Bài 2: Luôn sống cùng bệnh nhân
Hơn 10 năm gắn bó với bệnh nhân chạy thận nhân tạo, với bác sĩ Chung, niềm vui lớn nhất là cứu người bệnh, giúp họ vượt qua cơn đau, kéo dài sự sống. Vì vậy, đối với bệnh nhân nghèo, không có tiền chữa trị, bác sĩ Chung kêu gọi mọi người giúp đỡ.
Hết lòng vì bệnh nhân
Bác sĩ Chung kể, ngày còn học cấp 3, lúc bố bị bệnh, tôi đưa ông đến bệnh viện khám. Gặp bác sĩ, tôi nói: “Bố em bị bệnh nên đưa đi khám thử xem”, lúc đó ông bác sĩ cười và đáp lại “ở đây khám thật chứ không khám thử”. Câu nói đó đã thôi thúc tôi quyết định phải theo nghề này. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp cấp 3 tôi thi và theo học ngành y tại Đại học Tây Nguyên.
Tốt nghiệp năm 1998, bác sĩ Chung về công tác tại khoa Nội - Nhi - Nhiễm của Bệnh viện đa khoa tỉnh. Năm 2004 được cử đi học 2 năm chuyên khoa Nội tiết tại Trường đại học Y dược (TP. Hồ Chí Minh) và trở về khoa Nội công tác sau khi hoàn thành khóa học. Năm 2008, khi bệnh viện tỉnh mở Trung tâm CTNT, bác sĩ Chung được chuyển sang công tác tại đây cho đến nay.
Bác sĩ Lê Thành Chung luôn hết lòng vì bệnh nhân
Kể lại những kỷ niệm trong nghề, bác sĩ Chung vẫn nhớ như in trường hợp anh Phạm Văn Vũ ở xã Tân Phước (Đồng Phú). Cuối năm 2009, anh Vũ phát hiện bệnh đã ở giai đoạn cuối, còn người con mang căn bệnh lupus ban đỏ, nguy cơ sau này sẽ bị suy thận giống bố. Sợ làm khổ vợ con, anh Vũ bỏ xuống Bình Dương không cho người nhà biết. Bác sĩ Chung kể: “Thấy vợ con anh Vũ khóc lóc gọi điện cho tôi, tôi gọi điện cho anh động viên về điều trị nhưng anh không nghe máy. Đến 23 giờ, tôi nhận điện thoại và nghe giọng anh nặng nhọc “em mệt lắm anh à, không chịu nổi nữa rồi”. Tôi đã thuyết phục được anh từ Phú Giáo (Bình Dương) quay về chạy thận. Tôi cùng điều dưỡng thực hiện ca CTNT cho anh Vũ lúc 12 giờ đêm. Thấy bệnh nhân dần dần hồi phục sau khi lọc máu, tôi rất vui. Và từ đó đến nay, anh Vũ vẫn chạy thận đều đặn 3 ca/tuần”. Anh Vũ nói: “Nếu không có bác sĩ Chung thì mồ tôi đã xanh cỏ rồi. Gia đình tôi rất biết ơn bác sĩ”.
Công việc của một bác sĩ ở trung tâm thường bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào 22 giờ cùng ngày. Vì vậy, làm nghề này phải có tâm huyết và hết lòng vì người bệnh. Trung bình một ca chạy thận kéo dài 3,5-4 giờ đồng hồ. Do đó, những người làm ở trung tâm không biết đến ngày nghỉ là gì. Thứ Bảy, Chủ nhật, lễ tết, bác sĩ và điều dưỡng vẫn phải có mặt để chạy thận cho bệnh nhân. Bác sĩ Chung nói: “Chúng tôi nghỉ một ngày là sự sống của bệnh nhân ngắn lại một ngày. Một bệnh nhân nếu ngừng chạy thận, tùy vào thể trạng mỗi người mà sự sống chỉ kéo dài được khoảng 2 tuần.
Kêu gọi chung tay vì bệnh nhân nghèo
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, đối với những bệnh nhân nghèo, khó khăn phải chuyển đến các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, bác sĩ Chung đều trực tiếp liên hệ với hội từ thiện của bệnh viện xin hỗ trợ, mỗi ca 2 triệu đồng (trung bình một tháng hỗ trợ khoảng 15 ca). Là một trong những người được hỗ trợ, chị Hoàng Thị Kim Ngọc ở xã Lộc Quang (Lộc Ninh) cho biết: “Trong lúc khó khăn, được các bác sĩ nhiệt tình chăm sóc và hỗ trợ tiền chữa bệnh, tôi rất cảm kích”.
Để giúp đỡ bệnh nhân nghèo, khó khăn, bác sĩ Chung thống kê danh sách, sau đó liên hệ với Trung tâm Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh nhờ hỗ trợ. Nhờ vậy, người bệnh thường được trung tâm hỗ trợ tiền mặt hay liên hệ với các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm, doanh nghiệp xây tặng nhà tình thương nếu khó khăn về nhà ở. Năm 2014, trung tâm đã hỗ trợ 1 bệnh nhân xây nhà tình thương và 2 bệnh nhân được hỗ trợ tiền mặt. Mỗi bệnh nhân được hỗ trợ từ 20-35 triệu đồng.
Anh Phạm Văn Vũ được hỗ trợ 25 triệu đồng cho biết: “Gia đình khó khăn, được bệnh viện quan tâm, trung tâm bảo trợ hỗ trợ nên vợ chồng tôi không biết lấy gì đền đáp. Số tiền này tôi dùng trả tiền viện phí và mua thuốc cho con”. Anh Nguyễn Trường Sơn ở xã Phú Riềng (Bù Gia Mập) cho hay: “Ngoài 34 triệu đồng tiền mặt do trung tâm hỗ trợ, tôi còn được Công ty TNHH MTV Mỹ Lệ hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà tình thương. Vợ con có nơi ăn chốn ở đã giúp tôi yên tâm điều trị bệnh”.
Không chỉ tìm các nhà hảo tâm giúp đỡ bệnh nhân nghèo, bác sĩ Chung còn trực tiếp giúp bệnh nhân khó khăn, ở xa có tiền đi lại, ăn uống mỗi khi về chạy thận. Anh Điểu Khét, một bệnh nhân khó khăn đang được bác sĩ làm các thủ tục xin miễn tiền viện phí và hỗ trợ tiền xe, ăn uống, bác sĩ Chung chia sẻ: “Dù số tiền không lớn nhưng có thể giúp anh Khét được phần nào. Tôi mong có nhiều người cảm thông và chia sẻ, giúp đỡ bệnh nhân nghèo được sống gần người thân thêm ngày nào tốt ngày đó”.
Thùy Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065