CẢNH GIÁC TRƯỚC CỖ MÁY CỦA THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
BP - Những ngày này, trên mọi miền Tổ quốc đang hướng về kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ngày 30-4-1975 đã trở thành một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ con người Việt Nam, là truyền thống văn hóa dân tộc, là sự khẳng định tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam với toàn thế giới…
Thế nhưng, trước sự rỉ rả không ngừng của những kẻ bại trận, thế lực phản động, thù địch luôn chĩa mũi nhọn về phía dân tộc ta, đã có không ít người xao động, nghi ngờ, thậm chí còn nói theo rằng: Sài Gòn ngày trước được gọi là “Hòn ngọc Viễn Đông”, nếu không có giải phóng 30-4-1975, miền Nam bây giờ sẽ giàu có như Hàn Quốc. Điều này liệu có đúng?
CHIÊU BÀI CHÍNH TRỊ
Khi internet phát triển, cuộc chiến của các thế lực thù địch nhằm vào Đảng, Nhà nước ta bước sang một cung bậc mới, với nhiều chiêu bài mới. Không gian mạng trở thành một chiến địa thực sự, được thế lực thù địch lợi dụng tối đa. Không chỉ trở thành một kênh lôi kéo, lung lạc ý chí, đánh vào tư tưởng của người dân Việt Nam, không gian mạng còn trở thành nơi chúng tập hợp và công khai ý đồ lật đổ chính quyền. Chúng kết hợp giữa phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động khi có cơ hội. Hoạt động tuyên truyền của các thế lực thù địch đã tác động thúc đẩy việc “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ của chúng ta.
Thực tế đã có không ít người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, người có trình độ cao, từng giữ chức vụ cao đã phản bội lại chân lý, phản bội lại đất nước mình. Gần đây nhất, cuối năm 2018 là ông Chu Hảo. Ông Hảo vốn là giáo sư, tiến sĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Thế nhưng, ông Hảo đã lựa chọn, biên tập, xuất bản nhiều cuốn sách có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Ông Hảo tham gia ký vào các thư kiến nghị, thư ngỏ và có nhiều bài viết trên báo chí trong và ngoài nước, mạng xã hội, nêu yêu cầu đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đòi phi chính trị đối với lực lượng vũ trang... Ông Hảo cho rằng, Đảng đã dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa đã đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện... Trước ông Hảo, cũng có một số trường hợp tương tự. Họ từng là nhà văn, nhà khoa học uy tín, từng là cán bộ, đảng viên, từng giữ chức vụ cao... nhưng bất mãn, rồi dần ngấm tư tưởng của thế lực thù địch nên đã “trở cờ”, “quay giáo” chống lại Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, chống lại dân tộc Việt Nam - cội nguồn đã sinh ra, dưỡng dục, dẫn dắt họ trưởng thành.
Có thể khẳng định rằng, tất cả những trường hợp như vậy đều là “thành quả” của các bộ máy tuyên truyền xuyên tạc về đất nước Việt Nam, về Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó là những trường hợp đã chuyển hóa hoàn toàn, công khai bộc lộ, công khai chống phá. Sự công khai ấy bằng cả lời nói, hành động, văn bản và được in thành sách, bằng hình ảnh và bài viết trên internet... Trong thực tế, có không ít trường hợp đã rơi vào bẫy trong cỗ máy tuyên truyền của thế lực thù địch, nhưng chưa đến mức bộc phát, công khai bộc lộ như vậy. Có người, trong đó có cả những người trình độ cao bán tín bán nghi, thậm chí tin vào luận điệu không có giải phóng, không có sự kiện 30-4-1975, miền Nam bây giờ sẽ giàu như Hàn Quốc và có thể còn hơn Hàn Quốc.
THỰC TẾ NÀO KHI ẤY?
Để có đáp án chính xác cho câu hỏi này, cần được phân tích, dẫn chứng đầy đủ, cơ sở chắc chắn chứ không thể tin một cách mơ hồ, mơ màng như vậy.
Theo tài liệu còn lưu trữ, trong cuộc khảo sát tiến hành năm 1971, chính phủ Việt Nam cộng hòa ước tính ở miền Nam khi đó có 88% lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, lao động trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại chỉ chiếm 8,7%, dịch vụ 3,3%. Cơ cấu GDP nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 30%, công nghiệp - thương mại trong khoảng 8-10%. Công nghiệp của miền Nam khi đó phụ thuộc chặt chẽ vào nguyên liệu và nhiên liệu nhập khẩu. Riêng khu vực dịch vụ tăng nhanh chóng, dần chiếm khoảng 60%.
