BP - Theo những thống kê mới đây của hãng cung cấp thiết bị viễn thông Ericsson (Thụy Điển) Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia có lượng tăng trưởng thuê bao di động cao nhất thế giới hiện nay. Còn số liệu thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết, đến hết tháng 8-2016, ở nước ta đã có trên 128,3 triệu thuê bao. Trong số này, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) chiếm tới trên 49,5%, với 63,6 triệu thuê bao. Mobifone có trên 34,6 triệu thuê bao và VNPT có trên 20,5 triệu. Thị phần còn lại thuộc về Gtel (Công ty Viễn thông toàn cầu) với gần 5,9 triệu và Vietnamobile 3,7 triệu thuê bao.
Phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi đăng ký thuê bao di động
Tại hội nghị phổ biến Nghị định số 49/2017/NĐ-CP được tổ chức ngày 22-6, ở Hà Nội, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết, trong số trên 80 triệu thuê bao di động trả trước hiện nay thì tỷ lệ đăng ký thông tin thuê bao chính xác chỉ khoảng 25%, còn lại 75% là thông tin đăng ký không chính xác hoặc sai. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong giai đoạn đầu phát triển, các doanh nghiệp viễn thông đã cạnh tranh thu hút thuê bao mới quá nóng, dẫn đến buông lỏng quản lý, ủy quyền cho đại lý các cấp thực hiện việc xác minh thông tin thuê bao đăng ký mới mà không kiểm soát. Và hệ lụy là rất nhiều thông tin thuê bao đã đăng ký không đúng, thậm chí có không ít trường hợp sử dụng giấy chứng minh nhân dân của người khác hoặc kê khai sai tên, địa chỉ hoặc chỉ kê khai lấy lệ. Thực tế này đã và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh toàn xã hội, vì số thuê bao di động có thể sử dụng vào nhiều hành vi phạm pháp, từ nhắn tin rác, gọi điện quấy rối thậm chí lừa đảo, tống tiền... Và thực tế đã có không ít người trở thành nạn nhân của tin nhắn rác, tin nhắn đe dọa hoặc lừa đảo...
Phải xuất trình giấy tờ tùy thân khi đăng ký thuê bao di động. Trong ảnh: Gian hàng VNPT Bình Phước tại hội chợ hàng công nghiệp nông thôn Đông Nam bộ - Bình Phước - Ảnh: N.K
Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 24-4-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, Điều 15, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định về giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, lưu giữ và sử dụng thông tin thuê bao được sửa đổi như sau: Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cá nhân, tổ chức có trách nhiệm xuất trình giấy tờ sau: Trường hợp là cá nhân: bản chính hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch Việt Nam hoặc hộ chiếu còn thời hạn lưu hành tại Việt Nam đối với người có quốc tịch nước ngoài (gọi chung là giấy tờ tùy thân);... Đối với người dưới 14 tuổi hoặc người được giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung phải do cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện... Thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam);... Ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước);...
Sẽ không còn sim rác, tin nhắn rác
Theo quy định tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, đối với trường hợp chuyển quyền sử dụng số thuê bao, người chuyển quyền sử dụng và người nhận quyền sử dụng phải thực hiện việc giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng số thuê bao với doanh nghiệp viễn thông. Đồng thời, nghị định này cũng quy định rõ, đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, thì doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu,... Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Và doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Việc thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện;...
Nghị định số 49/2017/NĐ-CP còn quy định rất cụ thể về những hành vi bị cấm: Giả mạo; sử dụng giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận pháp nhân của cá nhân, tổ chức khác để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Nhập sẵn thông tin thuê bao; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho sim thuê bao khi chưa thực hiện, hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định. Mua bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước. Tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trái pháp luật. Sử dụng sim đa năng, thiết bị có chức năng kích hoạt sim thuê bao không cần phải bẻ sim để nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước cho sim thuê bao.
Trong nghị định mới cũng quy định rõ chế tài đối với các hành vi vi phạm của cá nhân và tổ chức. Cụ thể, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 200-500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Giả mạo; sử dụng giấy tờ của các cá nhân, tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Không thực hiện việc giao kết lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung sử dụng số thuê bao với doanh nghiệp viễn thông khi chuyển quyền sử dụng số thuê bao theo quy định. Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp viễn thông di động khi vi phạm một trong các hành vi sau: Thực hiện ủy quyền việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không đúng quy định... Chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được ủy quyền... Không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định...
Hiện nay, trên thế giới có nhiều quốc gia đã và đang thực hiện rất chặt việc quản lý mạng điện thoại di động. Chính vì vậy ở các quốc gia này không xảy ra tình trạng sim rác, tin nhắn rác tràn lan như ở nước ta. Đồng thời, quản lý được các chủ thuê bao còn có tác dụng ngăn chặn thông tin không chính thống, thông tin xấu, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ và đặc biệt là âm mưu “diễn biến hòa bình” của bọn phản động trên các trang mạng xã hội. Như vậy, trật tự trong lĩnh vực viễn thông sẽ được lập lại.
T. Hải
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065