>> Bài 1: Cảnh giác trước cỗ máy của thế lực thù địch
HÃY ĐỨNG TRÊN ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH
BP - Kết quả nghiên cứu của Đại học Brussels, Vương quốc Bỉ và số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới cùng các báo cáo, bản phúc trình của chính chính phủ Việt Nam cộng hòa và Hoa Kỳ đã phản ánh đầy đủ nền kinh tế, xã hội miền Nam trước năm 1975. Và những số liệu so sánh với miền Bắc cũng như so sánh với Hàn Quốc đã trả lời đầy đủ, chính xác về câu hỏi nếu không giải phóng, kinh tế miền Nam có được như Hàn Quốc bây giờ.
KHOẢNG TRỐNG KHỔNG LỒ
Sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân năm 1968, quân đội Mỹ rút dần kéo theo chính quyền Việt Nam cộng hòa phải tự đảm đương nhiều hoạt động quân sự hơn, nên viện trợ từ Mỹ tăng nhưng vẫn không đủ, dẫn tới thâm hụt, lạm phát tiếp tục ở mức phi mã. Báo cáo kinh tế của chính phủ Việt Nam cộng hòa cho thấy năm 1970, lạm phát tới 36,8%, tăng dần tới năm 1973 là 44,5%. Trong những năm từ 1969-1971, một loạt biện pháp củng cố kinh tế được ban hành. Tuy nhiên, như đánh giá của chính chính phủ Việt Nam cộng hòa khi đó, nó giống như “cuộc chạy đua không ngừng giữa nạn lạm phát phi mã và những chương trình ổn định thụ động nối tiếp”.
Năm |
1956 |
1958 |
1960 |
1962 |
1964 |
1966 |
1968 |
1970 |
1972 |
1974 |
Miền Nam |
62 |
88 |
105 |
100 |
118 |
100 |
85 |
81 |
90 |
65 |
Miền Bắc |
40 |
50 |
51 |
68 |
59 |
60 |
55 |
60 |
60 |
65 |
Kết quả nghiên cứu của Đại học Brussels (Bỉ), thu nhập bình quân đầu người của 2 miền Bắc - Nam Việt Nam trong giai đoạn 1955-1975, đơn vị USD/người/năm
Khi quân đội Mỹ rút khỏi miền Nam, thị trường tiêu thụ các mặt hàng bị thu hẹp. Do đó, sản xuất công nghiệp tàn lụi dần. Tổng sản lượng công nghiệp năm 1972 giảm 5% so với năm 1971, đến năm 1973 giảm 22%, năm 1974 tiếp tục giảm 21%. Một loạt ngành công nghiệp giảm sút nghiêm trọng. Nếu so với năm 1962, năm 1974 sản lượng đồ sứ giảm 50%, vôi và xi măng giảm 84%, thủy tinh giảm 99%, đồ nhôm giảm 89%... Việc rút đi của hơn nửa triệu quân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ đã để lại một khoảng trống khổng lồ trong nền kinh tế của miền Nam. Khoản 4-5 tỷ USD hằng năm trước đây được lính viễn chinh Mỹ tiêu xài trong xã hội qua các dịch vụ mua sắm đã không còn. Số lượng công nhân làm ở các cơ sở của Mỹ năm 1971 là 100.000 người, đến tháng 12-1972 chỉ còn 10.000 người, tạo ra thất nghiệp hàng loạt...
Kết quả nghiên cứu của Đại học Brussels cho thấy khá rõ “sức khỏe” nền kinh tế ở 2 miền Nam - Bắc. Ở miền Bắc không có sự đột biến, nhưng ổn định. Ở miền Nam là sự trồi sụt và phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ. Nếu Mỹ giảm hay cắt viện trợ, kinh tế miền Nam như trái bóng bị xì hơi. Từ đó có thể rút ra trong 21 năm tồn tại chế độ Việt Nam cộng hòa, nền kinh tế miền Nam không có nội lực mà phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn tiền của người Mỹ. Đó là những yếu tố phân tích cho thấy nội lực nền kinh tế miền Nam trước năm 1975. Còn sự so sánh với Hàn Quốc và câu hỏi nếu không có ngày 30-4-1975?
TƯƠNG QUAN NÀO SO VỚI HÀN QUỐC
Về xuất phát điểm, có thể khẳng định kinh tế miền Nam Việt Nam không hơn, cũng không kém là bao so với Hàn Quốc thời điểm năm 1954. Bởi vì khi đó Hàn Quốc vừa trải qua cuộc nội chiến ác liệt với Triều Tiên, còn miền Nam Việt Nam cũng vừa trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp. Hàn Quốc và Việt Nam cộng hòa có một điểm chung là trong thời kỳ này đều dựa hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ.
