Nhiều tình tiết phức tạp, thời gian kéo dài, mức độ nghiêm trọng của vụ án, tranh luận gay gắt giữa Viện Kiểm sát với các luật sư, giữa đại diện Viện Kiểm sát với chủ tọa phiên tòa… tất cả đều có trong phiên tòa xét xử Lê Bá Mai vừa diễn ra vào các ngày 18, 19, 20, 24-5-2011.
NGƯỜI TỬ TÙ SỢ CHẾT
Ngay từ phiên xử đầu tiên vào ngày 18-5-2011, sau khi Viện Kiểm sát đọc cáo trạng, Lê Bá Mai vẫn một mực kêu oan. Cũng như những phiên tòa trước, đại diện Viện Kiểm sát vẫn tiếp tục giữ quan điểm buộc tội đối với bị cáo Lê Bá Mai, sau khi nghiên cứu những tài liệu điều tra bổ sung có trong hồ sơ. Theo đó, kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung vụ án. Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm buộc tội Lê Bá Mai và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Mai mức án: 16-18 năm tù về tội “hiếp dâm trẻ em”, tử hình về tội “giết người” và tổng hợp hình phạt là tử hình. Buộc bị cáo Mai phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần đối với gia đình nạn nhân Thị Út với số tiền gần 40 triệu đồng.
Lê Bá Mai nhận quyết định trả tự do
Theo cáo trạng mới nhất của Viện Kiểm sát, khoảng 6 giờ 30, ngày 12-11-2004, Mai đi rải phân cùng ông Trong. Sau khi về chòi, Mai lấy xe máy đi chống cháy. Khi đến khu vực trồng cây tràm để chống cháy, Mai thấy Thị Út (SN 1993) và Thị Hằng (SN 1995) cùng ngụ ấp 1, xã An Khương, huyện Bình Long (cũ), tỉnh Bình Phước, đang mót củ mì. Thấy vắng người nên Mai nảy sinh ý định giao cấu với Út. Để thực hiện âm mưu của mình, Mai đã dụ dỗ và chở bé Út về hướng vườn mít của nhà ông Tuân (chủ nhà Mai làm thuê). Tại đây, Mai đã thực hiện hành vi thú tính của mình. Sau khi cưỡng hiếp bé Út xong, vì sợ bị lộ Mai đã dùng chính quần của nạn nhân rồi thắt cổ bé Út cho tới chết. Sau đó, Mai quay trở về chòi, lúc này Trong và Trường đang nghỉ trưa, Mai rửa tay chân ăn cơm, nghỉ đến chiều đi làm bình thường.
Bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Lê Bá Mai, luật sư Phan Long Ẩn và luật sư Trịnh Thanh đều cho rằng chưa đủ cơ sở để xác định Lê Bá Mai là hung thủ gây án. Theo các luật sư, hầu hết lời khai của các nhân chứng tại tòa đều không trùng khớp với những lời khai ban đầu. Cụ thể khi Hội đồng xét xử hỏi nhân chứng Điểu Cẩn (cha của nạn nhân Thị Út) về việc tìm kiếm Thị Út sau khi không thấy con về nhà, ông Cẩn khai có dùng xe gắn máy chạy vào khu vực vườn mít tìm con. Tuy nhiên dấu tích bánh xe tại hiện trường khu vườn mít sau này được cơ quan công an nghi ngờ là dấu vết bánh xe gắn máy của Mai chở Út vào để thực hiện hành vi đồi bại. Mặt khác các luật sư còn cho rằng, vụ án còn rất nhiều mâu thuẫn trong các lời khai, chứng cứ. Theo kết quả giám định tử thi, không phát hiện thấy có vết tinh dịch và xác tinh trùng trong mẫu ghi thu dịch âm đạo của nạn nhân và khác với lời khai của Mai. Thị Hằng là nhân chứng trực tiếp duy nhất, lúc đầu khai nhìn thấy “một thanh niên” chở Út đi, sau đó lại khai người chở Út đi là Mai. Còn bị cáo lúc đầu không nhận tội, sau lại thừa nhận mình đã thực hiện hành vi phạm tội. Về lời khai của Thị Hằng, nghi phạm chở Thị Út đi trên một chiếc xe máy, trên xe có một bình xịt màu xanh và bình đựng nước đá màu đỏ. Trong khi, ông Tuân, chủ trang trại nơi bị cáo làm thuê khai không hề có đồ vật nói trên.
