Đảo Đá Thị thuộc quần đảo Trường Sa
Sáng 27-4, hội thảo quốc tế với chủ đề “Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa-Những khía cạnh lịch sử và pháp lý” do trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức, đã khai mạc tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Qua một ngày làm việc khẩn trương với hai phiên thảo luận về các chủ đề thiết thực, đã có 13 phát biểu tham luận trình bày tại hội thảo và hàng chục ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi, tập trung vào các vấn đề đang nổi lên ở Biển Đông hiện nay.
Tại hội thảo, nhiều báo cáo, tham luận của các học giả quốc tế, các chuyên gia nghiên cứu có uy tín trên thế giới và Việt Nam, đã đưa ra các bằng chứng, căn cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đồng thời chỉ rõ Trung Quốc hoàn toàn không có các chứng cứ để khẳng định chủ quyền của họ đối với hai quần đảo này.
Các tham luận tại hội thảo đã phân tích các khía cạnh của luật pháp quốc tế liên quan đến thụ đắc lãnh thổ, theo đó có thể kết luận rằng Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988 hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.
Các đại biểu cũng đã thảo luận về tình hình Biển Đông thời gian gần đây; phê phán yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời chỉ ra rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực thi yêu sách “đường lưỡi bò” chính là nguyên nhân gây ra tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
Các ý kiến cũng cho rằng, việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và đang ráo riết triển khai các hoạt động củng cố “Tam Sa,” là nhằm khống chế, kiểm soát Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế. Tại hội thảo lần này, các đại biểu nhất trí cho rằng hòa bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các quốc gia ven Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Trao đổi với phóng viên, phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho biết qua các tham luận tại hội thảo lần này, các học giả đã trình bày, làm sáng tỏ thêm tính pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các học giả đã phân tích rất tỉ mỉ, đưa ra những ý kiến về việc giải quyết những tranh chấp trên biển Đông một cách hòa bình.
Trong phiên thảo luận bàn về tính pháp lý, các học giả đều bác bỏ sự vô lý về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, cũng như việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” là vi phạm đối với chủ quyền của Việt Nam. Các học giả cũng đã nêu lên các ý kiến của họ rất rõ ràng, ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng các học giả, các nhà nghiên cứu đề cập các vấn đề cơ bản như cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sự so sánh các nguyên tắc pháp lý, quan điểm của các bên tranh chấp hai quần đảo này.
Các đại biểu cho rằng quan điểm pháp lý, nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam dựa vào để khẳng định chủ quyền của mình là Nhà nước Việt Nam - nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thực sự, rõ ràng, hòa bình, liên tục.
Ngày mai (28-4) các đại biểu tham dự hội thảo sẽ ra thăm huyện đảo Lý Sơn và tận mắt chứng kiến những di tích liên quan đến các chứng cứ lịch sử, pháp lý mà các đại biểu đã được nghe tại hội thảo.
Các đại biểu cũng sẽ tham dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hàng năm tại huyện đảo Lý Sơn. Đây là dịp để các đại biểu có cơ hội hiểu biết đầy đủ hơn về một trong những lễ hội văn hóa của người Việt Nam đã diễn ra liên tục từ hàng trăm năm nay. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã trở thành một hoạt động tâm linh ăn sâu vào tiềm thức của người dân địa phương nói riêng cũng như dân tộc Việt Nam nói chung.
Các đại biểu cũng sẽ được chứng kiến các nghi lễ tưởng nhớ các bậc tiền nhân, thành viên của hải đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải, vâng mệnh triều đình đi thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
(Theo TTXVN)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065