Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên lễ đài tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, ngày 1-1-1955
Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đưa ông lên tầm cao của các danh tướng thế giới.
Được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác trọng trách cầm quân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nắm vững cẩm nang làm tướng mà Hồ Chủ tịch trao cho, quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện và trường kỳ, đứng vững trên nền tảng chính trị của khối đoàn kết toàn dân, ông đã dẫn dắt toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng.
Đức độ, tài năng của ông đã đem lại cho ông niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm qua còn là đối thủ của ông. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi còn đang tại thế.
Vị đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhà chiến lược và chỉ huy quân sự lỗi lạc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc, văn võ kiêm toàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng giao cho trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang trong thời kỳ chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tiếp đó làm Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng và tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.
Trên những cương vị đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc, đã cùng Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối quân sự của Đảng, tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân, vận dụng sáng tạo phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự, hình thành học thuyết quân sự Việt Nam độc đáo: Nước nhỏ, đánh thắng những kẻ thù lớn mạnh nhất trong thời đại Hồ Chí Minh.
Ông là người đã trực tiếp dẫn dắt “đội quân thơ ấu” từ hai bàn tay trắng, từ súng trường chân đất lớn lên trong suốt cuộc trường chinh mười ngàn ngày và đã đánh bại 10 đại tướng của quân đội viễn chinh nhà nghề của hai đế quốc lớn.
Ông đã từ một người yêu nước ở tuổi học trò đến một người cộng sản chân chính - chân chính đến tận cuối đời; đã từ một giáo sư sử học không qua một trường lớp quân sự, trưởng thành từ thực tiễn chiến trường để trở thành danh tướng, “một tư lệnh của các tư lệnh, một chính ủy của các chính ủy” - như cách định nghĩa của Thượng tướng Trần Văn Trà.
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo ở Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chính thức làm lễ thành lập, gồm 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Hai ngày sau khi thành lập, Đội đã đánh thắng trận đầu ở Phay Khắt – Nà Ngần. Ngày 22/12 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong ảnh: Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I
Thành công trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ buổi ban đầu. Người đã dạy ông bốn từ Dĩ công vi thượng. Lời dạy ngắn gọn đó không chỉ theo ông trong suốt cuộc đời cầm quân mà khi đã hoàn thành nhiệm vụ nhân dân giao phó, trở về với không ít thử thách trong cuộc sống đời thường, trong tư tưởng và hành động, ông luôn tâm niệm một điều: Đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, lợi ích nhân dân lên trước hết. Ông là vị tướng quán triệt sâu sắc tư tưởng và phương pháp luận Hồ Chí Minh, là người cầm quân tiếp thu và thể hiện đầy đủ tư cách một người tướng gồm sáu đức tính Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung mà Bác Hồ đã dạy. Những đức tính ấy, nhất là Trí và Dũng, bộc lộ rất sớm. Điều này có thể thấy qua cuộc đấu trí, đấu lực quy mô lớn đầu tiên giữa hai quân đội rất chênh lệch về trang bị kỹ thuật và trình độ tác chiến trong Chiến dịch Việt Bắc mùa khô năm 1947, để khẳng định rằng tài cầm quân ở tầm chiến lược của ông xuất hiện ngay từ những năm đầu của kháng chiến toàn quốc.
Ở Chiến dịch Biên giới năm 1950, lúc đầu ta chủ trương đột phá Cao Bằng. Nhưng sau khi trực tiếp trinh sát thực địa, đánh giá tình hình, ông đã quả cảm, quyết đoán đề nghị chuyển sang đột phá Đông Khê và đã được Hồ Chủ tịch phê chuẩn. Hồ Chủ tịch đã trực tiếp tham gia chỉ đạo chiến dịch và vạch ra ý đồ tác chiến là “nhử thú dữ vào tròng - khép vòng lưới thép” tiêu diệt địch. Còn ông chỉ huy bộ đội thực hiện “vận động chiến” và mưu kế “đánh điểm-diệt viện”. Quân ta đã kiên cường chiến đấu và đã giành chiến thắng lớn ở Đông Khê. Bị mất Đông Khê, quân địch từ Thất Khê lên ứng cứu đã bị ta đánh chặn và tiêu diệt, quân địch ở Cao Bằng vội vã rút chạy cũng bị ta bao vây, tiêu diệt và bắt sống cả chỉ huy của hai cánh quân này. Nhờ mưu kế hay, cách đánh giỏi nên ta đã đánh một mà được hai. Hệ thống phòng tuyến đường số 4, vành đai khép chặt biên giới mà địch đã dày công xây dựng bị phá vỡ tan tành. Từ đó căn cứ cách mạng của ta được nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa.
