Giữa tháng 3-2014, một số người dân ở thôn Bình Hiếu, xã Bình Tân (Bù Gia Mập) đã thông tin qua đường dây nóng của Báo Bình Phước về một vụ cưỡng đoạt tài sản diễn ra giữa ban ngày. Nạn nhân trong vụ cưỡng đoạt là một doanh nghiệp chế biến hạt điều và nguyên nhân bắt đầu từ chuyện vay vốn kinh doanh với lãi suất “cắt cổ”. Khi phóng viên đến hiện trường tìm hiểu đã phát hiện những tình tiết phức tạp liên quan đến vụ việc nói trên.
VÌ SAO DOANH NGHIỆP XUÂN MAI
BỊ “NIÊM PHONG” TÀI SẢN?
Thông tin từ người dân cho biết, chiều ngày 15-3-2014, trong khi chủ Doanh nghiệp tư nhân Xuân Mai vắng nhà thì vợ chồng ông Lưu Lê Văn - bà Bùi Thị Thúy Diệu ở cùng thôn và 15 người khác đã đến kho, xưởng của doanh nghiệp cắt khóa, phong tỏa kho bãi, bốc dỡ hàng hóa đi nơi khác. Người dân cho biết thêm, vụ việc diễn ra chóng vánh trước sự chứng kiến của trưởng và phó Công an xã Bình Tân.
Vợ chồng bà Mai trình bày vụ việc với phóng viên Báo Bình Phước
Bà Lâm Thị Xuân Mai (45 tuổi), chủ Doanh nghiệp tư nhân Xuân Mai khẳng định vụ cưỡng đoạt là thật, hiện gia đình bà đang làm đơn tố cáo hành vi của vợ chồng ông Văn - bà Diệu lên cơ quan chức năng. Bà Mai cho biết thêm: “Tổng giá trị tài sản mà vợ chồng ông Văn tự ý bao chiếm của chúng tôi khoảng 5 tỷ đồng, kể cả nhà kho, nhà xưởng, dây chuyền chế biến hạt điều. Từ đó tới nay, chúng tôi không còn phương tiện sản xuất. Hàng hóa bị họ chuyển đi nên bây giờ chúng tôi trắng tay dù đang vào mùa sản xuất - kinh doanh hạt điều”.
Vợ chồng ông Văn - bà Diệu cho rằng: Lời tố cáo của Doanh nghiệp Xuân Mai là bịa đặt hoàn toàn. Ai đó ghen ăn tức ở nên mới gọi cho cơ quan báo chí, vì chúng tôi chỉ lấy lại những gì thuộc về mình. Chúng tôi khóa kho, niêm phong nhà xưởng vì đó là tài sản của vợ chồng tôi. Còn hạt điều nằm trong kho tôi mời công an xã đến cân để biết khối lượng và trả lại cho bà Mai.
Bà Mai cho biết: Diện tích khu sản xuất của Doanh nghiệp Xuân Mai có chiều ngang 11m, dài 135m là phần đất do mẹ chồng tôi cho. Vợ chồng tôi đầu tư xây dựng cả nhà kho lẫn xưởng sản xuất có diện tích 7x12m, cùng 13 phòng trọ cho công nhân ở. Theo bà Mai, để có vốn mở rộng sản xuất, năm 2008 bà Mai vay của vợ chồng ông Văn 2 tỷ đồng với lãi suất 6% tháng. Đến tháng 4-2012, bà trả cho bà Diệu hơn 6,1 tỷ đồng lãi và 900 triệu đồng tiền vốn. Cũng thời điểm này, bà Mai tiếp tục thế chấp nhà xưởng, cơ sở sản xuất của mình để vay ông Văn thêm 3 tỷ đồng với lãi suất 6% tháng, thời hạn vay là 5 năm. Nếu sau 5 năm bà Mai không trả được tiền thì số nợ cũ 1,1 tỷ đồng cộng vào số nợ mới thì tổng nợ là 4,1 tỷ đồng được bảo đảm bằng giá trị toàn bộ khu nhà xưởng. Trong thời hạn vay tiền, bà Mai sử dụng toàn bộ khu nhà xưởng, còn ông Văn cầm giấy chủ quyền khu đất. “Từ khi vay tiền cấn xưởng đã trả ông Văn hơn 1 tỷ đồng vào tháng 6 và tháng 8-2013, nhưng không hiểu sao khu sản xuất của tôi lại bị cưỡng chế” - bà Mai đặt câu hỏi.
