Như Báo Bình Phước đã đưa tin, chiều 9-10-2011, sau khi uống rượu tại nhà, Điểu Phong (tên gọi khác là Điểu Bum, sinh năm 1990) rủ 3 người bạn cùng trú ấp Sóc Bưng, xã Thanh Phú sang nhà bà ngoại của mình là Thị Kép (SN1940) nhậu tiếp. Tại nhà bà Kép, nhóm của Phong gặp Điểu Sớm, Điểu Thơm và Điểu Ngưu đang uống rượu nên tất cả cùng nhập cuộc. Do say rượu nên Điểu Phong đã ói ra nhà.
Chiều tối cùng ngày, bà Kép đi mót mủ cao su về thấy Phong ói nên la mắng cháu. Bị bà ngoại rầy la, Phong bỏ sang nhà Điểu Chúc. Khoảng 4 giờ sáng 10-10-2011, nghe tiếng kêu cứu của bà Kép, Thị Giếng, Thị Hằng là con, cháu của bà Kép cùng Điểu Sớm chạy ra thì thấy bà Kép nằm bất tỉnh dưới nền đất. Sau đó, Phong ngồi sau xe máy ôm bà Kép để Điểu Sớm chở đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long. Nhưng bà Kép đã chết trên đường đi cấp cứu.
Vẫn chưa rõ hung thủ
Ngày 21-3-2013, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử Điểu Phong và Điểu Sớm. Tại tòa, Điểu Phong không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Còn Điểu Sớm lại khai trùng với cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và mong được giảm án. Vì vậy, hội đồng xét xử đã ra quyết định, tuyên bố xử phạt Điểu Phong tù chung thân vì phạm tội “Giết người”. Còn Điểu Sớm bị xử phạt 17 tháng tù vì tội “Không tố giác tội phạm”. Sau khi kết thúc phiên tòa, Điểu Phong đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trong đơn kháng cáo, Điểu Phong khẳng định không đâm chết bà ngoại. Phong khai, khi nghe vợ Điểu Chúc gọi dậy mới nghe tin nên chạy sang cùng Sớm đưa bà Kép đi cấp cứu. Trong khi đó, Điểu Sớm lại khai rằng, lúc mình tỉnh dậy thấy có người ôm và đâm bà Kép cứ tưởng là Phong nên lén vào giường giả vờ đi ngủ. Còn Thị Giếng, con gái bà Kép (dì của Phong) trình bày, khi nghe tiếng kêu cứu, bà là người đầu tiên chạy ra ôm mẹ khóc. Sau đó, là Thị Hằng, Điểu Sớm rồi đến Điểu Phong và Điểu Chúc chạy tới, ngoài ra bà không thấy ai khác. Luật sư bào chữa của Điểu Phong cho rằng, lời khai của Điểu Sớm có nhiều mâu thuẫn cần được làm rõ...
Từ những yếu tố nêu trên, người đại diện hợp pháp của bị hại là Thị Út, Thị Giếng (con gái của bà Kép) đã có đơn kháng cáo kêu oan cho Điểu Phong. Sau khi bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị hại có đơn kháng cáo kêu oan, ngày 27-6-2013, Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa hình sự phúc thẩm để xét xử vụ án và hội đồng xét xử đã ra quyết định tuyên hủy án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, chuyển trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra thụ lý lại vụ án.
Thân nhân bị hại tiếp tục kêu oan cho bị cáo
Trong quá trình điều tra lại, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã làm rõ thêm 5 vấn đề liên quan đến vụ án như tư thế của bà Kép lúc bị đâm; bà Kép có ăn trầu khi bị đâm hay không; con dao gây án có phù hợp với các vết thương trên thi thể bà Kép hay không; đối chất giữa Điểu Phong và Điểu Sớm; ai là người viết hộ lời khai cho Điểu Phong và thời gian gây án, tẩu tán hung khí, tắm rửa có trùng khớp hiện trường không...
“Theo Công văn số 2488/2017/CV-TACC ngày 10-3-2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh thì phiên tòa phúc thẩm dự kiến sẽ được tổ chức tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, do hai nhân chứng tuy đã được triệu tập nhưng vắng mặt nên phiên tòa phải tạm hoãn” - luật sư Nguyễn Thị Mỹ Anh, Đoàn luật sư Bình Phước, người được chỉ định bào chữa cho bị cáo Điểu Phong cho biết. |
Ngày 12-3-2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ra quyết định truy tố Điểu Phong về tội giết người, truy tố Điểu Sớm về tội không tố giác tội phạm. Ngày 19-7-2016, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm để xét xử vụ án. Tại phiên tòa, Điểu Phong không thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng đã truy tố. Còn Điểu Sớm lại thừa nhận hành vi phạm tội là không tố giác tội phạm như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.
Tuy nhiên, đối chiếu với các biên bản lời khai, trích bút lục và nhân chứng hiện trường, động cơ gây án... hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã ra quyết định tuyên phạt bị cáo Điểu Phong mức án tù chung thân vì phạm tội “Giết người”. Còn Điểu Sớm bị xử phạt 17 tháng tù vì tội “Không tố giác tội phạm”. Sau khi kết thúc phiên tòa, cả Điểu Phong cùng thân nhân bị hại là Thị Giếng và Thị Út cũng đã có đơn kháng cáo kêu oan cho bị cáo gửi Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ những tình tiết phức tạp của vụ án, dư luận tại Bình Phước rất mong cơ quan chức năng, nhất là tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới sớm tìm ra hung thủ thực sự của vụ án.
Nội Chính
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065