Đông Xuân 1953-1954, mưu kế chiến lược của Đại tướng được thể hiện rất tài tình. Ông đã thành công trong việc phân tán lực lượng cơ động của địch và đánh địch trên khắp chiến trường Đông Dương bằng các biện pháp nghi binh, lừa địch mà chính tướng Nava cũng phải thú nhận rằng đến hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân tán ra các chiến trường. Do vậy, khi ta tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng cơ động của địch không thể tập trung lớn để đối phó được nữa.
Trên chiến trường chính - Điện Biên Phủ-, ông đã quyết đoán đề nghị thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” đã được Thường vụ Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch phê chuẩn. Ông đã phải trải qua những trăn trở cực kỳ khó khăn trước khi đưa ra sự thay đổi phương châm tác chiến này. Mặc dù trận địa đã được bố trí, pháo lớn đã kéo lên vị trí chiến đấu với biết bao công sức và xương máu, nhưng ông vẫn quyết tâm cho đưa pháo xuống, rồi lại kéo lên.
Lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là rất hiếm ở trên thế giới cho kéo pháo lên núi cao, từ hầm trú ẩn chĩa pháo thẳng xuống đầu kẻ địch mà chế áp. Cách đánh này vừa bảo vệ được pháo tránh được sát thương do pháo và máy bay địch gây ra, vừa nâng cao được uy lực và mức chính xác cao, khiến cho ngay viên chỉ huy pháo binh của Pháp là Pirốt phải tự sát vì hoảng loạn và quá bất ngờ.
Sau 56 ngày đêm quyết chiến, quân đội Việt Nam non trẻ dưới sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, sự chỉ huy của vị Đại tướng mới ngoài 40 tuổi đã đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay của quân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ là “cây cột mốc bằng vàng” đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc”.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Để giáo dục cho quân đội, ông đã viết lý luận về đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nêu cao tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Trong lúc cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam diễn ra gay go, ác liệt, để tạo thực lực về cơ sở vật chất và lực lượng cho cách mạng miền Nam, ông đã đề xuất với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đường chiến lược Trường Sơn. Con đường chiến lược Hồ Chí Minh đã hình thành từ đó, đã tiếp sức cho cách mạng miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại Lễ mừng chiến thắng ngay tại mặt trận, trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đơn vị lập công và tuyên dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong chiến đấu
Khi Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ”, bộ đội Tây Nguyên đã đề ra chiến thuật “chốt kết hợp với vận động”. Khi đem chiến thuật này ra Bắc báo cáo đã được Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu sửa lại là “Vận động tiến công kết hợp với chốt”, thể hiện tinh thần tiến công mạnh mẽ hơn. Nhờ đó, mùa đông năm 1967, trong chiến dịch Đắc Tô 1, bộ đội Tây Nguyên đã thành công và hoàn thiện chiến thuật “Vận động tiến công kết hợp với chốt”, mở ra khả năng đánh mới, tiêu diệt những đơn vị quân Mỹ trên chiến trường. Lần đầu tiên ở Tây Nguyên, bộ đội ta đã đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 173 là lữ đoàn cơ động chiến lược của Mỹ, làm cho quân Mỹ bị choáng váng, chùn bước tiến vào căn cứ của ta.
Khi chiến cục đông xuân 1974-1975 bước vào giai đoạn quyết định, thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị giải phóng miền Nam trong năm 1975 và 1976, trước hết giải phóng Tây Nguyên, ông dùng mưu kế chiến lược thật tuyệt vời: giăng địch ra hai đầu Nam-Bắc chiến tuyến và kìm địch ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn, Quân đoàn 2 kìm giữ địch ở Huế - Đà Nẵng, Quân đoàn 4 đứng chân ở Đồng Nai - Bắc Sài Gòn, kìm giữ địch ở Sài Gòn và để địch sơ hở Tây Nguyên.
