Việt Nam đã có các phát biểu khẳng định quyết tâm của Việt Nam thúc đẩy hội nhập khu vực trong khuôn khổ ASEAN, cũng như với các nước đối tác.
Tại hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trù bị (AEM trù bị) và Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 6 (AEC 6) đã diễn ra trong ngày 16-11 tại Bali, Indonesia, nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 19 được tổ chức từ ngày 17 đến 19-11, đoàn Việt Nam cũng đã có nhiều sáng kiến góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại trong ASEAN, đặc biệt là các sáng kiến để tiến tới mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Cho tới nay, Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ thực hiện cao các biện pháp và sáng kiến đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng AEC của Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị cũng đã có một số cuộc tiếp xúc song phương với các nước ASEAN và nước đối tác nhằm thảo luận các vấn đề hợp tác kinh tế-thương mại hai bên cùng quan tâm.
Đặc biệt, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã ký Nghị định thư sửa đổi Bản ghi nhớ về mua bán gạo theo tinh thần duy trì thị phần gạo Việt Nam tại thị trường truyền thống Indonesia và góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Indonesia trong các năm tới.
Hội nghị AEM trù bị có sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN và 10 Bộ trưởng Kinh tế ASEAN. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng AEC của Việt Nam, dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Tại hội nghị, các bộ trưởng đã thảo luận về tình hình xây dựng biểu đánh giá xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) giai đoạn II, rà soát giữa kỳ Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC và các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị AEC 6.
Hội nghị AEC 6 diễn ra ngay sau Hội nghị AEM trù bị và có sự tham dự của Chủ tịch AEC của 10 nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Hội nghị đã thông qua các văn kiện trình lên các nhà Lãnh đạo ASEAN, trong đó đáng chú ý là nội dung Tuyên bố của ASEAN 19 về Khuôn khổ phát triển công bằng trong ASEAN: Các nguyên tắc về tăng trưởng đồng đều và bền vững và Tuyên bố của ASEAN 19 về Khuôn khổ ASEAN về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Khuôn khổ phát triển công bằng trong ASEAN: Các nguyên tắc về tăng trưởng đồng đều và bền vững tập trung vào nội dung phát triển công bằng, trụ cột thứ 3 trong số 4 trụ cột hợp tác nhằm xây dựng AEC vào năm 2015. Khuôn khổ khẳng định mạnh mẽ quan điểm coi tăng trưởng toàn diện và bền vững là đặc điểm chính của quá trình hội nhập ASEAN, đồng thời đề ra các nguyên tắc thúc đẩy quan điểm này trong tất cả các trụ cột của AEC.
Trong khi đó, Khuôn khổ ASEAN về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực thể hiện quyết tâm củng cố vai trò trung tâm của ASEAN để khối tiếp tục là khu vực năng động, thu hút hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực và thế giới, đóng vai trò dẫn dắt trong tiến trình hội nhập khu vực.
Khuôn khổ đã đề ra những nguyên tắc chính, định hướng cho việc thảo luận Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN với các nước đối tác trong tương lai.
Một trong những nguyên tắc quan trọng mà Khuôn khổ đề ra là ASEAN có thể xây dựng Hiệp định đối tác với các nước đối tác đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN cũng như một số đối tác khác. Khuôn khổ cũng khẳng định lại một nguyên tắc quan trọng của ASEAN là dành đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam trong quá trình thảo luận, xây dựng Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực.
Ngoài ra, hội nghị cũng đã thảo luận về triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay, rà soát tình hình thực hiện các biện pháp hướng tới mục tiêu thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 và tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN để báo cáo lên ASEAN 19.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn khó khăn và tiếp tục đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng, mốc thời gian hoàn thành xây dựng AEC đang đến gần, các nước ASEAN cần đẩy mạnh quyết tâm thực hiện các cam kết theo lộ trình đã đề ra, tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nước có trình độ phát triển thấp hơn, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng đồng đều cho cả khối.
Nhân dịp này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng đã ký kết Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc và Nghị định thư thực hiện Gói cam kết dịch vụ thứ hai thuộc Hiệp định Thương mại dịch vụ ASEAN-Trung Quốc. Các văn kiện này được ký kết nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của ASEAN với các nước đối tác.