Ông Phan Hiếu Liêm ở ấp 5, xã Đồng Nai (Bù Đăng) năm nay 65 tuổi. Ông từ Tây Ninh sang Bình Phước định cư năm 2004, vào mùa mưa nào ông cũng dành thời gian “ghé thăm” những cây dâu da rừng quanh rẫy nhà. Ông nói: “Thời gian đầu tôi chỉ hái cho các con ăn vui. Sau đó ăn không hết, gia đình ngâm nước uống. Thấy có thể làm nước giải khát, lại để quanh năm không bị hỏng nên cứ đến mùa là tôi hái nhiều hơn”.
Vui mùa dâu da rừng của gia đình ông Phan Hiếu Liêm, ở ấp 5, xã Đồng Nai (Bù Đăng)
Ông Liêm dẫn chúng tôi vào khu vực rừng phòng hộ xã Đồng Nai. 5 cây dâu da rừng ven rẫy của gia đình ông, cạnh bưng nhỏ, có khá nhiều trái. Trên cây, phía thân và một số cành to vừa mới thu hái trái, ông Liêm chỉ những cành thấp phía bưng nói: “Chỉ hái khoảng mươi phút sẽ có 20kg dâu”. Quanh mỗi gốc, cỏ dại được ông phát gọn trước đợt thu cách nay 1 tuần bắt đầu mọc những ngọn tươi non. Ông Liêm cho biết, trong những cây dâu da rừng, cây cao 6m đã 17 năm tuổi cho trái nhiều, to và ngọt hơn. Rồi như con sóc rừng, ông Liêm leo nhanh lên cây bứt xuống từng chùm dài, trái căng mướt, vàng tươi.
Dâu da rừng có từ Bắc chí Nam, vị ngọt dôn dốt. Tuy nhiên, ở mỗi nơi có cách sử dụng khác nhau. Tại Bình Phước mới biết đến giá trị gỗ và trái ngâm nước sử dụng quanh năm. Ở một số tỉnh tại miền Tây, Đồng Nai, đã có nhiều nông dân trồng chuyên canh dâu da, thu hoạch bình quân 2-3 tạ/cây, với 5-7 triệu đồng/vụ/cây. Trái còn có nhiều chất xơ, có thể ngăn ngừa táo bón, tiêu chảy; giàu vitamin B, chất chống ôxy hóa nên phụ nữ ưu tiên lựa chọn. Theo kinh nghiệm sử dụng nhiều năm của bà Loan (chị vợ ông Liêm): “Lá dâu giã nhỏ, cho chút giấm có thể chữa sưng tấy, mụn nhọt”. Hiện ông Liêm cũng như nhiều hộ dân xã Đồng Nai bán dâu tại nhà với giá 15 ngàn đồng/kg (gọi là công hái). Còn giá tiểu thương bán ở chợ huyện, chợ Đồng Xoài hay dọc ven đường các huyện Bù Đăng, Bù Đốp là 25 ngàn đồng/kg. Tính ra mỗi lần tranh thủ đi làm rẫy hái dâu da, ông Liêm thu 400-500 ngàn đồng.
Ngồi trước những bọc dâu vừa hái, bà Loan chọn từng dây dâu đẹp, dài, khéo tay dùng dây thun quấn quanh tạo từng chùm to, trĩu trái. Bà Loan chia sẻ: “Những chùm dâu này vận chuyển xa ít bị hỏng, rơi trái”. Xong xuôi, bà dùng dao Thái tách đôi vỏ từng trái của bọc dâu còn lại cho vào chai. Khi chai gần đầy, bà cho thêm đường vào lắc nhẹ (như ngâm các loại trái sấu, chanh...). Bà Loan khẳng định thêm: “Nước dâu da rừng ngâm đường uống ngọt mát, thơm hơn nhiều với nước chanh. Trái dâu này mang sang Tây Ninh làm quà”.
Mùa mưa, mùa của bao loại trái cây rừng như: chôm chôm, chuối, dâu da... Trên đường về thị xã, chúng tôi vẫn thấy thấm mãi ở lưỡi vị ngọt đằm, dịu mát của nước dâu da rừng được ngâm từ mùa trước. Bất giác tôi nhớ đến 4 câu thơ của nhà thơ Đặng Huy Giang: “Vẫn chưa là buổi chiều/Nắng chưa vàng mé nước/Sương thì đang đọng giọt/Hoa nở đều như khoe”.
Trung Nhân
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065