Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Nhà nước Israel Shimon Peres sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến 26-11-2011.
Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Israel tới Việt Nam kể từ khi hai nước lập quan hệ ngoại giao năm 1993.
Israel nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, phía Bắc giáp Lebanon, Đông Bắc giáp Syria, Đông giáp Jordan, Nam và Tây-Nam giáp Aicập.
Israel có diện tích gần 21.000km2, kể cả Đông Jerusalem với dân số khoảng 7,5 triệu người.
Mặc dù vốn là đất nước nghèo tài nguyên thiên nhiên, phần lớn đất đai khô cằn, nhưng nhờ công nghệ cao rất phát triển và được ứng dụng vào sản xuất trong tất cả các ngành nông nghiệp (cải tạo đất, giống, tưới tiêu, tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch); công nghiệp, quốc phòng…, Israel đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế; được xếp vào hàng các nước phát triển và là một trong 25 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của Israel đứng đầu thế giới. Ngành công nghiệp của nước này cũng rất phát triển với tỷ lệ sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu chiếm tới gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, đứng thứ hai về số lượng các công ty công nghệ thông tin, chỉ sau thung lũng Silicon của Hoa Kỳ.
Năm 2010, GDP của Israel đạt 201 tỷ USD, tăng trưởng kinh tế 3,4%.
Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao (2-7-1993), hai nước Việt Nam và Israel đã có nhiều hoạt động mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm khoa học-công nghệ… đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiêp, thủy lợi, y tế.
Quan hệ giữa hai nước gần đây phát triển tốt. Tháng 3-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông qua chủ trương thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Israel rất chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam, chủ động cử nhiều đoàn cấp cao vào Việt Nam. Quan hệ kinh tế giữa hai bên thông qua đó cũng được thúc đẩy hơn.
Kim ngạch thương mại Việt Nam-Israel năm 2010 đạt hơn 220 triệu USD, tăng 34% so với năm 2008. Việt Nam xuất khẩu giầy dép, quần áo, nông sản và nhập từ Israel thiết bị công nghệ cao, hoá chất, phân bón…
Năm nay, Israel tiếp tục cấp tín dụng bổ sung cho Việt Nam 100 triệu USD.
Israel xếp thứ 54 trong tổng số 93 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với chín dự án và tổng số vốn đăng ký gần 33,8 triệu USD.
Các công ty Israel tham gia liên doanh, đầu tư vào một số dự án ở Hà Nội, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh…
Với những kinh nghiệm quý của mình, Israel đã cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, thiết lập các trại nông nghiệp mẫu tại Hà Giang, Hà Tây, Hà Nội.
Một số dự án hợp tác nông nghiệp (trồng hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi bò sữa) sử dụng công nghệ của Israel tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả bước đầu và đang phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, Israel cũng thường xuyên cung cấp học bổng đào tạo thực tập sinh ngắn hạn cho cán bộ Việt Nam trong lĩnh vực mà Israel có thế mạnh như khoa học, công nghệ, nông nghiệp, thủy lợi, môi trường…
Những năm qua, Israel cũng cử nhiều đoàn y, bác sỹ tổ chức khám chữa bệnh miễn phí tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam.
Đây cũng là một thị trường lao động của Việt Nam, năm 2010, có khoảng 1.000 lao động Việt Nam làm việc tại Israel…
Đón Tổng thống Shimon Peres thăm chính thức, Việt Nam khẳng định chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các quốc gia Arập và Israel, thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác nhiều mặt với Israel, đặc biệt trong các lĩnh vực Israel có thế mạnh như khoa học công nghệ, đầu tư, thương mại, lao động, du lịch, công nghiệp quốc phòng…