nên chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự hiên ngang và đầy khí phách của Trường Sa giữa muôn trùng sóng gió. Những hòn đảo chúng tôi đặt chân đến ở phía Bắc quần đảo Trường Sa gồm: Song Tử Tây, Sơn Ca, Đá Nam, Đá Thị, Nam Yết và Sinh Tồn Đông. Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: Đây là 6 trong 21 đảo, 33 điểm đóng quân của ta tại quần đảo Trường Sa. Các đảo ở phía Bắc Trường Sa có khoảng cách khá gần nhau. Một số đảo chỉ cách nhau chừng 15-25 hải lý, với cự ly này làm cho khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa trở thành một phòng tuyến vững chắc, chặt chẽ. Trong cụm 6 đảo phía Bắc có 2 đảo chìm là Đá Nam và Đá Thị, còn lại là đảo nổi. Ở các đảo chìm, trước đây vốn là bãi cát san hô chỉ nổi lên mặt biển mỗi khi thủy triều rút. Bộ đội trên đảo ở nhà chòi chật hẹp, trơ trọi giữa biển khơi nên rất khó khăn. Được sự chung tay góp sức của nhân dân cả nước, Đá Nam, Đá Thị nói riêng và các đảo chìm khác thuộc quần đảo Trường Sa nói chung đã được đầu tư xây dựng thành những công trình hiện đại. Đây là những “lá chắn thép” bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, giúp ngư dân yên tâm ra khơi bám biển.
Đại úy Bùi Thanh Hải, Chỉ huy trưởng đảo Đá Thị cho biết: Cuộc sống, sinh hoạt ở đảo tuy còn vất vả nhưng đã được cải thiện hơn rất nhiều so với trước. Tuy nhiên, dù khó khăn, vất vả đến đâu, tất cả những người lính hải quân chúng tôi luôn nêu cao ý chí kiên trung để học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Cũng như Đá Thị, ngoài thường xuyên luyện tập, nêu cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương, đảo Đá Nam đã trở thành tiền đồn vững chắc nơi đầu sóng gió. Thượng úy Hoàng Văn Nhuận, Chính trị viên đảo Đá Nam chia sẻ: Hầu hết bộ đội trên đảo đều là lính trẻ. Ngày đầu ra đảo, ai cũng nhớ đất liền, nhớ người thân nhưng chỉ sau thời gian ngắn mọi người càng gắn bó với đảo. Vì đảo là nhà, biển cả là quê hương, vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với niềm tự hào của người lính giữ đảo, các chiến sĩ trên đảo Đá Nam đã không ngừng rèn luyện, vững vàng tay súng và cùng với ý chí sắt đá, sự can trường làm chùn bước những tham vọng đen tối, âm mưu thâm độc của các thế lực nước ngoài. Chính nhờ sự đoàn kết một lòng vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, những năm qua cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Nam và Đá Thị luôn được Lữ đoàn 146, Vùng 4, Quân chủng Hải quân, UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ Quốc phòng tặng nhiều bằng khen, giấy khen và các danh hiệu cao quý khác.
Thành đồng đảo nổi
So với đảo chìm, các đảo nổi ở phía Bắc quần đảo Trường Sa có nhiều điều kiện hơn trong cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu. Đặc biệt, ở nhiều đảo nổi còn có sự hiện diện của cộng đồng dân cư, các công trình như trường học, bệnh xá, trạm khí tượng, hải đăng, chùa chiền... đã làm Trường Sa không còn xa cách diệu vợi giữa trùng khơi mà trở nên gần gũi hơn. Đêm xuống, tiếng bi bô học bài của trẻ nhỏ, tiếng tụng kinh của sư trụ trì, tiếng tập luyện võ thuật của bộ đội, tiếng của vật nuôi... càng làm cho sức sống của Trường Sa thêm mãnh liệt.
Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó chính ủy Lữ đoàn 146 cho biết: Các đảo ở phía Bắc quần đảo Trường Sa trong vùng biển hết sức phức tạp. Vì vậy, tinh thần cảnh giác và chiến đấu của quân, dân trên đảo luôn sẵn sàng trước mọi tình huống.
Canh gác bảo vệ cột mốc chủ quyền trên đảo Sinh Tồn Đông
Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sơn Ca nói: Do ở vị trí rất phức tạp nên đảo Sơn Ca luôn trong tâm thế nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững ngư trường cho ngư dân ra khơi bám biển. Trung tá Hoàng Đức Chiến kể thêm về những lần truy quét tàu đánh cá của nước ngoài vào khai thác trộm ngư trường của ta. Hay những lần bảo vệ ngư dân, ngư trường trước sự khiêu khích, gây hấn của tàu lạ... càng làm cho ý chí của người lính biển thêm rắn rỏi.
So với các đảo khác, Sinh Tồn Đông ở vị trí tiền tiêu nên rất có ý nghĩa chiến lược trong phòng thủ và bảo vệ Trường Sa. Nhìn khung cảnh của Sinh Tồn Đông thanh bình với dải cát trắng mịn bao bọc, những rặng cây bàng vuông, phong ba... cao ngút, lộng gió quanh năm, nhưng đây là một pháo đài vững chắc trước mọi sự khiêu khích của các thế lực nước ngoài. Trung tá Trần Văn Quế, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông khẳng định: Do đặc thù của vị trí đóng quân nên ban chỉ huy đảo luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nêu cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu cao trong mọi tình huống. Không những vậy, cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn Đông luôn chủ động huấn luyện, thuần thục các phương án sẵn sàng chiến đấu, làm chủ các loại vũ khí, khí tài và trang bị hiện có, không để xảy ra tình huống bất ngờ, bị động. Trước yêu cầu, nhiệm vụ được giao, cán bộ, chiến sĩ toàn đảo luôn quyết tâm, đoàn kết, chủ động khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới. Còn Nam Yết hay Song Tử Tây cũng là những vành đai thép trên tuyến đầu của Tổ quốc mến yêu.
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người lính biển, những năm qua, cả nước đã chung tay góp sức hướng về Trường Sa thân yêu và đặt trọn lòng tin vào người chiến sĩ hải quân trong bảo vệ chủ quyền đất nước. Trường Sa hôm nay đã vươn mình như bức lũy thành đồng giữa trùng khơi bảo vệ cho đất liền bình yên. Các đảo nổi ở Trường Sa hôm nay không chỉ khang trang, sạch đẹp hay xanh mướt giữa đại dương, mà là những pháo đài hiên ngang trước mọi sóng gió, là lũy thép trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, là điểm tựa của ngư dân, là niềm tự hào của người dân đất Việt. Những ai đã đến Trường Sa dù chỉ 1 lần, cũng sẽ cảm nhận rõ rằng không một thế lực, sức mạnh nào có thể xâm phạm và uy hiếp được chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vùng lãnh thổ thiêng liêng này mãi mãi là phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Chúng ta không bao giờ cho phép ai làm phần “da thịt” ấy bị đau. Chúng ta đang nâng niu, giữ cho nơi này ngày thêm gần, thêm ấm áp trên dải đất của Tổ quốc Việt Nam tràn đầy sức sống.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065