Không chỉ là lần đầu tiên Năm APEC được tổ chức tại Papua New Guinea - nền kinh tế nhỏ bé nhất khối, APEC 2018 còn là sự kiện quốc tế lớn nhất trong lịch sử mà đất nước hợp thành từ khoảng 600 đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương này từng đăng cai.
Là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi hội tụ các trung tâm kinh tế, thương mại và công nghệ lớn toàn cầu, chiếm 39% dân số, đóng góp 59% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và hơn 49% thương mại của thế giới, APEC đã mang lại nhiều lợi ích về chiến lược, kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển toàn diện tại các nền kinh tế thành viên.
Năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng đối với APEC như một năm bản lề nhằm tiếp tục thúc đẩy hợp tác, hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập diễn đàn vào năm 2019 và chuẩn bị bước vào thập niên phát triển thứ tư.
Với chủ đề “Tận dụng cơ hội tăng trưởng bao trùm, phát huy tương lai số,” những chính sách được ưu tiên thảo luận tại Hội nghị cấp cao APEC 2018 bao gồm thúc đẩy hội nhập và kết nối kinh tế khu vực, phát triển kinh doanh theo định hướng kỹ thuật số, cơ hội thị trường cho các doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu khó đoán định, trước những thách thức của xu thế chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, phát triển bền vững và bao trùm đã trở thành mục tiêu của cả châu Á-Thái Bình Dương trong những năm gần đây.
Hơn 10 năm qua, khi quá trình hội nhập kinh tế ở khu vực bước vào giai đoạn phát triển nhất định, APEC đã rất nỗ lực để tổng hòa quyền lợi của các nền kinh tế thành viên, trong đó việc hình thành Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) được xem là một yêu cầu tất yếu.
Các chuyên gia tin rằng với quy mô bao trùm tất cả các nền kinh tế APEC, FTAAP không chỉ giúp thúc đẩy dòng chảy tự do thương mại và đầu tư trong khu vực, mà còn giúp tạo nên một nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cởi mở hơn.
Trong khi đó, đồng Chủ tịch Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương Tang Guoqiang nhận định "FTAAP là một lựa chọn chiến lược cho sự thịnh vượng lâu dài của khu vực châu Á - Thái Bình Dương."
Hội nghị 2018 sẽ tập trung thảo luận việc hiện thực hóa FTAAP dựa trên cơ sở Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
APEC 2018 cũng là lần đầu tiên nền kinh tế kỹ thuật số được chọn là một trong những ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Papua New Guinea Rimbink Pato, thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử đang tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện có 110 triệu MSMEs - chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp của khu vực và tạo việc làm cho hơn 50% dân số.
Chuyên viên cao cấp của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC Stan Joyce cho rằng sự đổi mới kỹ thuật số và nền tảng phát triển hiện nay là một bước đệm cho các nền kinh tế APEC nắm bắt và mở rộng cơ hội.
"Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông là chìa khóa để ứng dụng kỹ thuật số. Ở nhiều nền kinh tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chỉ tập trung ở các khu đô thị. Yêu cầu đặt ra ở đây là làm sao để đáp ứng cơ sở hạ tầng cho tất cả mọi người trong nền kinh tế của chúng ta," ông Joyce nói.
Theo ông Joyce, các công nghệ kỹ thuật số sẽ tạo điều kiện cho các MSMEs có thể tiếp cận nhanh với tài chính và thị trường, giúp họ khai thác các cơ hội thương mại điện tử, số hóa, xây dựng các quy định và tăng cường năng lực, cho phép các doanh nhân tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực này.
Theo kết quả khảo sát của PricewaterhouseCoopers (PwC), các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại APEC cũng rất ý thức về yêu cầu đầu tư nhiều hơn vào việc chuyển đổi kỹ thuật số. Với việc nền kinh tế Internet dự kiến đạt tổng trị giá hơn 200 tỷ USD chỉ riêng trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2025, hai ưu tiên hàng đầu của các lãnh đạo doanh nghiệp APEC hiện là cải thiện khả năng tương tác với khách hàng trên nền tảng kỹ thuật số và nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động.
Ngoài hai vấn đề nổi bật được nước chủ nhà Papua New Guinea lựa chọn làm chủ đề của Năm APEC 2018, hội nghị cấp cao năm nay cũng sẽ thảo luận một loạt các vấn đề khác như: kết nối khu vực; quyền tham gia kinh tế của phụ nữ, thanh thiếu niên và các nhóm thổ dân; biến đổi khí hậu ở các quốc đảo Thái Bình Dương; cứu trợ nạn nhân thiên tai.
APEC năm nay cũng có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam, là dịp đánh dấu mốc tròn 20 năm Việt Nam tham gia APEC (11/1998-11/2018). Sau 2 thập niên đồng hành cùng APEC, vị thế của Việt Nam đã được nâng cao, đặc biệt với dấu ấn thành công của Năm APEC 2017 cũng như những thành tựu tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế nổi bật thời gian qua.
Trong 2 năm liên tiếp 2017 và 2018, Việt Nam được các lãnh đạo doanh nghiệp tại 21 nền kinh tế APEC đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực.
Kết quả khảo sát mới nhất do PwC thực hiện cho thấy có tới 35% số lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng doanh thu tại Việt Nam, trong khi 51% cho biết có kế hoạch tăng cường hoạt động đầu tư trong năm tới.
Các hiệp định thương mại lớn như CPTPP, FTA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam... sẽ giúp Việt Nam mở rộng tiềm năng thu hút thêm vốn đầu tư và kiến tạo thêm các cơ hội kinh doanh xuyên biên giới.
Năm nay, Việt Nam đã tranh thủ nguồn lực các quỹ dự án của APEC để triển khai 14 dự án nâng cao năng lực cạnh tranh dành cho công chức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ nữ, người lao động trong các lĩnh vực đàm phán thương mại, kỹ năng số, y tế, năng lượng…, đưa "đất nước hình chữ S" trở thành một trong những thành viên đi đầu đề xuất và triển khai các sáng kiến APEC.
Từ Tuyên bố Đà Nẵng APEC 2017 "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung," Việt Nam đã và đang phối hợp với các nỗ lực của APEC hướng tới thập niên phát triển mới bền vững và bao trùm.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065