Vũng Chùa - đảo Yến nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang khoảng 10km về hướng đông nam. Từ trên đỉnh Thọ Sơn phóng tầm mắt về hướng biển là khung cảnh non nước hữu tình, biển nước mây trời bình yên và khoáng đạt. Vũng Chùa được bao bọc bởi ba đảo là Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm (đảo Yến) nên nơi đây rất kín gió. Những ngày gió bão tàu thuyền thường về đây trú ẩn.
Theo lời kể của những người cao niên ở làng Thọ Sơn, tên gọi vũng Chùa xuất phát bởi vùng biển nơi đây yên bình như “vũng”, từ hàng trăm năm trước có một ngôi chùa rất linh thiêng nhưng qua bao bể dâu nay chỉ còn nền móng. Đảo Yến tên gốc là Hòn Nồm, gọi theo hướng gió. Sau này người dân gọi là đảo Yến bởi trên đảo có nhiều chim yến về đây làm tổ. Đảo Yến rộng khoảng 10ha cách bờ khoảng 1km, vẻ đẹp hoang sơ, như bức bình phong nổi lên giữa biển.
Trên đảo không có dân ở, chỉ có vài công nhân từ Nha Trang ra đây dựng trại để khai thác yến. Núi Thọ nối liền núi Sú tiếp nối mũi Rồng tạo thành một cánh cung vững chãi đâm ra biển Đông, che chắn gió đông bắc; dưới chân là bãi biển cát trắng vàng trải dài tít tắp, cây cối xanh tươi.
Theo ông Võ Quang Đạt, chủ tịch UBND xã Quảng Đông, vũng Chùa là vùng đất có vị trí đắc địa, hướng nhìn ra biển Đông thoáng đãng nhưng lại kín gió. Nơi đây thế núi hùng vĩ dáng tựa thân giao long, có mũi Rồng đâm ra tận mép sóng, biển trời hiền hòa, người dân chất phác, can trường.
Vũng Chùa là một trong những thắng cảnh đẹp nằm trong vịnh Hòn La mà theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên của nhà văn hóa Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn. Vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi vững chãi như bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” với đỉnh mũi Rồng che chắn phía tây - bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ.
Vùng biển Hòn La nổi tiếng với những sản vật dùng để cung tiến triều đình. Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đặc sản nơi đây ngoài yến sào, sò huyết, tôm hùm còn có loài “cửu khổng quyết minh” hay còn gọi là bào ngư, là những sản vật thường mang đi cung tiến triều đình. Vùng đất này được người dân nơi đây coi là linh thiêng bởi tương truyền năm xưa vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành đã dừng lại nơi đây lập đàn thần linh phù hộ. Khi chiến thắng trở về, nhà vua về đây lập đàn tạ ơn đất trời.
Đứng trên đỉnh Thọ Sơn nhìn ra bốn bề trời biển, một không gian bình yên và khoáng đạt, có thể cảm nhận được phần nào lý do Đại tướng chọn nơi đây để yên giấc ngàn thu. Ông Lương Văn Luyến, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Quảng Bình, nói rằng vũng Chùa là một vùng đất đẹp, núi non hùng vĩ, sóng biển hiền hòa. Theo ông Luyến, trong tương lai đây sẽ là điểm đến rất giá trị, kết nối với thắng cảnh đèo Ngang, đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa... tạo thành một tuyến du lịch tâm linh đầy sức thu hút, không chỉ phong cảnh đẹp mà còn rất thiêng liêng.
Mai sau dù có bao giờ...
Khi địa danh vũng Chùa được nhắc đến rất nhiều trong những ngày này, tôi lại nhớ đến một nhà “Quảng Bình học” đã qua đời mà người Quảng Bình không ai không biết: cụ Nguyễn Tú! Thuở cụ còn sống trong căn nhà nhỏ ở Cộn (phía tây thành phố Đồng Hới), cứ mỗi lần ra công tác ở Quảng Bình chúng tôi đều cố tìm cách để được cụ chỉ giáo cho đôi điều mình còn băn khoăn về vùng đất lạ lùng này. Bởi cụ Tú là một người Quảng Bình cực kỳ đặc biệt, chưa hề qua một trường đại học hay viện nghiên cứu nào, nhưng với tình yêu xứ sở một cách “bất khả tư nghì”, cụ Tú đã viết nên cả chục pho địa chí về miền đất Quảng Bình.
Trong những cuốn sách viết về Quảng Bình, vùng đất vũng Chùa đảo Yến - nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng - cụ Tú đã nhắc đến rằng: “Ngoài vũng Chùa ở đèo Ngang ra, vùng biển Quảng Bình không có những quần đảo che chắn, chịu trực tiếp của các trường gió và sóng biển Đông, hạn chế chiều sâu của những cửa sông...”. Suốt dọc dài cả trăm cây số bờ biển tỉnh Quảng Bình, chỉ có bờ biển vùng vũng Chùa có các đảo án ngữ phía trước. Cũng từ vị thế đặc biệt này mà những ngư dân ra khơi vào lộng trên vùng biển này đã có câu ca đúc kết: “Gió bớc thì dựa vũng Chùa/ Gió nồm nam dựa Chụt: bốn mùa như ao” (gió bớc: gió đông bắc - NV).
Và chủ nhật 13-10, Đại tướng sẽ về nằm lại đây, bên sườn núi Thọ trông ra biển Đông. Trên nhiều trang Facebook có nhiều người đã dùng cả Google Map để định vị vị trí an táng Đại tướng, rồi gióng theo những phương vị trên bản đồ để luận về ý nguyện của người lính già khi về với tổ tiên vẫn muốn nằm bên bờ biển để cùng cháu con trấn giữ cõi bờ. Nhưng như câu nói của Đại tướng: “Nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo”. Ông là một vị tướng của hòa bình, và nói cho cùng chẳng ai muốn chiến tranh để rồi trở thành danh tướng cả. Ông sẽ về nằm đó, bên triền núi, mỗi bình minh lên sẽ trông thấy những con thuyền của ngư dân về bến, yên bình trong nắng sớm. Ông nằm đó, mỗi buổi chiều về được nhìn đàn yến chao liệng trên sóng nước trước giờ về tổ.
Không phải không có những người dân quê Lệ Thủy thoáng chút buồn khi ông đã không về nằm lại giữa cánh đồng nơi quê nhà chôn nhau cắt rốn. Nhưng như nhiều người đã nói, với Tướng Giáp, có nhiều nơi chốn trên đất nước này ông có thể chọn để nằm lại như khu rừng Trần Hưng Đạo, trên dãy núi Dền Sinh của Cao Bằng, ở đó có một đỉnh núi gọi là đỉnh Slam Cao, nơi ông đã đặt đài quan sát và chỉ huy những người lính của mình đánh đồn Phai Khắt -trận đánh đầu tiên trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Cũng có thể đó là cánh rừng Mường Phăng ở Điện Biên, là chiến khu ATK những năm kháng Pháp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về với Quảng Bình nắng gió, miền quê nghèo dù vẫn còn cơ cực nhưng ấm tình hồn hậu. Một cuộc trở về, cuối cùng và mãi mãi... Nhưng với tất cả những gì mà chúng ta đã chứng kiến những ngày qua, khi hàng triệu người dân áo vải đã khóc thương ông với tột cùng tôn kính, hẳn rồi trong tâm thức của đời dân, một ngày nào đó Đại tướng sẽ hiển thánh như danh tướng Trần Hưng Đạo thuở nào, vì được muôn đời dân yêu kính mà hiển linh nên Đức Thánh Trần.
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065