Số liệu thống kê về viện trợ của Mỹ cho Hàn Quốc cho thấy: Trong giai đoạn 1954-1961, mỗi năm Hàn Quốc nhận được từ 200 đến 300 triệu USD từ viện trợ của Mỹ. Từ năm 1961 trở đi, Mỹ giảm viện trợ cho Hàn Quốc xuống dưới 200 triệu USD, thập niên 1960 chỉ còn trên dưới 100 triệu USD và tiếp tục giảm trong thập niên 1970. Trong khi đó, từ 1954-1960, mức viện trợ kinh tế của Mỹ cho Việt Nam cộng hòa giảm dần từ mức 200 đến 300 triệu USD của 3 năm đầu xuống khoảng trên dưới 200 triệu USD trong 2 năm tiếp theo, rồi chỉ còn 150 triệu USD trong 2 năm 1961 và 1962. Nhưng từ năm 1963, sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, Mỹ ráo riết chuẩn bị đổ quân trực tiếp tham chiến thì mức viện trợ tăng trở lại, năm 1963 là 195 triệu USD, lần lượt tăng các năm 1964, 1965 là 230, 290 triệu USD và lên 793 triệu USD vào năm 1966. Từ năm 1966-1974, mức viện trợ kinh tế của Mỹ cho Việt Nam cộng hòa luôn từ 500-700 triệu USD, đến 4 tháng của năm 1975 kết thúc chiến tranh cũng đạt 240 triệu USD.
Thống kê này cho thấy, Mỹ viện trợ cho Việt Nam cộng hòa lớn hơn rất nhiều so với Hàn Quốc. Thế nhưng, trong giai đoạn này, Hàn Quốc đã nỗ lực vượt qua khó khăn, gia tăng rất nhanh giá trị xuất khẩu, kinh tế phát triển nhanh, ngày một khởi sắc hơn. Và từ cuối thập niên 1960, kinh tế Hàn Quốc đã dần dần giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, vì thứ nhất chính Mỹ cắt giảm viện trợ, thứ hai bản thân Hàn Quốc đã tích cực phát triển nội lực của họ. Đến thập niên 70, căn bản nền kinh tế Hàn Quốc đã vượt xa và đến thời điểm 30-4-1975, đã vượt rất xa so với nền kinh tế Việt Nam cộng hòa.
Có thể minh họa điều này bằng thống kê của Ngân hàng Thế giới về thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc từ năm 1970-1975 tăng từ 279 USD lên 608 USD/ năm. So với số liệu đã nêu trong kết quả nghiên cứu của Đại học Brussels, năm 1970 mức bình quân này là gấp khoảng 3 lần của Việt Nam cộng hòa, nhưng đến năm 1975 đã gấp khoảng 10 lần.
Từ những dữ liệu đã phân tích, có thể khẳng định rằng, nếu Mỹ cắt viện trợ kinh tế, không biết đến bao giờ Việt Nam cộng hòa mới có thể đứng được trên đôi chân của mình, có thể “cai” được “sữa” của Mỹ không trước khi nó sụp đổ?!
TỈNH GIẤC VỌNG TƯỞNG
Còn về xã hội, giai đoạn 1973-1975, miền Nam vật giá leo thang làm ảnh hưởng mạnh tới tinh thần nhân dân, đặc biệt là quân đội. Nhà sử học Stanley I. Kutler trong cuốn Encyclopedia of The Vietnam War - từ điển bách khoa về chiến tranh Việt Nam, xuất bản năm 1998, đã mô tả tình hình khi đó: “Đối với hầu hết người dân trong các thành phố, đời sống càng ngày càng trở nên khó khăn. Vào năm 1972, có khoảng 800.000 trẻ em mồ côi lang thang trên các vỉa hè trong đường phố ở Sài Gòn và một số thành phố khác, sống bằng nghề ăn mày, đánh giày, rửa xe, móc túi và dẫn khách làng chơi về cho chính chị gái và mẹ của chúng. Có khoảng 500.000 gái điếm và gái bám bar, trong đó có nhiều người là vợ của quân nhân trong quân đội miền Nam. Họ phải làm cái việc ô nhục này để phụ cho đồng lương chết đói của ông chồng không đủ nuôi cho một người. Ngoài ra, còn khoảng 2-3 triệu người, gồm những người già cả hay thương phế binh của quân đội miền Nam không thể nào tìm được việc làm. Năm 1974, tình trạng đói đã lan rộng ra nhiều nơi trên lãnh thổ miền Nam”.
Với đủ các tệ nạn ma túy, mại dâm do quân đội Mỹ gây ra và những lỗ hổng khổng lồ trong nội tại nền kinh tế, có thể khẳng định nếu không giải phóng, miền Nam sẽ như Hàn Quốc là một sự ảo tưởng đến mức không thể ngây ngô hơn được nữa.
Đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất mới có được cơ hội phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay, có vị thế lớn lao như ngày hôm nay. Muốn sánh vai với những nước có nền kinh tế, xã hội phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc thì phải có được tinh thần phấn đấu, nỗ lực vươn lên như Nhật Bản, Hàn Quốc và hãy đứng trên đôi chân của chính mình. Không có tinh thần ấy, nỗ lực ấy mà lại vọng tưởng về “bầu sữa” trong quá khứ, quay lưng với lịch sử dân tộc, quay lưng với đồng bào, chỉ biết than trách chính quyền, than trách xã hội, than trách những người xung quanh, chẳng phải bản thân mình trở nên vô dụng, sống thừa hay sao?
Trần Phương
(Bài viết có sử dụng kết quả nghiên cứu của một số tổ chức, học giả)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065