Khi đã giữ chặt được sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến ngụy - là những lực lượng cơ động chiến lược của địch ở hai đầu Nam-Bắc - thì đó là thời cơ để ta tiến công địch ở Tây Nguyên. Điều hay hơn nữa, để phá vỡ Tây Nguyên một cách nhanh chóng, chuyển hóa cả thế và lực, ông đã bất ngờ tăng thêm cho lực lượng ta ở Tây Nguyên hai sư đoàn nữa. Tây Nguyên từ chỗ có 2 sư đoàn trở thành có 4 sư đoàn, đã trở thành một quả đấm chủ lực mạnh.
Ngay khi chuẩn bị giải phóng Tây Nguyên, ông cũng đã phán đoán đến khả năng: Nếu địch bị thua đau ở Tây Nguyên, chúng có thể sẽ rút chạy về co cụm ở đồng bằng. Quả đúng như vậy, từ đó ông đã chỉ đạo chiến dịch gối đầu chiến dịch Huế-Đà Nẵng và kế tiếp chiến dịch Hồ Chí Minh với thế đánh địch “như chẻ tre”.
Thời cơ lịch sử đã đến, với sự nhạy bén và quyết đoán của nhà chiến lược quân sự, ông đã chỉ huy các mũi tiến công của đại quân ta bằng mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh của ông vừa là tiếng kèn xung trận vừa là chiết xuất của một tư duy quân sự thiên tài trước thời khắc hệ trọng lịch sử của dân tộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và kế thừa những truyền thống tinh hoa của dân tộc, trí tuệ dân tộc. Ông có đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận quân sự Việt Nam. Võ Nguyên Giáp là một vị tướng chỉ huy có tài thao lược, trí tuệ quân sự, mưu kế chiến lược, lý luận quân sự sáng tạo được lãnh tụ Hồ Chí Minh giáo dục, rèn luyện và được cuộc chiến tranh cách mạng hun đúc. Ông là một vị tướng của nhân dân, vị tướng của quân đội cách mạng.
Con người trọn đức vẹn tài
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn say mê học tập nghiên cứu lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, nghiên cứu lịch sử các cuộc chiến tranh, lịch sử quân sự thế giới; trân trọng các binh thư của tổ tiên, đi sâu vào Hịch tướng sĩ - Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo và Quân Trung Từ Mệnh Tập của Nguyễn Trãi; đọc các sách Đông Tây kim cổ, nghiền ngẫm về Tôn Tử binh pháp, về Carl von Clausewitz, Napoleon và một số tác giả đương thời; đọc các trước tác của Karl Marx, Engels, Lenin, Mao Trạch Đông, đặc biệt chú trọng học tập và tiếp thu sâu sắc tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Đại tướng không chỉ là một vị tướng cầm quân giỏi mà ông còn là một nhà ngoại giao, nhà văn hóa, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ của dân tộc. Ông cũng là một trong những người tham gia sáng lập báo Lao động, Tiếng nói chúng ta; là biên tập viên báo Tin tức, báo Dân chúng; là Chủ tịch Uỷ ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương Đại hội. Trong 30 năm kháng chiến, trên các báo, tạp chí của Trung ương Đảng, của quân đội có nhiều bài báo mang tên tác giả Võ Nguyên Giáp hay Hồng Nam. Đó là những bài viết về chỉ đạo chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân; về quan hệ giữa chính trị, quân sự và xây dựng kinh tế; về Đảng lãnh đạo quân đội và các cấp ủy đảng địa phương lãnh đạo các lực lượng vũ trang nhân dân. Nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp đã có gần 70 năm viết báo, là vị đại tướng có nhiều bài báo nhất (không kể những báo cáo, bài nói đăng báo).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau lễ phong quân hàm Đại tướng, tại Lục Rã, chân đèo Re, ngày 27-5-1948
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều năm hoạt động cách mạng tại Chiến khu Việt Bắc. Ông nói thành thạo tiếng Tày, tiếng Dao và tiếng Mông. Bài diễn ca về Mười chính sách Việt Minh của Bác Hồ viết bằng thể thơ lục bát gửi đồng bào Việt Bắc đã được Đại tướng chuyển sang thể thơ 5 chữ lấy tên là “Việt Minh ngũ tự kinh” và dịch sang 3 thứ tiếng Tày, Dao, Mông để phổ biến cho đồng bào, sau được dùng làm tài liệu tuyên truyền chính trong quần chúng và các lớp huấn luyện chính trị, văn hóa của phong trào Việt Minh.
