ĐẠI GIA ĐÌNH RA TÒA VÌ GIẤY CHỨNG NHẬN
QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT BẤT MINH
Năm 1986, ông Trần Kim Cảnh, SN1960, quê Nghệ An, vào xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh lập nghiệp. Ông Cảnh được ông Trần Xuân Quýnh, khi đó làm ở Công an huyện Lộc Ninh (sau chuyển về Công an tỉnh công tác) xin cho một thửa đất lâm nghiệp khoảng 4 ha ở ấp 9, xã Lộc Hưng, nay là ấp Đồng Tâm, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh để canh tác. Năm 1987, vợ chồng ông Cảnh bắt đầu khai hoang, làm nhà và trồng điều. Lúc ấy, khu vực này còn hoang vu, ngoài vợ chồng ông Cảnh, chỉ có 12 hộ dân kinh tế mới từ tỉnh Hà Nam Ninh cũ vào lập nghiệp.
Ông Cảnh trước căn nhà và thửa đất do mình khai hoang, sử dụng từ năm 1987 nhưng lại bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên buộc giao cho người khác
Năm 1992, cha ông Cảnh là Trần Kim Liên, SN1927, ở Nghệ An vào Lộc Hưng cưới chồng cho con gái là Trần Thị Công, SN1967. Xong việc, ông Liên về quê. Năm 1998, anh trai ông Cảnh là Trần Kim Khiếm làm việc ở Ngân hàng Nông nghiệp huyện Lộc Ninh bị tai nạn tử vong. Ông Khiếm chưa lập gia đình riêng, có một căn nhà gỗ ở thị trấn Lộc Ninh, nên ông Cảnh chuyển căn nhà gỗ này về thửa đất khai hoang để làm nơi thờ cúng anh trai. Năm 2001, ông Liên vào ở với vợ chồng ông Cảnh, được 2 tháng thì chuyển sang ở trong căn nhà gỗ thờ ông Khiếm. Sau đó, ông Liên gọi hai người em của ông Cảnh là bà Công và ông Trần Kim Hồng (SN1971) cũng đang làm ăn, sinh sống ở xã Lộc Hưng về ở cùng. Vì là cha con, anh em ruột thịt nên vợ chồng ông Cảnh đồng ý đại gia đình cùng ở trên thửa đất để tối lửa tắt đèn có nhau. Sau này, vợ chồng ông Cảnh mở rộng đầu tư làm ăn ở khu vực khác trong xã, nay thuộc ấp Cần Lê, xã Lộc Thịnh nhưng vẫn thường xuyên qua lại căn nhà cũ và nhà mới để canh tác, trông coi vườn rẫy.
Tháng 7-2011, phát hiện ông Hồng đưa người vào cưa 30 cây điều do mình trồng ngày mới vào lập nghiệp năm 1987 nên ông Cảnh bức xúc. Nói chuyện với em trai không xong, ônh Cảnh làm đơn gửi lên chính quyền xã nhờ can thiệp. Sau khi làm việc với chính quyền xã, vợ chồng ông Cảnh bất ngờ biết thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận đứng tên ông Liên từ... năm 1996. Ông Cảnh làm đơn xin photo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xem thực hư thế nào thì giật mình khi biết thửa đất đã được cấp lại giấy chứng nhận lần thứ 2 vào năm 2002 và cũng đứng tên ông Liên.
Trong khi đó, bà Công và ông Hồng cho rằng: Năm 1990, ông Liên vào sinh sống với các con. Khi bà Công lấy chồng thì về nhà chồng ở. Sau khi chồng chết, năm 2000 bà Công lại quay về sinh sống cùng ông Liên tại căn nhà gỗ thờ cúng ông Khiếm. Cũng trong năm 2000, ông Hồng lập gia đình riêng và cất một căn nhà trên thửa đất mà vợ chồng ông Cảnh đã canh tác từ năm 1986. Thửa đất khoảng 4 ha tranh chấp do ông Khiếm khi còn sống xin cho cả gia đình canh tác, lập nghiệp, sau đó ông Cảnh chuyển đến ấp Cần Lê sinh sống nên không còn quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến thửa đất.
Giải quyết trong phạm vi gia đình và hòa giải không thành, vợ chồng ông Cảnh làm đơn đề nghị tòa án giải quyết.
QUÁ NHIỀU BẤT THƯỜNG TRONG MỘT VỤ ÁN
Ngày 17-9-2014, tại phiên tòa sơ thẩm, căn cứ lời khai của đương sự và các nhân chứng, chứng cứ liên quan, Tòa án nhân dân huyện Lộc Ninh đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Cảnh, tuyên hủy hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Liên, buộc ông Liên giao lại toàn bộ thửa đất có diện tích 37.731m2 cùng toàn bộ tài sản trên đất cho vợ chồng ông Cảnh sử dụng. Tòa cũng tuyên buộc ông Hồng phải bồi thường 30 triệu đồng vì cưa 30 cây điều của vợ chồng ông Cảnh, ghi nhận sự tự nguyện của vợ chồng ông Cảnh hỗ trợ ông Hồng tổng cộng 306,16 triệu đồng tiền xây dựng các công trình trên đất.
Ông Liên, ông Hồng và bà Công kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 16-9-2015, tại phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán Nguyễn Đức Hùng, khi đó là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh, nay là Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú làm chủ tọa đã tuyên hoàn toàn ngược lại với bản án của Tòa án nhân dân huyện Lộc Ninh. Đó là tạm giao toàn bộ thửa đất cùng tài sản trên đất cho ông Hồng, ông Liên và bà Công sử dụng, đồng thời có quyền liên hệ với cơ quan chức năng để làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (phiên tòa tuyên hủy hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Liên năm 1996 và 2002); vợ chồng ông Cảnh được thanh toán lại 52,106 triệu đồng tiền xây dựng một số công trình trên thửa đất.
