Xin được nhắc nhớ đến Chỉ thị số 406/TTg ngày 8-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ về nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước kể từ ngày 1-1-1995. Đây được coi là “cuộc cách mạng” thay đổi về thói quen của người Việt sau hàng ngàn năm đì đùng tiếng pháo mỗi dịp tết đến, xuân về; hay trong những ngày trọng đại, hiếu hỉ. Quyết định mang đầy tính nhân văn ấy đã cứu được hàng trăm mạng người mỗi năm và tiết giảm không nhỏ kinh phí cho các gia đình Việt.
Để luật đi vào cuộc sống, nhất là những luật định đòi hỏi phải thay đổi ý thức, thói quen như đốt pháo quả thật là rất khó và không thể trong ngày một, ngày hai. Những năm đầu thực hiện Chỉ thị 406/TTg, tình trạng mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ đã giảm hẳn, thậm chí không còn. Và mỗi dịp tết Nguyên đán hằng năm, Thủ tướng Chính phủ đều có công điện đặc biệt lưu ý không để tái diễn vấn nạn này. Tuy nhiên, việc quản lý, chấp hành quy định cấm mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ những năm gần đây có chiều hướng lơi lỏng, diễn biến phức tạp trên hầu hết các địa bàn trong cả nước, nhất là các tỉnh biên giới.
Có cầu ắt có cung và mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên bắt giữ, xử lý nhiều, rất nhiều vụ vận chuyển, buôn bán, tàng trữ pháo nổ nhưng tình trạng này vẫn xảy ra. Ít thì vài kilôgam, nhiều lên đến hàng tấn. Không còn trao tay, vận chuyển qua đường bộ, đường thủy từ bên kia biên giới vào nước ta, pháo nổ đã xuất hiện ngay trong nội địa qua sản xuất từ hướng dẫn trên internet. Tùy theo tính chất, mức độ và số lượng mà người sản xuất, sử dụng, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc pháo, pháo nổ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định pháp luật. Tuy vậy, khung hình phạt qua nhiều lần điều chỉnh vẫn chưa tương xứng với lợi nhuận mang lại và cả những kẽ hở, bất cập trong xử lý vi phạm khiến tình trạng mua bán, vận chuyển, đốt pháo nổ trái phép vẫn diễn ra, năm sau nhiều hơn năm trước. Đó còn là hành vi thiếu ý thức của một bộ phận nhỏ người dân, nhất là thanh thiếu niên: cấm cứ đốt, càng cấm càng đốt, đốt để livestream lấy like, tăng comment, lượt view…
Từ ngày 11-1-2021, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực thi hành. Nghị định 137 có nhiều quy định cụ thể, nghiêm khắc hơn, khắc phục được những hạn chế của Nghị định số 36/2009, nhất là tách bạch rõ pháo hoa gây tiếng nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ. Trong đó, nghị định nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng pháo nổ và pháo hoa nổ (quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137). Đây là một trong những kẽ hở mà trước đây đối tượng buôn lậu pháo thường lợi dụng để hoạt động phi pháp.
Tính mạng con người cũng như những hệ lụy về an ninh trật tự xã hội do pháo gây ra trở thành một yêu cầu mà ý thức, thói quen tồn tại lâu đời phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu cuộc sống hiện đại, văn minh. Thực tế qua gần 25 năm thực hiện chỉ thị cấm pháo đã minh chứng cho điều đó. Vì vậy, mỗi công dân cần nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước, của pháp luật để nỗi đau về pháo nổ sẽ không còn.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065