Sáng 24-5, sau 3 ngày nghị án, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước đã tuyên án: “Vụ án có nhiều mâu thuẫn, các mâu thuẩn được thể hiện như sau: Đối với lời khai của Lê Bá Mai, mặc dù tại nhiều bản tự khai bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội và không có căn cứ chứng minh bị cáo bị đánh đập, ép cung. Tuy nhiên, lời khai nhận tội của bị cáo có nhiều mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của nhân chứng về vật dụng mang theo, mâu thuẫn với biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản giám định pháp y, mâu thuẫn với nhiều chứng cứ khác. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nếu có tội bị cáo sẽ nhận mức án cao nhất, cơ quan điều tra đã thực hiện không đầy đủ các quy định của bộ luật tố tụng hình sự trong việc chứng minh tội phạm, chỉ căn cứ vào lời nhận tội của bị cáo mà bỏ qua nhiều chứng cứ khác. Trên những cơ sở đó, Hội đồng xét xử xét thấy chưa đủ chứng cứ để buộc tội đối với Lê Bá Mai”. Do đó, chủ tọa phiên tòa Hoàng Thanh Dũng đã tuyên bị cáo Lê Bá Mai không phạm hai tội hiếp dâm, giết người và trả tự do ngay tại tòa.
NƯỚC MẮT NGƯỜI THÂN
Vừa nghe chủ tọa phiên tòa tuyên án, Nhung, em gái út của Mai đã khóc nấc lên. Mẹ của Mai, bà Lê Thị Khoa, đôi mắt ươn ướt và không còn đủ nước mắt để chảy ra ngoài. Tấm thân gầy gò của bà cố vươn thẳng trước niềm vui tột độ.
Bà Lê Thị Khoa kể lại: Gần 7 năm Mai bị tạm giam và tuyên án tử hình, dù tin tưởng vào đứa con ngoan hiền, chắt bóp từng đồng tiền gửi về cho bố mẹ, nhưng nỗi lo mất con luôn thường trực trong bà. Nói là lo cho con chứ bà Khoa bị bệnh liên tục, đứng còn chẳng vững, bị choáng và ngất liên tục do bị bệnh tim. Mọi việc lo liệu cho con trai đều do chồng là ông Lê Bá Triệu cáng đáng. Sau đó, động lực duy nhất để bà Khoa cố sống là hy vọng con trai bà được minh oan. Bà nói với người thân, nếu thằng Mai bị xử y án, chắc bà không thể sống nổi. Một ngày đợi tòa xét xử đều trôi qua dằng dặc, nặng nề. Mỗi bữa ăn, bưng bát cơm lên, nước mắt cứ trào ra, không thể nuốt nổi. Bà Khoa khóc, con gái khóc, những người họ hàng đến giúp đỡ cũng khóc.
Lê Bá Mai cùng gia đình vui mừng sau khi tuyên án
Trước khi xảy ra vụ án, Mai là lao động chính trong gia đình. Nhà quá nghèo không đủ tiền để đi lại thăm nuôi con, bà Khoa và ông Triệu đã khăn gói vào Bình Phước nương nhờ vào ông Tuân. Suốt thời gian này, ông bà đã làm thuê, làm mướn đủ thứ việc như dãy cỏ, trồng mì… để được gần gũi và tìm cách giúp Mai. Bà đau lòng khi Nhung, em gái của Mai, không được học tiếp lên đại học, phải rời quê vào Bình Dương làm công nhân dệt may. Tất cả đều quá bất ngờ và đau xót, sự bấu víu cuối cùng để cứu sự sống của con trai là tìm được chứng cứ chứng minh vô tội. Bà Khoa nói: Nếu không có 2 luật sư bào chữa miễn phí giúp Mai, nếu không có người thân và hàng xóm ở quê nhà (Thanh Hóa) và hàng xóm tại Bình Long luôn mở rộng tấm lòng với gia đình bà, thì không biết bà có đủ sức để chờ đến ngày con được tại ngoại không nữa.
Vụ án kéo dài đã lâu, gia đình bị cáo lẫn bị hại đều gánh chịu nhiều nỗi đau, mất mát. Kết thúc phiên tòa, ông Điểu Cẩn, cha của nạn nhân ra về với câu hỏi: Ai đã hại con mình? Kỳ án vườn mít lại trở về mốc ban đầu.
Thế Quân
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065