Nguyên nhân dịch vụ chiếm tỷ trọng cao là nhờ sự có mặt của gần 1 triệu lính Mỹ và các nước đồng minh đánh thuê cho Mỹ. Trong 21 năm tham gia chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã viện trợ cho nền kinh tế Việt Nam cộng hòa hơn 10 tỷ USD theo thời giá thập niên năm 1960, tương đương 70-80 tỷ USD theo thời giá năm 2015. Ngoài khoản viện trợ kinh tế này, một khoản tiền lớn hơn rất nhiều là tiền lương của lính Mỹ có mặt ở Việt Nam. Trung bình mỗi lính Mỹ được trả 800 USD/tháng. Lúc cao điểm, Mỹ có hơn nửa triệu lính ở miền Nam. Như vậy, riêng lương của lính Mỹ tiêu xài ở miền Nam trong mỗi năm khoảng 5 tỷ USD lúc bấy giờ, tương đương khoảng 40 tỷ USD hiện nay. Mặc dù quân đội Mỹ đã tạo ra một chuỗi các cửa hàng dành riêng cho lính của họ ở Việt Nam, nhưng không thể đáp ứng mọi nhu cầu. Do vậy, tiêu thụ tại chỗ của lính Mỹ tạo ra động lực chính cho khu vực dịch vụ của nền kinh tế Việt Nam cộng hòa. Hay nói cách khác, nền kinh tế của miền Nam lúc bấy giờ gần như phụ thuộc vào túi tiền và sự tiêu xài của lính Mỹ.
Có một thực tế, giai đoạn 1955-1960, kinh tế của Việt Nam cộng hòa tăng trưởng khá, song từ năm 1961 trở đi bắt đầu đi xuống và dần lệ thuộc nhiều hơn vào Mỹ. Từ năm 1965, đường lối sản xuất thay thế nhập khẩu bị gác lại. Một số ngành công nghiệp non trẻ như dệt, sản xuất đường... không được bảo hộ nữa nên gặp khó khăn. Lạm phát diễn ra nghiêm trọng với tỷ lệ trung bình 30-40%/năm, giá cả mọi hàng hóa đều tăng vọt.
Khảo sát năm 1970 của chính phủ Hoa Kỳ cho thấy, 33,8% dân số của Việt Nam cộng hòa sống ở đô thị, với đô thị lớn nhất là Sài Gòn và đây cũng là đô thị duy nhất có trên 500 ngàn dân. Khu vực trung tâm thành phố có một số công trình, khu phố được xây dựng to đẹp và sang trọng. Tuy nhiên, các công trình này chủ yếu do người Pháp xây dựng từ thập niên 1940. Các khu nhà mới rất ít được xây dựng kể từ sau năm 1950. Trong khi đó, dân cư nông thôn đổ về thành thị tìm việc và tránh chiến sự khiến Sài Gòn dần trở thành một khu ổ chuột khổng lồ.
Khảo sát cho thấy, khoảng 40% dân số khu vực Sài Gòn khi đó (tức khoảng 1,2 triệu người) phải sống tại khu ổ chuột. Bên cạnh số ít người có quan hệ mật thiết với Mỹ và quan chức Việt Nam cộng hòa được hưởng lợi từ viện trợ, đại bộ phận nhân dân lao động có cuộc sống khó khăn do lương thấp và lạm phát cao. Bản phúc trình của Mỹ xuất bản tháng 1-1975 cho thấy, Sài Gòn năm 1974 có 3 triệu dân thì có đến 600 ngàn người thất nghiệp, tương đương 20%. Chênh lệch giàu nghèo Việt Nam cộng hòa rất lớn khi thu nhập của tầng lớp thiểu số thân cận với Mỹ hay chính quyền chiếm 43,5% GDP, tầng lớp lao động chỉ đạt 1,8% GDP...
Thực lực của miền Nam trước năm 1975 là như thế, còn Hàn Quốc như thế nào và nếu không có giải phóng thống nhất đất nước, miền Nam có được như Hàn Quốc hôm nay, xin xem tiếp kỳ sau phân tích đầy đủ các góc độ kinh tế, xã hội.
Trần Phương
(Bài viết có sử dụng kết quả nghiên cứu của một số tổ chức, học giả)
Kỳ sau: Hãy đứng trên đôi chân của mình
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065