Nói về chuyến đi và bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân La Hay 2014, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho rằng, Việt Nam đang ngày càng có sức hút rất lớn trên diễn đàn quốc tế và với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên
Nỗ lực để đảm bảo an ninh hạt nhân toàn cầu
Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân La Hay 2014: “Tăng cường an ninh hạt nhân, giảm thiểu nguy cơ khủng bố hạt nhân, các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế” diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đứng trước 2 sự lựa chọn. Một là tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân để phục vụ cho phát triển KTXH, hai là ngừng lại và đi đến không sử dụng năng lượng hạt nhân.
Sở dĩ như vậy vì có những vấn đề về sự cố hạt nhân ở Chernobyl trước kia và gần đây nhất là rò rỉ hạt nhân tại Fukushima-Nhật Bản. Cộng thêm lực lượng khủng bố quốc tế sử dụng hạt nhân là điều hiện hữu mà thế giới cần phải cố gắng loại trừ.
Ông Nguyễn Dy Niên cho rằng, với sự tham dự của 53 quốc gia và 5 tổ chức quốc tế, trong đó có gần 40 lãnh đạo cấp cao, bao gồm nguyên thủ các cường quốc hạt nhân thế giới, Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng.
Riêng đối với Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự trước hết là với tư cách của một đất nước đang phát triển và có chương trình sử dụng hạt nhân. Chúng ta rất thận trọng trong vấn đề này nhưng nếu nhìn tổng thể về năng lượng thì việc sử dụng năng lượng hạt nhân để thêm vào số năng lượng ta đang khai thác là cần thiết và Việt Nam có khả năng để phát triển nguồn năng lượng này.
Hội nghị năm nay diễn ra cùng lúc với khủng hoảng ở Ukraina mặc dù có sự phân tâm như vậy nhưng cũng như Việt Nam các nước đến đây với trách nhiệm rất cao để bàn các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh hạt nhân. Trong đó 35 quốc gia cam kết phối hợp kiểm tra chéo định kỳ an ninh hạt nhân, chứng tỏ nỗ lực của quốc tế trong vấn đề này vẫn đang tiếp tục và ngày càng tăng.
Bên cạnh đó, hiện chúng ta đang trên cương vị thành viên và là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2013-2014. Việt Nam đã nỗ lực hết sức mình để cùng các đối tác đóng góp tích cực cho việc bảo đảm an ninh hạt nhân trên toàn cầu.
Minh chứng rõ nét khi Việt Nam tham gia vào IAEA ngay từ đầu, Việt Nam luôn hợp tác chặt chẽ với IAEA và được đánh giá rất cao mặc dù chúng ta chưa phải là đất nước có điện hạt nhân, mới chỉ có lò phản ứng thí nghiệm ở Đà Lạt. Trong hợp tác này có 2 phần, bản thân Việt Nam học được kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, quan trọng hơn là chuẩn bị đào tạo lớp cán bộ, kỹ sư, công nhân phục vụ cho phát triển điện hạt nhân. Việt Nam luôn làm hết trách nhiệm đối với công việc chung và thực hiện nghiêm túc các cam kết. Trong tương lai Nhà nước phải đầu tư để đào tạo, có cơ chế hợp lý, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu, học tập.
Theo ông Nguyễn Dy Niên, vấn đề an ninh hạt nhân luôn là mối quan tâm hàng đầu vì sử dụng hạt nhân như con dao hai lưỡi, rất hữu ích đối với sự phát triển kinh tế nhưng nếu không khéo vấn đề an ninh hạt nhân cũng gây thảm họa lớn cho nhân loại hay những kẻ khủng bố sử dụng rất nguy hiểm. Quan trọng là cộng đồng quốc tế làm thế nào để nhìn thấy trước các nguy cơ từ đó có những biện pháp an toàn cao nhất có thể để sử dụng năng lượng này một cách hiệu quả và ngăn chặn rất sớm khả năng khủng bố hạt nhân.
“Đối với Việt Nam, vấn đề này chưa thật thúc bách nhưng nhìn tổng thể và nhìn về tương lai thì những bước đi trên là vô cùng cần thiết. Chúng ta phải từng bước hoàn thiện nội luật về an toàn hạt nhân, từ đó có những biện pháp an toàn trước tiên cho Việt Nam sau đó là đóng góp chung cho khu vực và thế giới. Bởi thảm họa hạt nhân là một trong những thảm họa lớn nhất của nhân loại”, ông Nguyễn Dy Niên nói.
