Chúng tôi nên vợ nên chồng có lẽ nhờ cơ duyên, bởi trước đó vợ tôi đã có một đời chồng là liệt sĩ hi sinh ở mặt trận Tây Nam và có một con trai lên 6 tuổi.
Tôi phải chịu nhiều áp lực, gia đình hầu như không ai đồng ý, họ cho rằng tôi là trai tân, “khùng điên” mới đi cưới gái đã có chồng, có con, lại hơn mình tới 2 tuổi. Song đám cưới chúng tôi vẫn được tổ chức chỉ với năm mâm đãi một số bè bạn thân thiết và ít người cận lân, chứ thân tộc chỉ mươi người đến dự.
Chúng tôi cưới nhau năm ngày, ba mẹ quyết định cắt cho tròn một sào đất rẫy, bè bạn xúm lại giúp dựng căn nhà cột tre, mái tranh chỉ vỏn vẹn 16m² và ra ở riêng. Cực nhọc trong buổi đầu mưu sinh, đất sản xuất ít nên gần như suốt tháng quanh năm tôi đi làm mướn, còn vợ sáng nấu nồi xôi đưa lên chợ xã bán, hết thì về tranh thủ làm việc nhà rồi ra suối, ra đồng tìm con cua, con ốc, con cá..., nếu được nhiều thì đem bán bớt, ít thì để ăn.
Khi đứa con chung lên 7 tuổi, vợ chồng tôi mới xây được căn nhà cấp 4 cũng chỉ 25m². Chưa hết mừng bỗng dưng tai họa ập xuống, bị chiếc xe chở gỗ đụng vào làm tôi chấn thương cột sống. Tám tháng, nằm hết bệnh viện này đến chuyển nhà thương khác song chỉ bớt được phần nào. Khi tôi thất vọng bảo đưa về nhà rồi giao phó số phận cho trời định đoạt, vợ tôi khóc: “Bằng mọi giá em cũng phải chữa trị cho anh, dù có phải bán đi tất cả đất đai, nhà cửa...”.
Cái tên bà Tám “ba bánh” nhiều người ở xã Đăk Drông (Cư Jút, Đắk Nông) đều biết
Ở bệnh viện tới 18 tháng vừa nằm liệt vừa ngồi xe lăn, về nhà tôi quyết tâm tập đi. Tới gần một năm sau mới bỏ được cặp nạng, nhưng gần như trở thành tàn phế bởi sức khỏe đã mất đi hơn 50%. Vợ thì ốm nhom ốm nhách vì lo tiền, lo thuốc chạy chữa cho tôi và chạy ăn cho bốn người trong nhà, nhưng tôi chưa bao giờ nghe vợ thở than mà luôn chiều chuộng tôi như đứa con cưng. Cô ấy chiều tôi đến mức dù tần tảo sớm khuya lo cơm kiếm gạo, vậy mà luôn dành một khoản tiền đặt báo cho tôi xem, vì cô ấy biết tôi mê báo hơn cả mê ăn.
Vào thời điểm nông nhàn không có việc để vợ tôi làm mướn, đến cơm không đủ no, tôi định ra chợ huyện thuê nhà trọ ở để đi bán vé số, nhưng vợ tôi cản: “Đói no cùng chịu, ít ngày em sẽ tìm việc sẽ có tiền thôi. Anh không phải bận tâm, lo trông chừng và dạy dỗ con cái giùm em, chứ em không muốn xa anh dù chỉ một ngày”. Cũng may, ba mẹ tôi đã biết thương con dâu nên cho mượn hẳn một lượng vàng, vợ tôi xây chuồng và gầy bốn con heo nái ngay.
Ban ngày ngoài việc đi làm mướn cho chủ rẫy, trưa, tối, vợ tôi tranh thủ về rửa chén và quét dọn cho ba cái quán ăn trên chợ xã để đổi lấy số bún thừa, nước cặn về nuôi heo. Với bản tính vừa cẩn thận vừa sạch sẽ, chẳng bao lâu vợ tôi được các chủ quán không chỉ cho thức ăn thừa mà còn trả công rửa chén đĩa hằng ngày. Công việc đều đặn như vậy giúp gia đình tôi chỉ ba năm sau đã tích cóp đủ trả nợ số tiền vay mượn trị bệnh cho tôi. Khi sức khỏe tương đối phục hồi tôi đòi được làm việc, nhưng vợ khuyên: “Anh đừng ngại, lúc khỏe chỉ giúp em những việc thật nhẹ trong nhà là đủ rồi, làm việc nặng lỡ có gì em lại góa bụa, con lại mồ côi cha”.
Rồi tôi tập tành viết báo, mới đầu chỉ viết với mục đích giết thời gian, nhưng nhiều bài được đăng làm cho tôi coi đó là công việc chính. Thấy tôi cặm cụi bất kể ngày đêm, vợ tôi qua năn nỉ ba mẹ tôi cho khất lại số vàng để mua cái máy vi tính cho chồng bớt cực. Ba mẹ tôi tuyên bố “cho luôn”, thế là tôi có cái máy vi tính, dù cũ nhưng cũng là máy đầu tiên trong xã.
Năm 1995, vợ tôi bỏ hẳn nghề làm mướn để mở trang trại nhỏ chuyên chăn nuôi heo, có thời điểm trong chuồng có tới 50 con heo thịt, tám con heo nái với chỉ một tay vợ tôi chăm bẵm. Tới nay đã 18 năm tròn, ngày nào cũng như ngày nấy cứ 2g chiều vợ tôi đẩy chiếc xe ba bánh từ nhà lên chợ xa 600m để gom cơm thừa, canh cặn mà các chị bán hàng đã bỏ vào cái thùng vợ tôi đặt sẵn đem về nấu lại cho heo. Vì lẽ đó mà cái tên bà Tám “ba bánh” hỏi cả 4-5 thôn gần chợ xã Đăk Drông (Cư Jút, Đắk Nông) ai cũng biết. Tôi mới thoát cảnh bệnh tật được dăm năm nay, song kinh tế gia đình không đến nỗi nào, có được như vậy là nhờ tính cần cù, chịu khó của người vợ quanh năm tảo tần.
Trong mắt tôi, vợ tôi là người tuyệt vời nhất trên đời!
Cuộc thi viết Người phụ nữ trong tôi đã nhận được gần 300 bài dự thi và sẽ khép lại việc nhận bài vào ngày 28-2. Ban tổ chức dự kiến công bố thể lệ bình chọn Bài viết được yêu thích nhất vào ngày 2-3 và khởi động cuộc thi ảnh cùng chủ đề. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi và hưởng ứng cuộc thi. |
(Theo TTO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065