Mục đích chính của chuyến thăm này là thúc đẩy việc ký kết một loạt hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hơn một tỷ ơ-rô giữa hai bên.
“Điểm cộng” cho ngành chế tạo vũ khí Pháp
Trong khuôn khổ chuyến thăm Ai Cập, Tổng thống Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ đã chứng kiến lễ ký kết một loạt hợp đồng vũ khí trị giá hơn một tỷ USD. Theo đó, hãng đóng tàu DCNS và Tập đoàn Thales của Pháp đã giành được hợp đồng bán cho Ai Cập 4 tàu chiến, trong đó có hai tàu hộ vệ lớp Gowind, 1 tàu tuần tra Adroit và 1 tàu tuần tra lớp P400 dài 54m của hãng Piriou. Tổng trị giá hợp đồng lên tới 600 triệu ơ-rô.
Tàu hộ vệ lớp Gowind do Cục Công nghiệp đóng tàu Pháp thiết kế, DCNS chịu trách nhiệm chế tạo. Gowind dài 106m, rộng 16m, có lượng giãn nước 2.600 tấn.
Tàu hộ vệ lớp Gowind của Pháp sẽ được biên chế vào các đội tàu của Ai Cập trong thời gian tới. Ảnh: meretmarine.com.
Tàu hộ vệ lớp "Gowind" sử dụng hệ thống quản lý chiến đấu SETIS của tàu hộ vệ đa năng FREMM, có khả năng chỉ huy tác chiến trên không, các tàu mặt nước và chống ngầm. Tàu được trang bị tên lửa chống hạm Exocet MM40 8 Block3, 16 tên lửa đất đối không VL Mica, một tháp pháo 76mm; hệ thống ra-đa có thể phát hiện máy bay tàng hình SMART-S Mk2 3D, máy bay trực thăng Eurocopter EC725 Super Cougar và 1 chiếc UAV trinh sát… Bên cạnh đó, tàu hộ vệ lớp Gowind còn có khả năng tàng hình nhờ thiết kế vỏ tàu có tác dụng làm giảm diện tích phản xạ ra-đa cùng các biện pháp giảm tiếng ồn tối đa, giúp con tàu có hiệu suất tác chiến trên mặt nước rất cao.
Ngoài ra, tập đoàn Airbus và Thales của Pháp cũng ký một thỏa thuận để bán cho Ai Cập một vệ tinh viễn thông quân sự trị giá 600 triệu ơ-rô. Một thỏa thuận khác cũng quan trọng không kém là việc Tập đoàn Dassauld của Pháp sẽ cung cấp cho Cai-rô 4 máy bay chở khách cỡ nhỏ loại Falcon 7X với giá khoảng 300 triệu ơ-rô. Số máy bay này được nhằm để thay thế các máy bay do Mỹ sản xuất mà chính phủ Ai Cập đang sử dụng.
Với việc ký một loạt hợp đồng bán vũ khí cho Ai Cập, các nhà chế tạo vũ khí Pháp đã ghi “điểm cộng” khi mang về cho nước Pháp một khoản tiền lớn cũng như tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong thời gian tới.
Đa dạng hóa nguồn vũ khí
Hợp tác quân sự giữa Ai Cập và Pháp trở nên nồng ấm trong hai năm vừa qua, trái ngược hoàn toàn với quan hệ giữa Mỹ và Ai Cập. Sau cuộc cách mạng ở Cai-rô ngày 30-6-2013, Oa-sinh-tơn đã đình chỉ một phần viện trợ quân sự cho Ai Cập, đồng thời trì hoãn việc bàn giao các thiết bị quân sự cho quốc gia Bắc Phi này, trong đó có nhiều loại vũ khí phục vụ cho cuộc chiến chống khủng bố trên bán đảo Sinai. Điều này buộc Cai-rô phải tìm kiếm các đối tác khác để thay thế. "Sự hợp tác quân sự với Pháp rất quan trọng đối với Ai Cập. Người Pháp bàn giao các thiết bị quân sự nhanh chóng và không gây khó dễ khi thực hiện các thỏa thuận. Điều này không phải tất cả các nước đều làm được”, Tướng Hi-sam An Ha-la-bi (Hisham Al-Halabi), Cố vấn Học viện Quân sự Nasser khẳng định.
Hợp tác quân sự giữa Ai Cập và Pháp bao gồm các lĩnh vực như đào tạo, cung cấp trang thiết bị và đối thoại chiến lược... Theo chuyên gia quân sự Ai Cập, ông Ta-la-át Mo-xa-lam (Talaat Mossallam), Ai Cập quan tâm đến việc hợp tác quân sự với Pháp vì hai lý do chính. Thứ nhất, Cai-rô muốn đa dạng hóa các nguồn vũ khí của mình sau khi rơi vào tình trạng “đóng băng” với Mỹ. Thứ hai, Ai Cập muốn tiếp thu kinh nghiệm quân sự từ một cường quốc như Pháp. Việc mua vũ khí của Pháp sẽ giúp Ai Cập tăng cường khả năng chống khủng bố trên bán đảo Sinai nhiều bất ổn.
Tờ La Tribune (Pháp) cho biết, Ai Cập là một trong số 20 khách hàng hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực vũ khí. Từ năm 2010 đến năm 2014, Pháp đã cung cấp các thiết bị quân sự trị giá 243 triệu ơ-rô cho Ai Cập. Thế nhưng, hợp tác quốc phòng giữa hai nước đã được thắt chặt kể từ năm 2014 sau khi hai bên ký kết nhiều hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hàng tỷ ơ-rô. Tháng 2-2015, Ai Cập mua 24 máy bay chiến đấu Rafael, tàu khu trục nhỏ và tên lửa của Pháp trị giá 5,2 tỷ ơ-rô. Tháng 10 năm ngoái, Pháp cũng bán 2 tàu chiến Mistral cho Hải quân Ai Cập, sau khi hủy bỏ thỏa thuận với Nga. Dự kiến, đến năm 2020, Ai Cập sẽ sở hữu đội tàu gồm 7 tàu hộ tống đa năng lớp FREMM của Pháp.
Nguồn QĐND
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065