Bà Diệu nói: “Thực chất, bà Mai đã bán lại xưởng cho vợ chồng tôi ngay mấy ngày sau khi cầm cố. Nay tôi ra giấy chủ quyền sử dụng đất. Còn khu nhà xưởng bà Mai đang sử dụng là vợ chồng tôi cho thuê tạo điều kiện cho bà Mai làm ăn. Từ ngày mua bán đến nay chưa nhận được một đồng thuê nào từ bà Mai nên tôi phải lấy lại tài sản của mình. Đòi không trả thì tôi cưỡng chế chứ không phải cưỡng đoạt tài sản như dư luận ở Bình Tân đồn thổi. Trong khi đó, bà Mai tố cáo: “Lẽ ra, khi chúng tôi vắng nhà thì công an xã phải ngăn chặn hành vi của vợ chồng ông Văn, chờ làm sáng tỏ mọi vấn đề. Hơn nữa, trong việc cầm cố, chúng tôi chỉ cầm nhà xưởng chứ không phải cầm phương tiện sản xuất và nguyên liệu hạt điều. Nay họ lấy hết, chở hàng của chúng tôi đi đâu không rõ và họ đang rao bán nhà xưởng, kho bãi”.
CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM PHÁP LUẬT
Khi chúng tôi đến, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Bình Tân cho biết: “Chúng tôi vừa mới nhận được đơn của bà Mai và đang nghiên cứu hướng giải quyết”. Nói về vai trò của Trưởng và Phó công an xã trong vụ việc, ông Đoàn Tiến Tỉnh, Trưởng công an xã xác nhận có đến hiện trường với ông Tùng - Phó công an xã. “Nhưng xuống là do dân báo có vụ gây rối về an ninh trật tự nên chúng tôi đi xử lý và yêu cầu mọi người giải tán”. Về vụ việc, ông Tỉnh cho hay: Khi chúng tôi đến, mọi người đang kiểm kê số hạt điều trong kho để trả cho bà Mai, tất cả chỉ hơn 500kg chứ không phải 20 tấn như đơn tố cáo.
Ông Đặng Hà Giang, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước cho biết: “Để xác định vấn đề cho vay nặng lãi hay không thì tòa án mới là cơ quan có thẩm quyền phán quyết. Việc phán quyết của tòa phải xem xét vượt bao nhiêu phần trăm so lãi suất do ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm cho vay. Trong khi đó, tại Khoản 1, Điều 163 của Bộ luật Hình sự quy định về hành vi cho vay lãi nặng: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 đến 10 lần tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm”.
|
Được biết, ngày 21-3 vừa qua, UBND xã Bình Tân đã tổ chức buổi hòa giải nhưng không thành. Bà Mai cho biết: Tôi tố cáo vợ chồng ông Văn về việc cho vay nặng lãi và chiếm đoạt kho xưởng là hành vi vi phạm luật hình sự, nhưng không hiểu sao UBND xã lại chuyển thành vụ tranh chấp dân sự qua buổi hòa giải.
Qua nghiên cứu vụ việc, luật sư Hoàng Minh Quang, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư Bình Phước cho rằng, loại trừ việc mua bán nhà xưởng giữa hai bên, sau đó cho bà Mai thuê lại là có thật, thì việc vợ chồng ông Văn tự ý cắt khóa, đóng kho của bà Mai đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, nếu bà Mai thuê sân bãi thì sẽ hợp đồng bằng văn bản hoặc thỏa thuận với nhau bằng miệng và thực tế bà Mai đã sử dụng kho xưởng từ trước tới nay. Nếu ông Văn - bà Diệu muốn chấm dứt hợp đồng phải bàn bạc thương lượng đi tới thỏa thuận thống nhất với bà Mai chứ không tự ý đến “cưỡng chế” như trên. Việc tự cưỡng chế này đã có dấu hiệu vi phạm luật hình sự.
Qua vụ việc cho thấy vẫn còn nhiều khe hở trong quan hệ giao dịch dân sự (vay mượn tiền, cầm cố thế chấp tài sản không tuân thủ pháp luật), nhất là việc “tự xử”, xem nhẹ vai trò của chính quyền cơ sở hiện nay của người dân dẫn tới những hậu quả khó lường. Theo một cán bộ của UBND xã Bình Tân, Ban hòa giải của xã và các bên liên quan đồng ý chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng giải quyết.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065