VỊNH XUÂN ĐÀI
Nằm phía đông bắc tỉnh, trên địa phận hai huyện Sông Cầu và Tuy An, vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 8.400 ha, khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Vịnh có nhiều ngọn núi nhô ra mặt nước tạo thành những vũng nhỏ, hình thành nên một cụm phong cảnh độc đáo của vùng biển Phú Yên. Xuân Đài được che chở bởi núi Cây Me nằm gần bờ, mưa nắng và sóng biển bào mòn chân núi thành những bãi đá lớn. Phía sát mặt nước là gành đá có bờ dốc đứng, từng đợt sóng đánh thẳng vào gành tung bọt trắng xóa. Dưới mặt nước, rong biển dày như tấm thảm nhung. Trên Gành Đèn có ngọn hải đăng chỉ lối để tàu bè ra vào vịnh. Phía tây núi Cây Me là cửa Tiên Châu, nơi sông Cái đổ vào vịnh. Dưới thời nhà Nguyễn, đây là một hải cảng và là căn cứ thủy quân. Tiên Châu là một trong những làng biển cổ ở Phú Yên, hiện còn giữ một số sắc phong có từ thời các vua triều Nguyễn. Phía đông cửa Tiên Châu là bãi Bình Sa nằm lọt giữa lòng vịnh Xuân Đài, một bên là sông Bình Bá. Bãi Bình Sa được bao phủ bởi rừng dương xanh, quanh năm rì rào gió biển. Ở chân núi Cấm có một gành đá lớn màu trắng hồng, có tên là Gành Đỏ. Dưới chân núi Hòn Bồ và Mù U có các bãi Lỗ Tra, bãi Than, bãi Nhàu, bãi Bàng diện tích tuy không lớn, nằm biệt lập nhau nhưng cát trắng mịn xen giữa các gành đá lớn, tạo nên cảnh quan rất đẹp.
Từ Gành Đỏ đến gành Cây Sung là làng An Thạnh, nhà ở san sát như một thị tứ nhỏ. Cư dân ở đây có nghề chế biến nước mắm nổi tiếng. Ngược lên phía bắc, bên bờ Vũng Lắm có làng Tân Thạnh rợp bóng dừa xanh, trước đây từng là trung tâm buôn bán sầm uất trong vùng. Đoạn từ gành Cây Sung đến mũi Cổ Cò (thuộc địa phận thị trấn Sông Cầu và xã Xuân Phương), bờ biển hình vòng cung rộng và dốc thoải, có nhiều khu dân cư đông đúc. Phía bờ bắc vịnh Xuân Đài là cánh đồng muối được hình thành từ lâu đời, gần đó có đèo Vận Lương. Tương truyền, đây là con đường vận chuyển lương thực trong cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh vào cuối thế kỷ thứ XVIII. Theo tư liệu tại Bảo tàng Phú Yên, năm 1832 tại vịnh Xuân Đài đã diễn ra một hoạt động ngoại giao lịch sử. Khi đó, phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ mang thư của tổng thống nước này đến vịnh gặp gỡ Ngoại lang Nguyễn Tri Phương (do vua Minh Mạng cử đến) để xin “giao hảo thông thương”. Vịnh Xuân Đài trở thành nơi bang giao đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
ĐẢO NHẤT TỰ SƠN
Nhất Tự Sơn là hòn đảo đẹp nhất trong vịnh Xuân Đài, thuộc phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu. Đảo có thế nằm giống như chữ “Nhất” trong tiếng Hán nên gọi là Nhất Tự Sơn. Đảo như một khu vườn nguyên sinh, sườn phía tây bờ dốc thoai thoải, sườn phía nam vách đá hiểm trở có rất nhiều cây mai. Người dân trong vùng từ xưa xem Nhất Tự Sơn như vị thần trấn giữ cửa biển nên họ rất có ý thức giữ gìn, bảo vệ đảo. Phía đông của đảo phong cảnh đẹp nhờ sự xâm thực của sóng và gió biển mài mòn, khoét sâu vào lòng núi những hang động sâu, nhiều ngóc ngách, có thể chứa hàng trăm người. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hang Dơi là nơi trú ẩn của bộ đội và du kích địa phương.
Với diện tích khoảng 6 ha, Nhất Tự Sơn nằm cách đất liền khoảng 300m, được nối với bờ bằng một doi cát, khi thủy triều xuống người ta có thể lội nước hoặc đi bộ ra đảo. Xung quanh Nhất Tự Sơn là ghe, thuyền và những nhà bè nuôi tôm hùm nối nhau trên mặt biển. Khu du lịch sinh thái Nhất Tự Sơn vừa được xây dựng có diện tích hơn 29 ha. Đảo Nhất Tự Sơn vừa là khu du lịch vừa là tấm bình phong nằm ngoài biển, che chắn sóng gió cho các làng chài trong những ngày mưa bão, để trời yên gió lặng họ lại vượt sóng vươn khơi, bám biển xây dựng quê hương. (*)
Thế Nhàn
(*) Bài viết tham khảo dulichphuyen.info
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065