Nhìn em dọn mâm cơm lên mà anh thở dài ngao ngán: vài miếng đậu hủ chiên sả khô quéo, đĩa rau muống luộc và tô nước rau. Nghe anh cằn nhằn, em tỉnh bơ trả lời câu quen thuộc: “Phải tiết kiệm chứ anh!”. Với phương châm “tiết kiệm”, em cứ xoay đi vòng lại có mấy món, hết đậu hủ lại trứng chiên, hết rau luộc đến rau xào, hết cá nục đến cá song, ròng rã từ năm này sang năm khác. Nói ra thì xấu hổ, chứ nhà mình ăn kham khổ quá, đến nỗi hễ có ai mời cơm, anh mừng lắm.
Tính “kẹo” của em xuất phát bởi quá khứ nghèo khó của hai vợ chồng mình. Thời sinh viên, anh và em đều là dân tỉnh, vừa học vừa lăn lộn làm thêm. Mì gói, mì gõ, xôi… là thực đơn quen thuộc. Thậm chí, có nhiều buổi hai đứa phải nhịn đói đi học. Hai đứa ra trường, đi làm, chắt chiu dành dụm để tổ chức một đám cưới nhà nghèo nho nhỏ. Rồi cơ hội đổi đời cũng tới, khi anh và em tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn liếng, mở được một công ty nho nhỏ. Cứ cắc củm làm lụng, dần dà thu nhập cả tháng của hai vợ chồng, gom lại cũng được hơn 20 triệu. Với thu nhập ấy, vợ chồng mình xứng đáng được hưởng một mức sống tốt hơn. Nhưng với cái tính “kẹo” đã ăn sâu vào máu, em tự kéo dài những chuỗi ngày kham khổ…
Nếu chỉ “kẹo” trong ăn uống, anh còn ráng chấp nhận, đằng này em “kẹo toàn tập” mới chết anh. Công ty mở cũng đã lâu, việc thì ngày càng nhiều, nhưng em cương quyết không chịu thuê nhân viên. Ai đời, công ty của mình chỉ có đúng hai người: anh và em. Anh là giám đốc kiêm nhân viên kinh doanh, kiêm giao hàng, kiêm khuân vác, kiêm chạy việc vặt… Em là nhân viên văn phòng, là nhân viên trực điện thoại, là kế toán… Nếu thuê thêm người, anh sẽ rảnh rang hơn, có thời gian lập kế hoạch kinh doanh, phát triển thêm khách hàng, công ty sẽ càng lớn mạnh. Nhưng nói mãi mà em không chịu hiểu, chỉ khư khư ý kiến: “Biết có kiếm thêm được gì không, hay chỉ thấy mất mỗi tháng cả đống tiền lương?”.
Cũng bởi em “kẹo”, nên nhìn bề ngoài, chẳng ai dám nói vợ chồng mình là “ông bà giám đốc” cả. Chiếc xe từ hồi mới cưới, đến giờ vẫn chưa đổi, bởi: “Còn chạy tốt thì đổi làm gì”. Quần áo của hai vợ chồng toàn là đồ cũ, thậm chí có cái đã sờn, đã rách, em vẫn chưa bỏ. Nhiều khi, anh cần đi xã giao hay tiếp khách, muốn kiếm bộ đồ coi cho đàng hoàng một chút cũng chẳng có. Trách em, em lại bảo “anh coi trọng bề ngoài quá!”.
Nhà cúp điện, anh rủ em ra quán cà phê trốn nóng, em cằn nhằn: “Phí! Ngồi có chút xíu mất cả trăm ngàn”. Rủ đi xem ca nhạc, em bảo: “Bật đĩa lên nghe còn hay hơn”. Rủ đi du lịch, em đề xuất ngay: “Lấy xe chở em về quê đi, vừa thư giãn vừa đỡ tốn”. Bạn rủ nhậu, anh hùn vài trăm ngàn trả tiền cũng phải giấu em, bịa đủ lý do để “hợp thức hóa” số tiền mất đi ấy…
Mới đây, gặp lại thằng bạn cùng học chung đại học. Nó tròn xoe mắt: “Sao mày mau già vậy?”. Giật mình về nhà soi gương, anh thấy cũng phát hoảng. Cái thằng trong gương tệ quá! Mới chớm 30 mà tóc đã bắt đầu bạc, hom hem gầy còm, áo quần sờn cũ. Cũng phải thôi, làm ngày làm đêm, lại ăn uống kham khổ, chẳng biết vui chơi giải trí là gì… không già cũng uổng. Phần em, nhìn cũng chẳng khá hơn là bao.
Tiết kiệm là tốt, nhưng “kẹo” như em cũng chẳng phải hay. Kiếm tiền, ngẫm cho cùng cũng chỉ để cuộc sống được tốt hơn. Cứ cái đà kham khổ này thêm 10, 20 năm nữa, thì hai vợ chồng mình sống để làm gì, hả em?
(Theo PNO)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065