Những cuộc tiếp xúc “siêu tốc” với hiệu quả cao
Ông Nguyễn Dy Niên cũng bày tỏ ấn tượng về bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân La Hay 2014, khẳng định rõ quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề an ninh hạt nhân toàn cầu.
Ông Nguyễn Dy Niên nói: Bài phát biểu tuy rất ngắn, vỏn vẹn trong 1 trang giấy (hơn 600 chữ) nhưng mang nội hàm đầy đủ. Thứ nhất là cam kết của chúng ta để chúng ta xây dựng nội luật bảo đảm an toàn hạt nhân, điều này bất kỳ quốc gia nào cũng phải làm nhưng Việt Nam đã bắt tay vào làm, đã từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp về an ninh hạt nhân. Thứ hai là thực hiện đúng các cam kết của quốc tế. Tuy chúng ta đã gia nhập và phê chuẩn Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Phần Sửa đổi (10-2012) nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục phê chuẩn các nghị định thư bổ sung và các định ước khác và tích cực chuẩn bị tham gia Công ước quốc tế về ngăn chặn các hành động khủng bố hạt nhân (ICSANT).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh rõ rất rõ Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN nhằm xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân; đồng thời tăng cường hợp tác với IAEA và nhiều quốc gia khác trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và các điều kiện cần thiết để thực hiện Chương trình điện hạt nhân quốc gia một cách hiệu quả, bảo đảm an toàn, an ninh. Tham gia của chúng ta vào nỗ lực chung để cấm phổ biến vũ hạt nhân, giải trừ quân bị thì đây là cố gắng chung của nhân loại vì vậy cần tiếp tục.
“Là người hoạt động ngoại giao và đã đi dự nhiều Hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng tôi rất tâm đắc với những nội dung được Thủ tướng đề cập trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh hạt nhân lần này. Bài phát biểu đã chuyển tải hết nội dung cần nói, học tập được phong cách của Bác Hồ, nói rất ngắn nhưng xúc tích, rõ ràng. Trong thế giới hội nhập hiện nay, cách diễn đạt như vậy rất hội nhập”, ông Nguyễn Dy Niên chia sẻ.
Một điều tâm đắc nữa của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên là những cuộc tiếp xúc song phương dày đặc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thủ tướng đã có một loạt các cuộc tiếp xúc với nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các nước tham dự Hội nghị.
“Tôi rất bất ngờ khi Thủ tướng đã có những cuộc gặp với những đối tác rất quan trọng là những nguyên thủ quốc gia của nhiều nước lớn như: Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Pháp Hollande, Thủ tướng Nhật, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon... chỉ trong khoảng thời gian tham dự Hội nghị này”, ông Nguyễn Dy Niên bày tỏ.
Ông Nguyễn Dy Niên cho biết, những cuộc tiếp xúc này chỉ diễn ra trong vòng khoảng 10 phút, có khi các nguyên thủ quốc gia không phải ngồi mà cùng đứng để trao đổi. Trong những cuộc tiếp xúc này mối quan hệ song phương được nêu lên rất cụ thể. Những cuộc gặp cấp cao như vậy phải được chuẩn bị cả năm nên mang lại hiệu quả rất cao. “Cách tiếp xúc như vậy trong thế giới đa dạng hội nhập như hiện nay còn gọi là những cuộc gặp siêu tốc và phải như thế mới hội nhập được”, ông Niên nói.
Ông Niên cho biết thêm, khi vào trận mới thấy sức ép của công việc rất lớn, khi gặp phải nói những vấn đề gì trong khoảng thời gian rất ngắn thì cần sự sắp xếp rất khoa học, chuẩn bị rất công phu. Thủ tướng phải là người nắm vấn đề rất vững, tác phong làm việc khoa học, ghi chép tỉ mỉ, tác phong làm việc đó rất cần khi chúng ta hội nhập nhất là đối với một người đứng đầu chính phủ.
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang có những hoạt động quốc tế rất thành công. Ví dụ như các chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Thụy Sỹ, Italia. Việt Nam đang có sức hút tốt, đi đâu đều được các nước trân trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển.
Nguồn Chinhphu
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065