|
Quốc kỳ Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng Trung Quốc và các nước ASEAN trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước tham gia.
Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ bảy đã diễn ra tại Nam Ninh thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc diễn ra trong hai ngày 12 và 13-7, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên - trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, cho rằng các cơ chế hợp tác đa dạng hiện nay trong khu vực, liên khu vực và tiểu vùng, trong đó có khuôn khổ Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, đã từng bước được hoàn thiện cùng với các nội dung hợp tác ngày càng thực chất sẽ góp phần tăng cường kết nối hạ tầng, tạo điều kiện khai thác tính bổ sung lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong khu vực.
Với chủ đề “Hợp tác kinh tế khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng và thịnh vượng chung," Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận các lĩnh vực hợp tác có tiềm năng thúc đẩy trong khuôn khổ hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng.
Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 400 đại biểu đến từ Trung Quốc, một số nước ASEAN như Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Philippines, Campuchia, Malaysia và nhiều chuyên gia, học giả, doanh nghiệp trong và ngoài khu vực.
Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ bảy có ba phiên thảo luận chính, gồm phát triển đô thị; phát triển công nghiệp thông tin điện tử; hợp tác công nghiệp Trung Quốc-Malaysia. Diễn đàn tổ chức một phiên riêng để các học giả thảo luận về “Tái cân bằng kinh tế toàn cầu: Phát triển và hợp tác khu vực Vịnh Bắc Bộ mở rộng."
Các học giả đã thảo luận về triển vọng kinh tế thế giới và nhận định vai trò của khu vực Đông Á trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới, tác động của các Hiệp định tự do thương mại (FTA) trong khu vực như Hiệp định tự do thương mại Đông Á (EAFTA); Hợp tác kinh tế toàn diện Đông Á (CEPEA); Hiệp định tự do thương mại giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Các học giả cũng nhấn mạnh vai trò của các cơ chế hỗ trợ tài chính cho các khuôn khổ hợp tác và liên kết kinh tế giữa các nước.
Tại phiên thảo luận về đô thị, các đại biểu thảo luận về khả năng thúc đẩy hợp tác và liên kết giữa các thành phố dọc hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore trong phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp hiện đại.
Về cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế trong khuôn khổ Vịnh Bắc Bộ mở rộng, các đại biểu cho rằng công nghiệp thông tin điện tử là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới và đề xuất tạo cơ chế liên kết giữa các doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và chính phủ trong lĩnh vực này, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và có cơ chế sử dụng tốt nhân tài.
Hợp tác kinh tế theo mô hình khu công nghiệp giữa Trung Quốc với từng nước ASEAN như Khu công nghiệp Trung Quốc-Malaysia cũng được các đại biểu quan tâm, trao đổi.
Được tổ chức thường niên từ năm 2006, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng dự kiến sẽ tiếp tục được tổ chức hàng năm tại Nam Ninh (Trung Quốc).
(Theo TTXVN)