Ngay từ khi hồ sơ vụ việc được tập hợp đầy đủ, vợ chồng ông Cảnh đã phát hiện ra quá nhiều điều không bình thường trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất do mình khai hoang mà lại đứng tên cha mình, đồng thời đưa ra nhiều bằng chứng chứng minh sự thật vợ chồng ông là người khai hoang, dựng nhà, sử dụng thửa đất từ trước đến nay. Cụ thể:
Thời điểm năm 1996, toàn bộ khu vực này đều thuộc đất lâm nghiệp và ông Cảnh cũng như những hộ dân đầu tiên đến khai hoang trong khu vực đều không thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Thế nhưng thửa đất do ông Cảnh khai hoang lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho ông Liên. Thứ hai là họ tên người kê khai trong đơn xin cấp là Trần Kim Liên nhưng ký tên là Trần Kim Khiếm. Trong lần cấp đổi lại, ngày 12-9-2001 ông Liên làm đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất, ngày 7-11-2001 được UBND xã xác nhận đủ điều kiện và đến ngày 6-10-2003 mới được Trưởng phòng Nông nghiệp - Địa chính huyện Lộc Ninh chấp thuận. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào, ông Liên lại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 7-5-2002?!
Một đại gia đình từng quây quần, đùm bọc nhau thuở còn gian khó khiến bà con lối xóm kính trọng, quý mến, giờ xáo trộn đến mức phải “đáo tụng đình”. Trong câu chuyện đáng tiếc này, phía sau sự tham lam, ích kỷ nhất thời giữa những người ruột thịt từng được nhường cơm sẻ áo, còn là sự bất nhất của những người “cầm cân nảy mực” theo kiểu “bà huyện xét một đường, ông tỉnh tuyên một nẻo” khiến vụ việc càng thêm rắc rối. Và dù ai thắng hay thua tại phiên tòa hy hữu này cũng đều là sự mất mát rất lớn. Đó là sự tan vỡ của một đại gia đình! |
Khi ông Quýnh còn sống đã hai lần khai với tòa án, đồng thời làm giấy xác nhận là người trực tiếp xin 4 ha đất cho vợ chồng ông Cảnh canh tác, làm nhà năm 1987. Vợ chồng ông Cảnh còn giữ lại giấy cơ quan chức năng thông báo nộp thuế sử dụng thửa đất các năm 1996, 1998, 2000, 2004-2006 và biên lai thu thuế năm 2007, 2008... Phiên tòa phúc thẩm cũng xác nhận lời khai của một số người làm chứng vợ chồng ông Cảnh khai hoang thửa đất từ năm 1987. Trích lục bản đồ của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Lộc Ninh cung cấp cho tòa án ngày 8-7-2013 cũng cho thấy hiện trạng thửa đất do ông Liên sử dụng 4.310m2, ông Hồng sử dụng 6.321m2, ông Cảnh sử dụng 26.700m2...
Thế nhưng, tất cả chứng cứ, lời khai của nhân chứng đó đã không được phiên tòa phúc thẩm chấp nhận. Ngược lại, phiên tòa phúc thẩm lại căn cứ vào lời khai của một số nhân chứng (thực tế thời điểm đó không sống liền kề thửa đất ông Cảnh khai hoang) khai không biết ai khai hoang, chỉ biết từ năm 1990 đến 1994 thấy ông Hồng, bà Công, ông Liên tới sinh sống, thu hoạch điều trên thửa đất, rồi khẳng định vợ chồng ông Cảnh... không phải là người khai hoang!?
Phiên tòa phúc thẩm cũng cho thấy thiếu thực tế khi căn cứ vào lời khai của vợ chồng ông Cảnh “xin đất Lâm trường Tà Thiết canh tác”, rồi lập luận năm 1990 Lâm trường Tà Thiết mới thành lập, đến năm 1999 đổi tên thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết nên không biết năm 1987 vợ chồng ông Cảnh xin đất canh tác của “đơn vị nào”! Các thông báo và biên lai nộp thuế sử dụng đất của vợ chồng ông Cảnh thì phiên tòa phúc thẩm cho rằng đó là thông báo và biên lai nộp thuế thửa đất ông Cảnh bán đi năm 2000 chứ không phải của thửa đất tranh chấp (thửa đất đã bán năm 2000 mà cơ quan vẫn thông báo và thu thuế ông Cảnh đến tận năm 2008?!).
PHÁP LUẬT PHẢI ĐƯỢC TÔN NGHIÊM
Sau khi có phán quyết của phiên tòa phúc thẩm, ông Cảnh đã lặn lội về quê xác nhận quá trình sinh sống, làm việc của cha mình (ông Liên trước khi nghỉ hưu làm việc tại Xí nghiệp chè Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Kết quả, tất cả hàng xóm, trưởng xóm, bí thư chi bộ 50 năm tuổi đảng, người cùng công tác, công an xã đều khẳng định năm 2001 ông Liên mới rời khỏi địa phương. Xí nghiệp chè Hạnh Lâm căn cứ sổ danh sách lao động của đơn vị cũng khẳng định những xác nhận này là đúng!
Từ các chứng cứ đó cùng với những bất thường trong bản án phúc thẩm và vụ việc phát sinh một số tình tiết mới, Tòa án nhân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý hồ sơ, đơn xin xét xử giám đốc thẩm của vợ chồng ông Cảnh. Hy vọng rằng vụ án sẽ được xét xử công minh, chính xác và giữ được sự tôn nghiêm của pháp luật.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065