Thư viện Quân đội đã lưu giữ được nhiều tác phẩm và sách lý luận của Đại tướng từ năm 1948 đến nhiều năm sau này: 46 đầu sách với 10.328 trang in, trong đó có cả những tác phẩm văn học, có sách viết về đề tài khoa học, kỹ thuật, kinh tế… rất xuất sắc. Có nhiều cuốn được tái bản 3 đến 5 lần. Ngoài ra còn 21 tuyển tập gồm các lệnh động viên, báo cáo tổng kết, diễn văn, huấn thị, chỉ thị… liên quan đến ông.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tấm gương sáng về đạo đức và về sinh hoạt của một người đứng đầu toàn quân và của một nhà văn hóa. Là Đại tướng Tổng Tư lệnh nhưng bữa ăn hàng ngày của ông bao giờ cũng đạm bạc, quần áo của ông mùa nào cũng chỉ vài bộ quân phục và thường phục bằng vải thường. Ông thường nhấn mạnh đến công lao, tài năng và đạo đức của các chiến sĩ và cán bộ chỉ huy các cấp nhưng rất ít nói đến bản thân mình. Ở ông sự độ lượng, đức khoan dung thật là sâu rộng. Ông có tác phong quần chúng tốt, là người rất quyết đoán nhưng cũng rất gương mẫu. Ông được nhân dân, quân đội và giới trí thức đặc biệt yêu mến.
Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Trong lòng dân, ông là vị Đại tướng của nhân dân, từ nhân dân mà ra. Đối với các thế hệ khoác áo lính trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, ông bao giờ cũng là vị Tổng tư lệnh tối cao nhất mực, người “Anh Cả” kính mến. Đối với bạn bè năm châu, ông là vị anh hùng hiện thân sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.
“Một thống soái quân sự cỡ lớn” - Đó là cách đánh giá của Đại tướng Mỹ William Westmoreland “đối thủ hôm qua” của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Và bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, các tướng lĩnh và sử gia phương Tây đều có những nhận xét tương tự.
Đại tướng Anh Peter MacDonald thì coi ông là “một trong những Thống soái lớn nhất của tất cả các thời đại”. Tướng Marcel Bigeard, một sĩ quan chỉ huy trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa chỉ nói gọn một câu khi kết thúc cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Pháp RFI nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “Tôi xin ngả mũ chào bái phục Tướng Giáp”.
Bernard Fall - một sử gia phương Tây khẳng định trong cuốn Võ Nguyên Giáp - con người và huyền thoại rằng: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào có thể so sánh kịp với Tướng Giáp”.
Duncan Townson, tác giả cuốn Những vị tướng lừng danh (xuất bản ở London nhân dịp giải phóng miền Nam) thì coi Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng trong vòng 25 thế kỷ qua, từ thời xa xưa với Alexandre Đại đế đến Hannibal rồi đến thời hiện đại, với Georgy Konstantinovich Zhukov... Theo Townson, mỗi vị danh tướng đó đều lập những chiến công “tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”...
Ảnh hưởng và uy tín của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chẳng những đã từng sâu sắc, mạnh mẽ trong hơn 30 năm kháng chiến, mà vẫn tiếp tục sâu sắc và mạnh mẽ ngay cả vào thời điểm hiện nay, hơn 20 năm sau khi ông lần lượt thôi giữ các trọng trách trong Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Tên tuổi nhà quân sự tài ba Võ Nguyên Giáp đã được khắc ghi trong cuốn Danh nhân Văn hoá thế giới. Ông là một nhân vật đã đi vào huyền thoại, một trong những con người tiêu biểu nhất cho dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.
(Theo TTXVN)