Chuyển vốn đến tận tay người nghèo
Cuối năm, không khí làm việc ở NHCSXH tỉnh Bình Phước và phòng giao dịch trực thuộc tại các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hơn. Các cán bộ, nhân viên ngân hàng như chạy đua với thời gian thẩm định, làm thủ tục cho hộ nghèo, gia đình chính sách để kịp giải ngân đúng kế hoạch, đưa vốn sớm đến với hộ nghèo, đối tượng chính sách.
Xã Phước Tân, huyện Phú Riềng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao so với mức bình quân chung của cả tỉnh và kết cấu hạ tầng còn khó khăn. Vì vậy, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước rất cần thiết đối với phát triển kinh tế của địa phương, là “đòn bẩy” quan trọng giúp người dân nơi đây có cơ hội thoát nghèo. Nhận 50 triệu đồng được giải ngân nhanh chóng, bà Thị Anh, ngụ thôn Bình Trung nhìn cán bộ Phòng Giao dịch huyện Phú Riềng với ánh mắt thầm biết ơn, bởi từ nay gia đình có thêm tiền để đầu tư sản xuất, phát triển chăn nuôi.
Xuân đất trời hiện diện trên nụ hoa, nhành lá, còn xuân của con người ở những nụ cười, ước mong đời sống ngày một ổn định, phát triển. Không riêng bà Thị Anh, nhiều người đến với buổi giao dịch tại trụ sở xã Phước Tân đều nở nụ cười tươi khi được cán bộ NHCSXH huyện trao tận tay đồng vốn cho hộ nghèo, hộ chính sách nơi đây. Trước đây, họ phải đến tận ngân hàng để làm thủ tục, nhiều người ở xa đi lại rất mất thời gian. Nay có những điểm giao dịch ngay tại xã, có thời gian làm việc cụ thể được báo trước, người dân có thể chủ động sắp xếp để làm việc với ngân hàng. Đến ngày trả lãi, giải ngân, người dân chỉ cần đến làm việc tại các điểm giao dịch nên mọi thứ đều rất thuận lợi, nhanh chóng.
Khi chúng tôi đến nhà anh Điểu Cường ở thôn Bình Trung, xã Phước Tân, anh đang dở tay chăm sóc con bò sắp sinh được mua từ nguồn vốn chính sách giải ngân năm 2018. Theo cán bộ ngân hàng, anh Điểu Cường cũng vừa được “bơm” thêm 40 triệu đồng theo chính sách đặc thù tại Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo điều kiện phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... để thoát nghèo. Mời chúng tôi vào căn nhà đại đoàn kết khang trang mới được bàn giao, trong đó gia đình góp một phần kinh phí, anh Điểu Cường phấn khởi khoe: Năm nay được đón tết trong căn nhà xây tôi vui lắm. Gia đình tiếp tục dùng đồng vốn của NHCSXH để tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi. Cảm ơn Nhà nước và cán bộ ngân hàng nhiều lắm!
Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Riềng, cho biết: “Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn huyện, chất lượng tín dụng chính sách được nâng lên rõ rệt, nợ quá hạn giảm. Các hộ vay vốn chính sách không chỉ ý thức hơn trong sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả mà còn tham gia gửi tiền tiết kiệm để trả gốc và lãi khi đến hạn. Đến hết năm 2019, tổng dư nợ của phòng gần 195 tỷ đồng, tăng hơn 29 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo gần 25 tỷ đồng, hộ cận nghèo 11 tỷ đồng, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn hơn 29 tỷ đồng...
“Đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế
Cũng nhờ vốn vay NHCSXH, nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. Qua câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Thanh Nam ở thôn Đồng Tháp, xã Phước Tân cũng minh chứng rõ nét cho hiệu quả đồng vốn mà NHCSXH mang lại.
Sau khi xuất ngũ, ông Nam đưa gia đình từ tỉnh Trà Vinh lên Bình Phước lập nghiệp với mảnh vườn trồng điều, khó khăn luôn đeo bám gia đình hơn 15 năm. Với quyết tâm thoát cảnh khó khăn, sau khi được tiếp cận vốn vay từ NHCSXH vào năm 2016, gia đình ông đầu tư trồng sầu riêng, mít Thái thay thế cây điều. Sau 3 năm, cây ăn trái cho thu hoạch, cộng với sản phẩm phụ trên đất đã giúp cải thiện đáng kể kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình ông xây được nhà khang trang và “tậu” thêm đất rẫy để mở rộng canh tác sầu riêng, mít Thái. Đưa chúng tôi đi tham quan vườn cây đang cho trái ngọt, vợ ông Nam cho biết, nhờ vốn vay ưu đãi của NHCSXH mà gia đình có điều kiện ổn định cuộc sống, vững tin tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất để làm giàu trên mảnh đất này.
Cũng nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ nông dân trong tỉnh không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành những triệu phú, thu nhập mỗi năm lên tới vài trăm triệu đồng. Điển hình như gia đình anh Nông Văn Mạnh ở ấp Bàu Cây Me, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú vay vốn để phát triển mô hình trồng quýt đường, hiện nay cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND xã Thuận Phú Phạm Văn Thắng cho biết: Những năm qua, NHCSXH huyện đã quan tâm tạo điều kiện để đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi về địa phương giúp người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Riêng năm 2019, với nguồn vốn được giao về xã gần 21 tỷ đồng đã đáp ứng phần lớn nhu cầu của các khoản cho vay chính sách, góp phần cùng chính quyền xã xóa 8/21 hộ nghèo, trong đó có 5 hộ dân tộc thiểu số... Đây là những nguồn vốn giúp xã Thuận Phú củng cố và giữ vững các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Như cánh én dệt mùa xuân
Tin vui từ NHCSXH tỉnh Bình Phước mà chúng tôi nhận được trước thềm xuân mới là toàn tỉnh đã triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách. Kết thúc niên tài chính 2019, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn tỉnh vượt ngưỡng 2.345 tỷ đồng, với 79.839 hộ nghèo và đối tượng chính sách được “bơm” vốn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 7,7% và dư nợ tăng 167 tỷ đồng so với năm 2018. Riêng thực hiện kế hoạch giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, chi nhánh đã dành 30,7 tỷ đồng để cho vay ưu đãi... Nguồn vốn chính sách có tác động không nhỏ đến thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân; người dân biết thực hành tiết kiệm để đầu tư mở rộng sản xuất.
Cuộc hành trình của NHCSXH tỉnh đạt được những thành tích đáng kể đó, trước tiên là luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể đã tạo lực cho nguồn vốn tín dụng ưu đãi tham gia trực tiếp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt từ mùa xuân năm 2015 đến nay đã bám sát nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội...
Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Võ Mạnh Thùy cho biết: Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã được phủ rộng đến 100% thôn, ấp với 1.942 tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc 4 tổ chức hội, đoàn thể quản lý. Cùng với nguồn vốn được tăng cường từ ngân sách địa phương, NHCSXH tỉnh đã đáp ứng nhu cầu vay của hộ nghèo, đối tượng chính sách trên địa bàn. Những năm tiếp theo, NHCSXH tỉnh tiếp tục tập trung cho vay đối với hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ dân sinh sống tại vùng khó khăn. Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, làm tốt công tác quản lý nguồn vốn, phấn đấu tốc độ tăng trưởng dư nợ khoảng 10%...
Đón xuân mới, nhìn lại hành trình 16 năm thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi ở Bình Phước rất đáng tự hào, chất lượng tín dụng luôn được củng cố, nâng cao. Bí quyết để có được thành công này chính là toàn bộ hoạt động của NHCSXH đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu, mở lối thoát nghèo cho nhân dân, giúp địa phương thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065